Tăng tỉ lệ hài lòng của người dân khi giải quyết hồ sơ - Thời sự 5g30 ngày 16/3/2018

(VOH) - Chiều qua 15/3, tại kỳ họp thứ 7, kỳ họp bất thường HĐND TP khóa 9, các đại biểu đã dành thời gian để thảo luận các tờ trình của UBND TP về công tác cải cách hành chính.

Việc này nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp và 6 tờ trình thực hiện cơ chế đặc thù theo chuyên đề cải cách hành chính và các đề án để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Ghi nhận của Phóng viên Lệ Loan.

Thực tế đi giám sát ở các đơn vị trong công tác cải cách hành chính, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa nhận thấy đa số người dân chịu phiền hà chính là trong từng hồ sơ của thủ tục hành chính, thủ tục hành chánh của chúng ta đơn giản nhưng theo tôi phải có thêm hai từ nữa là thống nhất. Thống nhất đến từng chi tiết và người dân dễ thực hiện nhất”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề xuất nên chọn nội dung "chi phí không chính thức" mà doanh nghiệp hay kêu ca để làm thí điểm khảo sát sự hài lòng của người dân. “Có đánh giá hiện nay cho thấy phí không chính thức nặng nề thế nào đối với doanh nghiệp, cần có biện pháp cụ thể về tuyên chiến với chi phí không chính thức để tăng chỉ số hài lòng của người dân. Phải nói là trong báo cáo cải cách hành chính của UBND TP, tôi thấy là rất mạnh dạn nhìn nhận bảy hạn chế mà người dân, doanh nghiệp từng nêu”.

Hiện nay, TP đang triển khai nhiều thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 3, 4. Nhưng việc người dân biết, hiểu và thực hiện theo tỉ lệ vẫn còn thấp. Qua khảo sát, đại biểu Lê Minh Đức thấy rằng do người dân chưa quen thực hiện giao dịch thủ tục qua điện tử. Thêm vào đó, quy trình để thực hiện giao dịch này có nơi vẫn chưa đủ hồ sơ để người dân đăng ký: “Hiện nay, như lĩnh vực cấp phép liên quan đến nhà đất, xây dựng thủ tục hành chính ở mức độ 4, yêu cầu người dân phải scan bản vẽ để gởi file đó về. Người dân thì thấy không thể nào scan bởi vì dữ liệu bản vẽ rất lớn. Mà công ty đo vẽ co nơi phù hợp với đường truyền, có nơi file đó không phù hợp dẫn đến chất lượng bản vẽ không cao, cấp thủ tục không được. Do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ hài lòng dân, phải tính tới việc dịch vụ hành chánh làm sao tận nơi cho người dân”.

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết hồ sơ, thủ tục, sự tiếp xúc giữa người dân và cán bộ ngày càng ít đi, giảm sự rườm rà, nhũng nhiễu. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hiện đã được ứng dụng tăng từ 42 thủ tục lên đến 200 thủ tục; mức độ 4 từ 4 thủ tục lên 30 thủ tục. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đây là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng yêu cầu “tỉ lệ hồ sơ của người dân, mà cần đến cơ quan chính quyền qua các dịch vụ công để giải quyết, xem mức độ 3, 4 chúng ta giải quyết bao nhiêu hồ sơ thì tính tỉ lệ, tỉ lệ trên số hồ sơ mà các cơ quan nhà nước, các dịch vụ đã giải quyết, chúng ta mới thấy được tiến bộ đó ở mức độ nào. Từ đó, chúng ta có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Làm rõ hơn về các vấn đề đại biểu nêu,  Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin, năm 2017, TP.HCM thực hiện cải cách hành chính rất tốt, tỉ lệ hài lòng của người dân trên 80%, chỉ có 0,35% số hồ sơ trễ hạn. Tính chung 5 năm qua thì tỷ lệ hồ sơ trễ hạn là 5%. Với số lượng hồ sơ mà TP giải quyết là hơn 14 triệu hồ sơ mỗi năm thì 5% này tương đương với 725.000 hồ sơ trễ hạn. Trong nhiều nguyên nhân, ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận vấn đề là do số lượng hồ sơ cần giải quyết quá lớn. Có cơ sở mỗi ngày giải quyết 1.000 hồ sơ, có cán bộ mỗi ngày giải quyết 100 hồ sơ. Do đó, mục tiêu của TP tiến đến xây dựng chính quyền điện tử để giải quyết các vấn đề này. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đánh giá bước đầu triển khai ở một số nơi “Hiện nay bưu điện TP kết hợp với thành phố, có thể trả hồ sơ tại nhà, đối với những quận, huyện xa như Nhà Bè thì rất tiện ích. Bảo hiểm xã hội, y tế chuyển tại nhà… Tôi nghĩ đây là vấn đề cần nên thông tin. Thê, vào đó, hiện hình thức ứng dụng triển khai của chúng ta có nơi chưa tiện ích, ví dụ như vừa rồi Sở Quy hoạch Kiến trúc có triển khai cái app để thông tin về quy hoạch, Sở GTVT công khai các trạm xe buýt, các tình trạng kẹt xe… điều này rất tiện. Nhưng một số dịch vụ trực tuyến phải vào website truy cập rất chậm và người dân không quen. Làm sao hiệu ứng ứng dụng phải nhanh tiện người dân mới tham gia được”.

Ngoài tờ trình về cải cách hành chính, HĐND TP còn thảo luận 6 tờ trình thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, gồm: Tờ trình về tăng mức thu phí tạm dừng đổ xe ô tô trên lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM; điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP; đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức tuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý; dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2020…

Hôm nay, kỳ họp thứ 7, kỳ họp bất thường HĐND TP khóa 9 sẽ thông nghị quyết các tờ trình của UBND TP.             

VOH

Bình luận

Đọc Báo