Thành phố Hồ Chí Minh cần có tầm nhìn xa về quy hoạch - Thời sự 5h30 11/7/2018

(VOH) - TPHCM, đô thị đặc biệt luôn giữ được nhịp độ phát triển cao, dẫn đầu cả nước. Quy mô dân số không ngừng tăng, các khu đô thị mới, các công trình, ngành nghề không ngừng phát triển.

Diện mạo của một đô thị hiện đại đang dần hình thành cùng những thay đổi lớn của thành phố trong những năm gần đây.

Bên cạnh sự phát triển vượt bậc, thành phố đã và đang đối mặt với rất nhiều vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường..., sẽ là cản lực cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn xa là nguyên nhân gây nên tình trạng đáng quan ngại đó.

Đáp ứng cho sự phát triển bền vững của một đô thị thì công tác đầu tiên và quan trọng nhất chính là quy hoạch. Nhưng đáng quan ngại là vấn đề này trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Quy hoạch không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội, phải thường xuyên điều chỉnh, thay đổi khiến thành phố luôn ở trong thế bị động trước diễn biến thực tế.

Dễ thấy là sau bao nhiêu nỗ lực, bao công trình, dự án được triển khai, những vấn đề tồn tại hàng chục năm trước vẫn không được giải quyết, mà lại diễn biến ở quy mô lớn hơn, đó là ách tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Lý giải cho hiện trạng này, theo giới chuyên môn, thành phố Hồ Chí Minh làm quy hoạch ngược, phân cấp cho các quận huyện làm quy hoạch chi tiết trong khi chưa có quy hoạch chung, dẫn đến sự manh mún, rời rạc, thiếu đồng bộ giữa các khu vực, các ngành.

Hạn chế lớn nhất là quy hoạch thiếu tầm nhìn. Mới đây, Sở Quy hoạch kiến trúc TP cũng đã thừa nhận, quy hoạch chung xây dựng năm 2010 của Thành phố không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nên tình trạng ngập úng không được cải thiện sau bao nhiêu công trình đã triển khai. Sở Xây dựng cho biết, hiện có hơn 8.400 trường hợp nhà dân tại các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức thấp hơn mặt đường, mặt hẻm do các dự án nâng đường.

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt năm 2010, thì đến năm 2025, dân số thành phố sẽ đạt khoảng 10 triệu người. Thế nhưng, hiện nay, dân số ở thành phố đã vào khoảng 13 triệu. 

Tốc độ phát triển nhanh của một đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh là một đặc thù không phải địa phương nào cũng có được, nhưng yếu tố này lại chưa được đánh giá đúng mức trong công tác quy hoạch trong suốt nhiều năm qua. Rất nhiều dự án, công trình “mới làm đã phải điều chỉnh” gây thất thoát ngân sách và xáo trộn xã hội. Điển hình như tuyến Metro số 1 bị đội vốn rất lớn so với dự tính ban đầu. Nếu như khi hoạch định, tính toán đến khả năng kết nối với Đồng Nai hay Bình Dương thì nguồn lực tài chính ngay từ đầu đã được tính toán đầy đủ hơn.

Một thực tế đáng quan ngại khác là quy hoạch được phê duyệt là một chuyện, nhưng trong quá trình triển khai có tuân thủ đúng quy hoạch hay không lại là chuyện khác. Đơn cử như Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp, nhưng trên thực tế, các Cụm công nghiệp vẫn phát triển theo kiểu tự phát, đầu tư đến đâu thì giải tỏa mặt bằng đến đó. Hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh là nguyên nhân gây ô nhiễm cho khu dân cư. Về giao thông, mặc dù quy hoạch có tính đến mật độ giao thông, nhưng trên thực tế thì các cao ốc, chung cư, siêu thị cứ mọc lên với tốc độ chóng mặt ở rất nhiều khu vực khiến nạn ùn tắc giao thông không thuyên giảm dù đã xấy thêm rất nhiều cầu, mở thêm rất nhiều đường.

Tình trạng chung của quy hoạch ở TPHCM hiện nay là ngành nào ngành đó làm, cấp nào cấp đó triển khai, tổng thể như một bức tranh manh mún, rời rạc, thiếu sự kết nối, thiếu đồng bộ.

Một vấn đề nổi cộm khác trong công tác quy hoạch là các dự án treo. Nhìn lại các dự án lớn trong thời gian qua, hầu hết đều vướng vào “điểm trừ” là triển khai chậm tiến độ, bị “treo”, gây bức xúc cho người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều dự án treo đến 15-20 năm như: Bán đảo Thanh Đa, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi… Bên cạnh đó là hàng loạt các dự án khác, lớn có, nhỏ có, tất cả đều thể hiện sự yếu kém trong công tác lập và quản lý quy hoạch, thiếu tính dự báo về tình hình kinh tế, xã hội khi phê duyệt.

Hiện nay, toàn TP có khoảng 500 dự án chậm triển khai, tình trạng này vừa gây lãng phí tài nguyên đất vừa làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác, gây phiền hà cho cuộc sống người dân. Trước bức xúc của người dân, hướng giải quyết những bất cập trong quy hoạch cũng đã được “xới đi xới lại” rất nhiều tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố. Kết quả của các kỳ họp này, hàng trăm dự án treo đã được xóa, nhưng đến nay, những quyết sách liên quan đến vấn đề này vẫn chưa thể làm an lòng nhân dân.

Ngoài những yếu tố khách quan tác động, thì những vướng mắc quanh vấn đề quy hoạch ở TPHCM phải khẳng định là phần nhiều đến từ nhân tố chủ quan. Một hạn chế đã được chỉ ra từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, đó là nguồn nhân lực làm quy hoạch ở thành phố vừa thiếu lại vừa yếu. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm, không loại trừ cả yếu tố lợi ích cá nhân trong khâu tổ chức, thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch ở TPHCM thiếu một tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo và cả tính định hướng. Những bất cập nội tại này nếu không sớm được giải quyết thì rất khó khi nói đến quy hoạch vùng với vai trò là trung tâm vùng của thành phố Hồ Chí Minh. Trước hết, nhân lực quy hoạch phải được đầu tư cả về số lượng và chất lượng, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đóng góp cho các đồ án quy hoạch chứ không chỉ đơn giản chỉ là thông tin đến nhân dân khi “việc đã rồi”, hoặc thu thập ý kiến nhân dân chỉ mang tính hình thức.

Quy hoạch đô thị là mảng công tác có liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, tác động lâu dài đến cấu trúc của một đô thị trong tương lai. Với diện tích và quy mô dân số, chẳng bao lâu nữa thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị đặc biệt. Với vị thế của mình, thành phố Hồ Chí Minh cần có một tầm nhìn xa và cần lắm vai trò một “nhạc trưởng” trong vấn đề quy hoạch.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo