Thi đua đưa văn hóa về cơ sở - Thời sự 11 giờ 07/122017

(VOH) - Với hình thức “Cung văn hóa di động”, hàng trăm chương trình văn hóa văn nghệ được đưa xuống tận doanh nghiệp, tận khu phố để phục vụ công nhân và người dân lao động.

Cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi thường xuyên mỗi ngày tại địa chỉ 55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ công nhân viên của Cung Văn hóa lao động TP còn ra sức thi đua đưa văn hóa về cơ sở để phục vụ người lao động ở vùng sâu, vùng xa và công nhân tại các KCX-KCN.

Với hình thức “Cung văn hóa di động”, hàng trăm chương trình văn hóa văn nghệ được đưa xuống tận doanh nghiệp, tận khu phố để phục vụ công nhân và người dân lao động. Bên cạnh đó, bằng  lời ca tiếng hát, lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật nhiều chương trình văn nghệ còn tổ chức gây quỹ để chia sẻ với những khó khăn của người lao động.

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP về phong trào thi đua đầy ý nghĩa này.

Ông Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP. Ảnh: thegioidienanh

*VOH: Thưa ông, một trong những nội dung thi đua được tập thể cán bộ công nhân viên của Cung văn hóa lao động ra sức thực hiện là chăm lo đời sống tinh thần của người lao động với cả hai hình thức cố định và di động, ông chia sẻ rõ hơn về hình thức thi đua này?

- Ông Lê Hồng Triều: Cung Văn hóa Lao động TPHCM là một địa chỉ quen thuộc của người dân thành phố, công nhân lao động và đoàn viên công đoàn thành phố. Tất cả các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chúng tôi luôn nâng cấp và đầu tư cũng như nâng cấp về nội dung sinh hoạt, cơ sở vật chất. Năm 2017, chúng tôi phục vụ được 1,3 triệu lượt người đến sinh hoạt, học tập ở 2 mãng văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao. Ngoài ra thì với truyền thống là xây dựng Cung văn hóa di động, nên tất cả các hoạt động về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chúng tôi đều đưa về cơ sở hoạt động, những nơi vùng sâu, vùng xa và các KCX-KCN không có điều kiện đưa công nhân về tại Cung sinh hoạt. Chúng tôi đem lời ca tiếng hát, đem những sinh hoạt văn hóa tinh thần , đem kiến thức về xã hội đưa về KCX-KCN, đưa về nơi có đông công nhân.

*VOH: “Cung văn hóa di động” sẽ mang một sắc thái như thế nào để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân lao động?

- Ông Lê Hồng Triều: Cung văn hóa di động là những chương trình hát cùng công nhân. Hằng năm, chúng tôi xây dựng hàng trăm chương trình để đưa về vùng sâu, xa, có người lao động nghèo, đưa đến các nơi có đông công nhân lao động còn thiếu thốn về đời sống tinh thần. Mục đích là gắn kết hoạt động của Cung văn hóa lao động với đời sống tinh thần của người dân lao động thành phố còn khó khăn. Chúng tôi có cả một hệ thống âm thanh, ánh sáng di động và những cộng tác viên gắn bó lâu năm với Cung văn hóa và những nghệ sĩ cùng đóng góp đưa lời ca tiếng hát đến vùng sâu, xa nhất của TPHCM. Bởi vì nhiệm vụ của Cung văn hóa lao động thành phố là làm sao thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần.

*VOH: Nhiều năm qua Cung văn hóa Lao động TP còn lồng ghép vào các chương trình văn nghệ để gây quỹ chia sẻ khó khăn của người lao động, vậy thì việc làm này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Lê Hồng Triều: Ngoài chăm lo về đời sống văn hóa tinh thần thì chúng tôi còn dành những phần quà cho công nhân bị tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này chúng tôi đã thực hiện trên 20 năm qua. Tặng tiền cho công nhân bị bệnh nan y, tặng quà cho công nhân khó khăn. Chương trình học bổng cho con công nhân nghèo, Vui hội trăng rằm, Tết Xuân về, Vòng tay yêu thương, ca nhạc từ thiện. Những chương trình này được sự hỗ trợ tích cực từ các nghệ sỹ nổi tiếng của thành phố để đem lời ca tiếng hát, một mặt phục vụ đời sống tinh thần cho người dân thành phố, một mặt chúng tôi thu được tiền để gây quỹ. Năm 2017, chúng tôi đã tặng cho con công nhân khó khăn mỗi cháu 5 triệu đồng từ chương trình Vòng tay yêu thương, mỗi chương trình hát cùng công nhân thì chúng tôi tặng 200 -300 phần quà, mỗi phần quà trị giá 200.000 đồng để tặng cho công nhân để làm sao chăm lo tốt đơn đời sống và chia sẻ khó khăn với công nhân lao động. Từ đó góp phần động viên họ lao động sản xuất, góp phần  đưa TPHCM phát triển bền vững.

*VOH: Cảm ơn ông.

Mỹ Trang

Bình luận

Đọc Báo