Thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản đang “hồi sinh” - Thời sự 11g00 20/10/2017

(VOH) - Thị trường bất động sản hiện nay vẫn duy trì được tính thanh khoản tốt.

Đối với ngành xuất khẩu các mặt hàng xi măng, sắt, thép, kính của Việt Nam trong năm nay cũng rất khả quan. Cát xây dựng thời gian gần đây “gây sốt” trên thị trường do khan hiếm. Ghi nhận của Phóng viên Lệ Loan:

Tuy có nhiều yếu tố tác động, nhưng giao dịch mua bán bất động sản trong tháng 9 năm nay vẫn rất tốt. TPHCM có khoảng 1.300 giao dịch, giảm khoảng 7% so với tháng trước. Đến thời điểm này, cả nước vẫn giữ được trên 30.000 đơn vị nhà ở đã được mua bán chính thức, chưa tính những giao dịch người dân mua đi, bán lại. Công tác quy hoạch cũng tác động không ít đến thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản và du lịch. Ngoài yếu tố hạ tầng kỹ thuật, đường sá, giao thông do nhà nước đầu tư, thì hạ tầng cứng là khách sạn, resort, nhà nghỉ, cơ sở nghỉ dưỡng cũng góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, để các ngành này phát triển tốt, cần có kế hoạch, đầu tư vào khách sạn, resort để cân bằng, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Do thị trường bất động sản đến nay vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định nên một số sản phẩm trong ngành ốp lát, ceramit sản xuất cũng rất tốt, tổng công suất của các mặt hàng này đạt trên 600 triệu m2, xuất khẩu khoảng 20%. Mặt hàng kính có tổng công suất gần 200 triệu m2, trong đó có các góc kính chủng loại mới như kính Louis, Solar Control sản xuất tại Việt Nam rất được Châu Âu được ưa chuộng.

Năm nay, xi măng xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn, tăng hơn 20%. Các mặt hàng sắt thép, tôn mạ màu số xuất khẩu cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy sắt thép đang chịu nhiều tác động lớn từ chính sách phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu chính, nhưng kim ngạch xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng qua vẫn mang về lượng ngoại tệ hơn 1.800 tỉ đô la Mỹ, tăng 27% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo đến hết năm nay, các loại này vẫn xuất khẩu tốt.

Tuy vậy, khả năng tiêu thụ nội địa ngành hàng xi măng lại kém, thậm chí không đạt kế hoạch. Một trong những nguyên nhân đó là do giá cát tăng.

Về sự tăng đột biến của giá cát tại TPHCM tăng từ 50-200% so với thời điểm đầu năm. Dự báo đến năm 2020, với mức độ sử dụng cát đạt khoảng 130 triệu m3/năm thì sẽ không còn cát phục vụ cho xây dựng.

Phân tích về việc giá cát tăng, ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay đây là vấn đề đã được dự báo từ lâu vì hai lý do. Thứ nhất, do chúng ta xây dựng rất nhiều đập thủy điện, cát trên thượng nguồn không về được hạ lưu, do đó cát ngày càng ít đi. Thứ hai, tình trạng “cát tặc” đang tăng lên do nhu cầu xây dựng ngày càng tăng”

Cũng theo ông Nguyễn Quang Cung, để giải quyết vấn đề cát, phải kết hợp giữa cát tự nhiên và nhân tạo. Trong thời gian tới, loại cát này sẽ phát triển rất mạnh. Cát nhân tạo, kết hợp hầu hết với cát tự nhiên, chủ yếu dùng nhiều nhất trong bê tông thương phẩm. Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp tạm thời cũng có thể nghiền phế thải xây dựng như xà bần ra thành hạt tương đương với cát để sử dụng. Về lâu dài, có thể nghiền từ loại đá cát kết. Loại này được nghiền từ đá tự nhiên có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng chọn vật liệu thay thế cũng là giải pháp tối ưu, như các vật liệu nhân tạo, vật liệu xanh…

Sau thời gian trầm lắng, nhiều biến động, hiện nay thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản đang dần ổn định trở lại. Các ngành này có tác động liên đới đến các ngành khác, tạo sức bật và sinh khí cho thị trường, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội của năm nay. 

VOH

Bình luận

Đọc Báo