"Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi" - Thời sự 11g00 16/11/2018

(VOH) - Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, lại thông minh, sáng tạo và cần cù. Những tố chất quý báu đó không ngừng được nuôi dưỡng, phát huy và đã giúp đất nước phát triển không ngừng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Trong bối cảnh hiện nay, lời Bác dạy lại càng được tỏa sáng qua trải nghiệm thực tế xây dựng và phát triển đất nước bởi tính đúng đắn của lời dạy đó.

Thực tế đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có hai yếu tố: Một hệ thống giáo dục Đại học hoàn chỉnh đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường Đại học cung cấp. Vì vậy, nhiệm vụ thật nặng nề nhưng thật vinh quang vì như vậy sự phát triển bền vững của đất nước lại do hệ thống giáo dục Đại học quyết định. Tại Hội thảo Vai trò của trường đại học đối với việc học tập suốt đời của người lớn, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức mới đây, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có những phân tích sâu sắc về vai trò của trường Đại học đối với việc học tập suốt đời đối với tất cả mọi người. Mời quý vị cùng nghe:

Giáo dục Đại học còn có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật các kiến thức và kỹ năng thường xuyên theo mọi nhu cầu của xã hội, bởi vì sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Trường nghề hoặc cả những người chưa học qua các bậc học sau khi thi tốt nghiệp PTTH..., luôn có nhu cầu tìm kiếm và trau dồi tri thức mới, không ngừng muốn học tập nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân để phục vụ nhu cầu công tác hoăc nhu cầu cuộc sống. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng số sẽ gạt tất cả những ai kém hiểu biết, lười học tập sang một bên, giành chỗ cho những người đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc thì việc học để trau dồi trí thức lại càng trở nên cấp thiết.

Các đối tượng có nhu cầu học tập có thể kể đến:

1. Những người đang nắm các cương vị lãnh đạo thì luôn muốn phát triển năng lực, trí tuệ, củng cố vị trí và luôn muốn hoàn thiện mình để có uy tín trong tổ chức.

2. Những người đang công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp thì muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm phát triển bền vững bản thân, gia đình thông qua hiểu biết và không muốn có sự cách biệt với đồng nghiệp vì sự yếu kém của mình, nhất là khi cạnh tranh về vị trí công việc đang diễn ra gay gắt hiện nay.

3. Những người đã về hưu thì muốn tìm đến các trường Đại học để đọc, nghe, học và tìm hiểu các chuyên đề phục vụ cho cuộc sống mới, có thể họ muốn khởi nghiệp, muốn tìm hiểu văn hóa ứng xử của người già, họ cũng muốn học các môn về nâng cao sức khỏe...

4. Cán bộ giảng dạy trong các trường Đại học muốn học liên tục để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

5. Những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, kể cả đối với sinh viên vừa tốt nghiệp hiện chưa tìm được việc làm muốn trau dồi thêm tri thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động, đòi hỏi các trường Đại học phải có chương trình đào tạo lại đáp ứng yêu cầu. Từ đó cũng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhanh hơn phương pháp đào tạo theo hướng mở, gắn kết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần có của đất nước.

Như chúng ta đều biết: Báo cáo của Ủy ban quốc tế về giáo dục trong thế kỷ 21 của UNESCO có tiêu đề “Học tập: Kho báu bên trong” nhấn mạnh 4 trụ cột của giáo dục; Các đối tượng cần tìm đến các trường Đại học tôi vừa nêu trên là các đối tượng cần 4 trụ cột đó. Các trường Đại học tùy nhiệm vụ của mình và nhu cầu người học mà cần truyền tải 4 điều này tới nhu cầu của mỗi đối tượng trong xã hội một cách hợp lý nhất, nhanh nhất, chính xác nhất. Việc này quả là không dễ dàng nếu tư duy về đào tạo của chúng ta vẫn chậm đổi mới so với sự đổi mới và phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Trong điều kiện đó yêu cầu các Trường phải có:

1. Chất lượng đội ngũ Giảng viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu.

2. Có môi trường giáo dục tốt, tạo điều kiện và cơ hội học tập cho tất cả mọi người.

3. Hệ thống tài nguyên giáo dục phải phong phú:

- Giáo trình đa dạng, các chuyên đề luôn cập nhật tri thức mới;

- Các loại chương trình học tập linh hoạt cho thời gian vài ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm cho người học cần chứng chỉ; không cần chứng chỉ;

- Các loại chương trình phổ biến kiến thức theo kiểu cầm tay chỉ việc;

- Các loại chương trình liên doanh liên kết với các trường Đại học trong, ngoài nước, với các doanh nghiệp;

- Thư viện hiện đại với tài liệu tham khảo phong phú;

- Trang thiết bị đào tạo hiện đại, đáp ứng nhu cầu.

Tài nguyên giáo dục này sẽ giúp người học khai thác, cập nhật kiến thức khi đang ở bất cứ đâu vì không phải cứ đến trường mới là đi học. Do đó nó phải được điện tử hóa để tạo điều kiện cho tất cả mọi người – những ai muốn học và ham học. Đây cũng là 1 trong những yêu cầu của hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người mà buộc chúng ta phải xây dựng để phục vụ cho việc học suốt đời của mọi người.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo