Thơ nữ tìm hướng ra thị trường, trăm điều khó - Thời sự 11g00 20/10/2018

(VOH) - Có phải thơ đang chưa được quan tâm đúng mức, hay các nhà thơ đang mai một niềm đam mê với con chữ?

Văn hóa đọc đang được nhiều người quan tâm, sách đã đến gần hơn với người đọc. Đa dạng đề tài, phong phú thể loại, từ sách kĩ năng đến khoa học công nghệ, từ sách văn học đến kinh tế... Điều đó đã giúp cho bạn đọc có nhiều lựa chọn cho nhu cầu đọc và niềm đam mê đọc của mình. Tuy nhiên, mảng sách thơ lại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường sách hiện nay. Có phải thơ đang chưa được quan tâm đúng mức, hay các nhà thơ đang mai một niềm đam mê với con chữ?

Trong đời sống văn học nghệ thuật, văn chương dường như lúc nào cũng là nốt trầm trong bản nhạc nghệ thuật nhiều sôi động, dù rằng văn học luôn mang tính định hướng, đi đầu trong cảm nhận văn nghệ. Thế nhưng, thời gian gần đây, không khó để tìm cho những tác phẩm văn học hay, có khi là tái bản từ những tác phẩm đã cũ, hay những ấn phẩm mới lần đầu ra mắt, từ những cuốn sách best – seller trên thế giới, đến những đứa con tinh thần mới xuất bản của các nhà văn trong nước.

Điều đó đã làm cho bộ mặt văn học có những chuyển biến, dù chậm, nhưng có tín hiệu vui. Song, lại không dễ tìm được những cuốn thơ hay vì thị trường dành cho thơ hiện nay, đang bị hẹp dần. Mà phần nhiều cũng là do người đọc đã không còn mặn mà với thơ, hoặc là thị hiếu công chúng cũng phần nào bị phân tán bởi những loại hình nghệ thuật khác, hay chính những trường phái thơ khác. Chính vì vậy, người làm thơ cũng đã e dè khi xuất bản một tập thơ vì biết rằng thơ sẽ rất khó bán, rất khó tìm người đọc cho mình. Đặc biệt, các nhà thơ nữ càng khó hơn nữa khi muốn đưa thơ đến với công chúng, vì một lẽ, ngoài niềm đam mê, họ còn phải gánh trên vai mình nhiều trọng trách khác mà đôi khi niềm mê thơ phải đứng lùi về phía sau.

Sắp xếp những bộn bề, gói gọn những lo toan cuộc sống, tâm hồn nhạy cảm của các nhà thơ nữ vẫn dang rộng cho tình yêu con chữ dẫu biết rằng đường đi ấy quá nhiều nỗi gập ghềnh. Nhưng có lẽ đã vì đa đoan nghiệp chữ nên dù đường đi khó, các chị vẫn cứ đi, vẫn cứ động viên nhau viết tiếp, tặng cho đời những bài thơ chắt lọc ý tứ, đong đầy xúc cảm. Nếu như trước đây, những đêm thơ nhạc luôn được tổ chức thường xuyên ở các trường, ở những câu lạc bộ hay các tỉnh xa, là nơi giao lưu với nhau về con đường sáng tác, về các bài thơ mới thì nay dường như còn rất ít và các nhà thơ nữ phải tự tổ chức cho mình hay phải chia sẻ thơ chỉ trên những trang facebook của mình với mong muốn có phần nào lan tỏa.

Nhà thơ Lê Thị Kim, tâm sự: "Người ta làm thơ vì yêu thơ là chính. Tất nhiên là khi mình phát hành một tập thơ được nhiều quan tâm và hâm mộ. Còn bây giờ điều đó thì ít rồi. Nhưng mà Kim nghĩ, người ta yêu thơ không được phát tiết ra, không được trải rộng trên bề mặt quần chúng thì người ta sẽ yêu thơ trong lòng cùng với nhau".

Chính các nhà thơ nữ cũng thấy được số phận những bài thơ của mình, nó chỉ có thể chỉ được biết đến trong cộng đồng thơ nhỏ, giữa những nhà thơ với nhau mà rất khó chạm được đến thị hiếu của đông đảo người đọc. Có lẽ cũng chính vì thế mà đường các nữ nhà thơ dấn bước sẽ nhiều cô đơn, tâm hồn vốn nhạy cảm của các chị càng mong manh, nhiều nỗi niềm trong bộn bề đời sống văn học nghệ thuật như hiện nay. Còn nỗi buồn nào hơn, khi ngày đêm chọn lọc từng con chữ, chắt chiu từng ý tứ nhưng lại bị từ chối phát hành vì lí do “thơ khó bán”. Những nữ tác giả chỉ biết tự mình in thơ, tự làm chương trình ra mắt sách, rồi đem tặng lẫn nhau, tặng cho các trường chỉ với một mong muốn, lan truyền tình yêu thơ đến với bạn đọc.

Nhà thơ Trần Mai Hường tâm tư: "Đọc những tác phẩm viết của các chị, những vấn đề viết về xã hội có, viết về biển đảo chủ quyền đất nước có, những vấn đề viết về tình yêu có, tình yêu trai gái tình yêu gia đình, tất cả đều được thể hiện trên trang viết của các người viết nữ. Mà cuối cùng nó sẽ đi đến đâu, ai sẽ chắp cánh cho nó là câu hỏi rất chi là lớn. Báo đăng thì cũng chia 1,2 lần cho 1 tác giả. Nên tự mình nói lên khả năng của mình, tự mình xác định chỗ đứng của mình".

Thời gian qua, Hội nhà văn Thành phố cũng đã thấy được những khó khăn thiệt thòi mà các nữ thi sĩ đang gặp phải nên cũng đã có nhiều hoạt động để lưu giữ nét đẹp của thơ ca như kí kết với Đài để giới thiệu tác giả, tác phẩm thơ qua sóng radio, nhằm đưa thơ đến gần với thính giả. Hay những đêm thơ nguyên tiêu, những trại sáng tác dành cho các nhà thơ cũng được tổ chức song dường như vẫn còn thiếu, thơ nữ vẫn chưa nhiều, và người đọc cũng còn thờ ơ với dòng chảy văn học này. Và cần thêm nhiều trang báo để đăng tải bài thơ hay về đất nước, biển đảo, về tình yêu cuộc sống.

Biết rằng cuộc sống luôn vận động, giá trị chân thiện mỹ của tác phẩm nghệ thuật sẽ sống qua thời gian, nhưng vẫn cần lắm những bàn tay góp sức, thúc đẩy để thơ nữ nói riêng và thơ nói chung có sức sống mạnh mẽ trong lòng bạn đọc và trong thị trường sách hiện nay. Nhà thơ Trần Mai Hường mong muốn: "Hội nhà văn, các câu lạc bộ của các phường, các quận có chủ quản là  nhà nước thì hãy quan tâm đến cây viết hơn, đến các cây viết nữ hơn. Bởi vì có những tác phẩm của các nhà thơ nữ khi đọc lên là rung lên từng tế bào của cảm xúc. Những em đấy là những bức tranh rất đẹp cho đời vậy sao không chắp cánh cho các bức tranh ấy bay lên. Và quan tâm hơn nữa trại viết dành cho các cây viết nữ, kể cả biển đảo hay các vùng miền xa xôi".

Trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, con đường đi của thơ ra thị trường còn nhiều ghềnh thác, song, với tình yêu thơ luôn âm ỉ trong lòng, những cố gắng quảng bá thơ của các nữ thi sĩ vẫn đang tiếp diễn, cũng sẽ gieo cho người đọc một niềm tin vào sức sống của những bài thơ hay. Và không con đường nào tốt hơn là chính bản thân các nữ nhà thơ sẽ phải cố gắng, sáng tác ra nhiều tác phẩm hay, gần gũi với đời sống, với cảm xúc của người đón nhận. Bà Đinh Thị Phương Thảo – Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, cho biết: "Việc bán được sách thơ hay không hiện nay, đó là vấn đề nan giải. Các NXB hầu như hiện nay họ không đầu tư để in thơ nữa. Mỗi người có cảm nhận về thơ khác nhau, nếu như muốn đầu tư để bán được thơ thì chính tác giả đó thật sự là có cá tính. Thơ phải hay, có cá tính, có nét riêng của mình. Và chắc chắn các bạn phải tự tạo cộng đồng fan hâm mộ của mình thì sách thơ mới bán được".

Hy vọng rằng, với bản tính dịu dàng, hiền hậu của người phụ nữ nhưng luôn trong đó là trái tim nhạy cảm, cá tính và nhiệt huyết vào cuộc sống, thơ nữ vẫn sẽ là dòng chảy âm ỉ của nền văn học nghệ thuật nước nhà, sẽ như mạch nước ngầm tưới mát tình yêu thơ ca nghệ thuật của độc giả hiện nay.

Ngọc Bích

Bình luận

Đọc Báo