Tập trung trao cần câu để người nghèo vượt khó - Thời sự 5g30 10/10/2018

(VOH) – Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM lần đầu tiên áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều chứ không đơn thuần dựa vào tiêu chí thu nhập như các giai đoạn trước.

Nghĩa là TP vừa tập trung giảm nghèo cho người dân về thu nhập, đồng thời giải quyết các thiếu hụt của người dân về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, bảo hiểm... Tuy vậy, nguyên tắc cốt lõi “trao cần câu và hướng dẫn câu chứ không trao cá” vẫn được duy trì từ năm 1992 cho đến nay. Điều này giải thích tại sao công tác giảm nghèo trên địa bàn Thành phố luôn đi đầu cả nước và ngay cả cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận những kết quả nổi bật đã đạt được. 

Trải qua 5 giai đoạn thực hiện chương trình giảm nghèo, quận 5 và quận 6 luôn được ghi nhận có kết quả thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, thường xuyên sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc vận dụng tốt chính sách của Thành phố, Đảng bộ - chính quyền ở hai quận này đã thực hiện tốt tuyên truyền công tác giảm nghèo tại mỗi phường, mỗi khu phố, tổ dân phố. Cái gốc của công tác giảm nghèo bền vững là “trao cần câu”, tạo cho người nghèo có học vấn, có nghề nghiệp, nhất là nhận thức để vươn lên. Từ đầu giai đoạn 2016 - 2020, toàn quận 6 có 660 hộ nghèo với khoảng 3.500 người, chiếm tỷ lệ 1,13% tổng hộ dân. Nhờ luôn chú trong giảm nghèo từ gốc, đến nay, toàn bộ các hộ nghèo này trên địa bàn quận 6 đã có thu nhập vượt chuẩn nghèo của Thành phố. Ông Lê Văn Tân, Bí thư Quận ủy quận 6, cho hay: "Trước hết là do ý chí bền bỉ và quyết tâm vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kế đến là sự nỗ lực phấn đấu với tinh thần chủ động sáng tạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những tình cảm tốt đẹp của các mạnh thường quân trong và ngoài quận đã ủng hộ và cùng tham gia chương trình Giảm nghèo bền vững của quận. Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ quận sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, có nhiều cách làm và giải pháp cụ thể hơn, hiệu quả hơn".

Thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Phường 15, Quận 11 là phường không còn hộ cận nghèo đầu tiên của Thành phố kể từ tháng 10/2017. Các giai đoạn trước, đây cũng là địa bàn sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo. Phường cũng đã tiến xa hơn việc tập trung tiêu chí thu nhập hay các chiều nghèo xã hội, luôn sâu sát và sẵn sàng hỗ trợ người dân thoát nghèo. Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Chủ tịch UBND Phường 15, Quận 11, cho biết: "Chúng tôi nắm rõ và sát hoàn cảnh sống của từng hộ dân và liên hệ với các cơ quan đơn vị xí nghiệp trên địa bàn của Phường có nhu cầu về lao động, đặc biệt là Trung tâm dạy nghề sẽ đào tạo những nghề mà hiện nay xã hội đang cần. Ví dụ như nghề làm nail, giúp việc nhà là những nghề có thu nhập ổn định và phù hợp với người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ gắn kết, một bên đào tạo, một bên có nhu cầu và cư dân trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo cần việc làm thì chúng tôi sẽ kết hợp 3 trong 1".

giúp việc nhà

Ảnh minh họa: giupviecnhatphcm

Một đặc điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo trên địa bàn Thành phố đó là luôn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tại 5 huyện ngoại thành. Trong giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Thành phố, huyện và xã đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đến nay số hộ nghèo chỉ còn gần 10.400 hộ, chiếm tỷ lệ 2,57% tại 5 huyện ngoại thành. Ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố, cho biết: "Trong giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, Thành phố đã luôn tập trung chỉ đạo mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế. Vì đẩy mạnh phát triển sản xuất là vấn đề quan trọng, trong đó, cùng song song thực hiện các chính sách an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Và trong vấn đề phát triển sản xuất, Thành phố cũng luôn chú ý các nội dung về giúp người nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo là “trao cần câu chứ không trao con cá”. Cụ thể là hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ cho vay các nguồn tín dụng ưu đãi, tín dụng nhỏ".

Công tác giảm nghèo Thành phố trải qua nhiều giai đoạn, đi từ “xóa đói” rồi đến “tăng hộ khá” và nay là “đa chiều”, luôn ghi nhận trợ lực thiết thực từ mặt trận đoàn thể. Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân với ngọn cờ đầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đem đến nhiều nguồn lực hỗ trợ cùng nhiều cách làm, mô hình giảm nghèo hiệu quả. Nhằm tiếp tục duy trì “động lực” từ mặt trận đoàn thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức Hội nghị Ký kết kế hoạch liên tịch về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững vào đầu tháng 09/2018. Bà Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết: "Chúng tôi theo triển khai của hệ thống Mặt trận là đều phải cùng chính quyền các cấp, thường xuyên nắm bắt khảo sát những hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là những trường hợp phát sinh, hoặc những trường hợp tái nghèo do là có những điều kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật… thì chúng tôi đều kịp thời hỗ trợ. Có rất nhiều hình thức để hỗ trợ: Hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về học bổng, hỗ trợ về giới thiệu việc làm, hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ về phương tiện sinh kế…"

Giai đoạn 2016-2020, TPHCM tiên phong đi trước một bước so với lộ trình chung của cả nước trong việc áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều. Mục tiêu của TP là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo - y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và giảm nghèo bền vững. Để làm được điều đó, TP tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi cơ chế, chính sách “giảm nghèo bền vững” theo hướng hiệu quả, thiết thực và định hướng rõ ràng, theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và có lộ trình thích hợp. Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTB&XH Thành phố nhấn mạnh: "Ở một Thành phố trung tâm, một Thành phố là đầu tàu cả nước thì đời sống người dân phải ngày càng được nâng cao, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt đối với mọi người dân. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được quan tâm để bảo đảm cuộc sống họ ngày càng được tốt hơn, được vươn lên thoát nghèo".

Gần 3 năm qua, Thành phố đã hỗ trợ vốn ưu đãi cho trên 100.000 lượt hộ với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đã có hơn 28.000 lao động được giải quyết việc làm. Dự kiến năm 2018, Thành phố sẽ chỉ còn khoảng 4.800 hộ nghèo chiếm 0,3% tổng hộ dân và kết thúc sớm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm. 

Chương trình giảm nghèo đã thật sự mang lại niềm vui, sự an tâm, tự tin cho hàng triệu lượt người nghèo khi họ được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố. Từ những thành quả đó, Đảng bộ - Chính quyền cùng người dân Thành phố mang tên Bác có cơ sở để tin tưởng và tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hướng tới cuộc sống ngày càng chất lượng hơn, tốt đẹp hơn.

Minh Phước – Hoàng Lĩnh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo