Tháng ba tự hào với áo dài Việt Nam - Thời sự 5g30 8/3/2018

(VOH) - Tà áo dài thướt tha đã gắn liền và trở thành một trong những biểu tượng về những nét đẹp, sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Những ngày tháng 3 này, đi đâu cũng thấy các chị em phụ nữ diện những chiếc áo dài đủ sắc màu, dịu dàng, tha thướt. Năm nay cũng là năm thứ 5 Sở Du lịch TPHCM chọn tháng 3 là tháng áo dài. Phóng sự của Phóng viên Phương Dung.

Có tài liệu nói rằng áo dài ra đời từ thế kỷ 18, do chúa Nguyễn Vũ Vương ban hành sắc dụ cách tân chiếc áo tứ thân trở thành áo dài có cả hai tà cho đàn ông và phụ nữ để tạo bản sắc riêng cho dân tộc và thuận tiện hơn trong lao động.

Trải qua hàng ngàn năm, dù có cách tân thế nào thì khi mặc áo dài, phụ nữ Việt Nam vẫn kín đáo, đoan trang và toát lên vẻ đẹp dịu dàng đầy hấp dẫn, thích hợp với nhiều sự kiện, hoàn cảnh, từ trường học đến công sở hay trong các lễ cưới, cuộc thi sắc đẹp và cả những ngày xuân xuống phố… Áo dài vẫn được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng của phụ nữ Việt Nam.

Bà Hoàng Thục Trinh, năm nay ngoài 70 tuổi, chia sẻ: Tôi là người rất thích mặc áo dài, tôi mặc từ khi còn học lớp vở lòng. Đến nay đã ngoài 71 rồi nhưng tình yêu với áo dài vẫn không phai nhạt. Càng ngày mình càng thấy cái tình yêu của mình với áo dài được thăng hoa. Tôi thích mặc áo dài vì nó là truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nó hội tụ các tinh hoa của cả dân tộc Việt Nam.

Ở chiếc áo dài hiện đại, ai cũng tìm thấy cho mình một hình thức thiết kế phù hợp, vừa cách điệu những vẫn giữ được những đường nét cơ bản, giúp người mặc tự tin hơn trong giao tiếp, làm việc.

Tham dự ngày hội áo dài được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên, một bạn nữ không ngần ngại chia sẻ: Khi em mặc áo dài em cảm thấy mình chỉnh chu, đoan trang. Vì khi mặc áo dài thì những đường nét quyến rũ nhất của người phụ nữ được bộc lộ một cách nhẹ nhàng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ. Mặc dù cũng có chút bất tiện nhưng hiện nay áo dài đã có những sự biến tấu, cách điệu, nên em cảm thấy rất thoải mái khi mình diện áo dài.

Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng, Đại sứ áo dài năm 2018 cảm thấy rất tự hào khi mặc áo dài biểu diễn.

"Các cuộc biểu diễn của Hùng, đặc biệt là những bài hát về lịch sử hay ca ngợi về đất nước Việt Nam thì Hùng luôn lựa chọn áo dài. Vì áo dài sẽ nói lên được cái hồn của dân tộc cũng như niềm tự hào. Năm nay thì Hùng cảm thấy áo dài đã ngược dòng rất ngoạn mục với những hoa văn, tinh hoa của dân tộc được thổi vào như một làm gió mới nhưng không làm mất đi giá trị nguyên bản và làm cho áo dài ngày càng đẹp hơn" - nam ca sĩ chia sẻ.

Ở Việt Nam hiện nay, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi, cho cả 2 giới nam và nữ. Không chỉ là trang phục đời thường, áo dài cũng trở thành loại trang phục chuẩn mực để phục vụ cho những dịp đặc biệt quan trọng. Hiện nay, áo dài còn trở thành trang phục cho nữ công chức hoặc đồng phục dành cho học sinh sinh viên.

Theo diễn viên, nhà sản xuất Thanh Thúy, Hãng phim Thiên Phúc Entertainment "một số trường học cấp 3 đã không còn mặc áo dài để đi học. Vì vậy Thúy rất muốn là đại sứ áo dài của năm nay Thúy sẽ đi vận động nhà trường làm sao để giữ lại quy định là bắt đầu vào lớp 10 thì sẽ mặc áo dài để đi học".

Theo nhà Thiết kế Sỹ Hoàng - Giám đốc Bảo tàng Áo dài, có lẽ chưa bao giờ mà áo dài lại hưng thịnh đến như thế. Rất nhiều mẫu thiết kế mới. Tuy nhiên, bất kỳ một sáng tạo nào thì cũng cần một sự sàng lọc của thời gian, thị hiếu, của người tiêu dùng. Nếu nó đáp ứng được giá trị thẩm mỹ và sự tiện dụng thì sẽ được đón nhận. Còn những cái chưa phù hợp thì chắc chắn sẽ bị đào thải.

"Việc cách tân áo dài không phải chỉ bây giờ mới có mà nó đã có từ thập niên 30 rồi. Cho nên một trang phục truyền thống nhưng có yếu tố thời trang tức là nó linh hoạt biến đổi và không có bảo thủ. Vì thế, người tiêu dùng hãy chọn một chiếc áo nào mà nó phù hợp với công việc, dáng vóc. Với môi trường mình sống và làm việc thì nó sẽ trở thành một cái áo dài đẹp. Và mặc không chỉ mang lại vẻ đẹp cho mình mà nó còn ẩn chứa một cái trách nhiệm công dân. Đó là một trong những di sản mà chúng ta cần phát huy và phát triển trong cuộc sống hiện đại" - nhà Thiết kế Sỹ Hoàng cho biết.

Năm nay, ngoài Sở Du lịch, Lễ hội Áo dài 2018 còn có sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cùng các Sở ban ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cho biết, năm nay UBND TPHCM có công văn gửi đến tất cả cơ quan công sở trên địa bàn đề nghị hưởng ứng mặc áo dài đi làm trong cả tháng 3. Áo dài được cách tân với những họa tiết hay cách kết hợp mới, dù thể hiện nét hiện đại và phá cách hơn, nhưng vẫn truyền tải được nét đằm thắm, ngọt ngào của người phụ nữ Việt.

Tà áo dài đem đến cho người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng một nét đẹp đặc trưng luôn khắc trong tâm tưởng của mỗi người, để nhớ về nguồn cội, về ký ức của một thời tuổi trẻ. Sức sáng tạo hay những dấu hiệu cách tân qua từng thời đại ở áo dài đã phản ánh được vai trò cũng như vị thế đã được nâng cao của phụ nữ ở rất nhiều lĩnh vực của xã hội.

VOH

Bình luận

Đọc Báo