Thiếu kết nối, buýt đường sông không đạt mục tiêu đề ra - Thời sự 17g ngày 2/7/2018

(VOH) - Sau gần nửa năm khai trương, hiệu quả từ tuyến buýt đường sông của Thành phố mình hiện nay như thế nào, có đáp ứng mục tiêu đề ra?

Trong lúc nhâm nhi trà quạu bàn luận chuyện kẹt xe ở Thành phố mình, Ba thợ hồ hỏi “Sau gần nửa năm khai trương, không biết hiệu quả từ tuyến buýt đường sông của Thành phố mình hiện nay như thế nào, có đáp ứng mục tiêu đề ra không?”. Tư hưu trí cười khà khà “Có ai là người đi làm, đi học bằng buýt đường sông ông ơi, mới tuần trước đây tui thấy truyền thông đưa tin ông chủ buýt sông xin chuyển đổi qua phục vụ du lịch, kiểu nầy có lẽ không đạt mục tiêu đề ra là góp phần giải quyết phần nào tình trạng quá tải đường bộ của Thành phố rồi”.

Thấy Tư hưu trí trả lời “đâm hơi”, Hai Sài Gòn cho rằng trước khi nói hiệu quả, chúng ta cần khẳng định buýt đường sông, cả nước chỉ có Thành phố mới có, tức là chưa có tiền lệ. Thành phố có lợi thế lớn với 112 tuyến sông, kênh rạch, 1.000 km đường sông bao quanh, Sở Giao thông vận tải TPHCM nhận định việc phát triển mô hình buýt sông sẽ góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân góp phần giảm ùn tắc, kẹt xe hiệu quả.

Ngày 25/11/2017 đã khai trương tuyến số 1 Bến Bạch Đằng-Linh Đông (Thủ Đức) và ngược lại. Với mức đầu tư 128 tỷ đồng, kỳ vọng, đây sẽ là một trong những hướng giải quyết bài toán quá tải giao thông đường bộ.

Ngay từ khi còn là dự án nhiều chuyên gia cho rằng “Đầu tư tuyến buýt đường sông tại TPHCM khó khả thi”. Tư hưu trí nói “lạ đời là ở chỗ đó, chuyên gia đã đề suất rồi, vậy mà cứ a thần phù “mần tới tới” ắt là gây hậu quả thôi”. Hai Sài Gòn can Tư hưu trí không nên “xổ toẹt” như vậy bởi tàu bè, bến bãi còn nguyên đó, không vận chuyển hành khách thì chuyển sang phục vụ khách du lịch cũng kinh tế lắm chứ.

Còn lý do các chuyên gia khuyên can thì tui thấy có lý, chẳng hạn ông Nguyễn Văn Hùng, giảng viên Đại học Thủy lợi TPHCM chỉ ra bất cập của dự án này, “Đáng lý ra trước khi đưa buýt đường sông vào hoạt động, chủ đầu tư phải xây thêm bãi gửi xe cho hành khách tại các trạm buýt sông. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối tại khu vực cầu cảng, các trạm dừng tới khu vực làm việc trung tâm Thành phố, hay các trạm xe buýt đường bộ cũng cách rất xa nhau, chưa có sự đồng bộ. Ông Trần Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án buýt đường sông cho biết, lượng khách chủ yếu đông vào những ngày cuối tuần, công suất chở đạt 100%, nhưng ngày thường lượng khách chỉ khoảng 50%. Ông Toản cũng thừa nhận, lượng khách đi buýt đường sông chủ yếu là khách đi thưởng ngoạn, khách nước ngoài đi tham quan cảnh sông nước, còn khách vãng lai chưa nhiều. Dù là ngày đầu tuần, nhưng qua khảo sát hơn 30 hành khách trên tàu, hầu như chủ yếu đi thưởng ngoạn cho biết buýt sông thế nào.

Tư hưu trí phân tích thêm “Về mặt giá cả giá vé 15.000 đồng/ lượt là tương đối cao, mấy anh tính một hành khách đi làm mỗi ngày phải tốn ít nhất 30.000 đồng/2 lượt. Tiền đi xe buýt đến các bến, rồi từ bến đến cơ quan, từ bến về nhà tối thiểu cũng mất 40.000 đồng/ngày quá cao. So với giá thành mua xăng để chạy xe máy, hoặc đi buýt đường bộ là cao, vì vậy khách đi làm không nhiều là phải thôi”. Hai Sài Gòn dẫn chứng lời Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM cho rằng, nếu dự án này hấp dẫn, có thể thực thi và thu lợi thì sẽ có nhiều công ty vào tham gia đấu thầu  phát triển

dự án. Tại sao Thành phố không dùng số tiền đầu tư Dự án để nâng cấp hệ thống xe buýt đường bộ đang xuống cấp và cũ nát để giải quyết bài toán ách tắc, mà phải đi phát triển tuyến xe buýt đường sông vốn không phải là lợi thế của Thành phố?. Còn theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thì khách quan mà nói cách thiết kế buýt đường sông hiện nay như tàu du lịch là rất hay, giúp thu hút nhiều đối tượng sử dụng.

Để thu hút thêm hành khách, Thành phố cần bố trí bến bãi phù hợp hoặc có đường kết nối đến tận nơi có nhu cầu đi lại lớn như khu dân cư, chung cư, trung tâm thương mại, khu làm việc cao tầng. Quan trọng nhất là đối tượng sử dụng đi làm, đi học thường xuyên phải có hình thức bán vé tháng, vé năm như buýt đường bộ và tổ chức chạy liên tục giờ cao điểm

Hài Sài Gòn đồng tình với Tư hưu trí “cái mắc mướu của tuyết buýt đường sông là tính kết nối từ các ga, các trạm. Nếu kết nối với các phương tiện khác như: Buýt đường bộ, metro, đây sẽ là hướng đi tốt để TPHCM hướng tới thực hiện chủ trương cấm xe cá nhân vào trung tâm.

Tư hưu trí cho là tuyến buýt đường sông “ba xí ba tú” về tính kết nối như hiện nay là cảnh báo cho việc đưa tuyến Metro, tuyến đường sắt trên cao Bến Thành-Suối Tiên đi vào hoạt động, hành khách đến và rời ga Metro bằng gì. Hãy rút kinh nghiệm và chuẩn bị ngay từ bây giờ để tuyến Metro Bến Thanh-Suối Tiên lúc nào cũng đầy ấp khách, thuận tiện cho mọi người khi đi lại mà không cần xe cá nhân.

VOH

Bình luận

Đọc Báo