Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần chống tham nhũng - Thời sự 05g30 22/05/2019

(VOH) - Các chuyên gia cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, giảm chi phí quản lý và giúp phát hiện các thanh toán phạm pháp, giảm thất thu thuế.

Trong vài tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; đến năm 2020, toàn thị trường có hơn 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ghi nhận của Phóng viên Lệ Loan.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 5 năm qua, đã có gần 2.600 tỉ đồng tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước nhờ việc không đưa tiền mặt mới mệnh giá nhỏ 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng ra thị trường. Hiện tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chiếm gần 12%.

Dù tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ hơn 20% năm 2004, còn gần 12% trong vòng một năm trở lại đây, tương đương với trên 1 triệu tỉ đồng.

Với dân số khoảng 94 triệu người, tính ra bình quân mỗi người dân Việt Nam đang giữ bên mình hơn 10 triệu đồng tiền mặt. Trong khi đó, thói quen dùng tiền mặt từ cơ quan nhà nước tới người dân đang khiến mất thêm thời gian và công sức.

Theo Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, việc giảm thanh toán tiền mặt đem lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, đơn cử như: giúp quá trình thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm chi phí, minh bạch hóa các giao dịch. Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, huy động thêm vốn cho nền kinh tế, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn tiền và giúp phát hiện các thanh toán phạm pháp, giảm thất thu thuế:

Theo Tiến sĩ Hiếu: “Với tư cách là người tiêu dùng, tôi thấy thanh toán không dùng tiền mặt vô cùng tiện lợi. Thứ nhất, không phải mang quá nhiều tiền mặt, rất an toàn, không sợ bị mất tiền, mất ví. Thứ hai, nếu dùng tiền mặt phải đi rút tiền qua ngân hàng, qua các cây ATM, khá bất tiện. Trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thúc đẩy Chính phủ điện tử, giao dịch hành chính thuận lợi hơn rất nhiều, thậm chí góp phần chống tham nhũng. Giao dịch điện tử cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy giao dịch nhiều hơn…”.

Tại TPHCM, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các quận, huyện yêu cầu tất cả trường học, bệnh viện phối hợp với ngân hàng cung ứng dịch vụ thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên việc thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Đặc biệt, hỗ trợ những người hưởng trợ cấp đảm bảo ít nhất đến hết năm 2019 đạt 10%, đến hết năm 2020 phải có khoảng 30% số người hưởng sẽ nhận trợ cấp qua các phương thức thanh toán điện tử.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải Quan cho biết, thực hiện theo Thông tư 136 năm 2018 của Bộ Tài chính, ngành hải quan cũng đã thực hiện việc thu, nộp thuế, phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản, tức là không dùng tiền mặt vào tài khoản của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước kể từ ngày 01/4/2019.

“Chúng tôi đã bàn bạc với các cơ quan trong Bộ Tài chính và các ngân hàng thương mại liên quan để phổ biến rộng rãi thông tư này tới các cơ quan Hải quan. Chúng tôi đã có văn bản gởi xuống các Cục Hải quan Thành phố, yêu cầu các Cục Hải quan thông báo đến tận các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để quán triệt chủ trương, chuẩn bị sẵn sàng. Thứ hai chúng tôi phối hợp với các Kho bạc, Ngân hàng thương mại để chuẩn bị” – ông Hùng cho hay.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê, công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bảo mật cho người dùng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay: “Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, thậm chí ở cấp độ chỉ thị của Thống đốc. Cụ thể như, đưa ra kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật, đặc biệt là thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã hoàn thành được bộ tiêu chuẩn về thẻ chip trong hoạt động thanh toán của thẻ nội địa, đảm bảo an toàn, bảo mật”.

Một trong những chiến lược quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.

Trong vài tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu thanh toán của người dân.

VOH

Bình luận

Đọc Báo