Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết 2019 – Thời sự 11g 15/12/2018

(VOH) - Việc bảo đảm an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết đang là vấn đề cơ quan chức năng và người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết đang là vấn đề cơ quan chức năng và người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Vì vậy, TPHCM sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP từ nay đến hết tháng 2.2019 nhằm kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Kỷ hợi 2019.

Xung quanh vấn đề này phóng viên Phương Dung có phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM.

VOH - Thưa bà tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay rất đáng báo động, Ban an toàn vệ sinh thực phẩm TP đã triển khai các giải pháp gì để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2019 và năm nay có gì khác so với những năm trước?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tết Kỷ hợi sắp tới, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo  liên ngành TW chúng tôi đã thành lập 12 đoàn thanh tra, kiểm tra cùng với ban ngành của các quận, huyện để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm. Chúng tôi tập trung vào những mặt hàng mà Tết sẽ tiêu thụ rất nhiều như: thực phẩm chế biến, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt, quả.vv...Vào thời điểm 2 tháng trước Tết như hiện nay các đoàn đang tập trung rất mạnh ở các kho lạnh và những đơn vị sản xuất thực phẩm – sản xuất để chuẩn bị cho thị trường Tết. Khi Tết đến gần gần thì chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn cho khâu phân phối. Cón năm nay có gì khác hơn so với những năm trước là các đội quản lý ATTP đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nay và có nhiều kinh nghiệm cùng với lực lượng tại các quận huyện. Hy vọng là với tin tức của quần chúng báo về thì chúng tôi sẽ kiểm soát được thị trường, đặc biệt là về vấn đề ATVSTP. Với Nghị định 115 mới ra đời và có hiệu lực từ tháng 20/10/2018 thì mức xử phạt đặc biệt rất cao so với Nghị định 178 cũ. Đối với cá nhân mức xử phạt lên tới 1 tỷ đồng. Với các đơn vị, tổ chức thì mức xử phạt có thể tăng gấp đôi. Đối với trường hợp nghiêm trọng thì mức xử phạt này không giới hạn và chuyển qua hình sự. Rút kinh nghiệm của năm ngoái chúng tôi đã bắt được rất nhiều vụ việc, đặc biệt là đối với những thịt heo kém chất lượng, không còn bảo đảm mà vẫn được các cá nhân, tổ chức mua tích trữ trong các kho lạnh để chuẩn bị vào dịp tết làm lạp xưởng, giò chả.vv..để tung ra thị trường, thì cái này chúng tôi làm rất nghiêm.

VOH – Như vậy khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện nay là gì?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Nói chung là còn rất nhiều khó khăn. Thứ nhất laa2 khó khăn về hệ thống văn bản quy phạm Pháp luật. Đôi chỗ còn chồng chéo nhau, chưa được nghiêm. Chúng tôi vẫn mong nó đồng bộ hơn. Đặc biệt là trong việc xử lý khi sử dụng những chất cấm, không có trong danh mục hoặc những chất có trong danh mục mà sử dụng sai mục đích thì phải xử phạt nghiêm hơn. Phải cho cơ quan quản lý nhà nước có cái phương tiện, có khả năng để tịch thu tiêu hủy toàn bộ. Nếu không thì rất khó, và chúng tôi cũng còn vướng rất nhiều thủ tục. Thứ hai là về mặt lực lượng của chúng tôi tuy là đông nhất nước nhưng so với nhu cầu của 13 triệu dân TP thì vẫn còn rất khiêm tốn và vẫn còn rất nhiều điều chúng tôi muốn làm nhưng chưa đủ nguồn lực

VOH – Có một thực tế nữa là việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trong các kênh phân phối hiện đại khá thuận lợi, bởi vì các tiêu chuẩn đầu vào đã được kiểm soát chặt chẽ. Vậy còn ở các chợ truyền thống thì Ban ATTP TP sẽ thanh tra, kiểm tra như thế nào thưa bà?

 Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chiến lược của chúng tôi là bảo đảm ATTP từ nguồn cung ứng và nguồn cung ứng này không chỉ từ các chợ đầu mối cho các chợ truyền thống và các siêu thị mà còn đi về các tỉnh. Bởi vì riêng TPHCM, hơn 70% số nông sản, thực phẩm tươi sống từ các tỉnh lân cận. Song song đó, hệ thống phân phối hiện đại của chúng ta mới chỉ chiếm 30% thị phần. Nhưng với hơn 200 chợ truyền thống thì đây là một câu hỏi rất khó. Đặc biệt là với thói quen của người tiêu dùng chúng ta đôi khi vẫn xem nhẹ vấn đề an toàn. Vì vậy, chúng tôi đã có những chương trình tuyên truyền vận động để làm sao cho người dân nếu phải lựa chọn giữa chợ truyền thống và những chợ vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm thì hãy chọn chợ truyền thống. Bởi vì những chợ tự phát kia thì không thể bảo đảm vấn đề ATTP. Song song đó trong chợ truyền thống chúng tôi đang tập trung vào 3 tiêu chí. Thứ nhất là bảo đảm vệ sinh, ít ra phải có cải thiện. Thứ 2 là ý thức của người bán hàng. Người bán hàng được tập huấn, được trang bị những kiến thức về ATTP, có sức khỏe và có trách nhiệm đối với sức khỏe của mình. Và thứ 3 quan trọng nhất là nguồn gốc của thực phẩm. Hiện đại thì có mô hình vòng truy xuất của thịt heo, thịt gia cầm và trứng chẳng hạn. Nhưng những chợ truyền thống chúng ta cũng có hệ thống sổ sách và hóa đơn thì chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề này tại tất cả các quận huyện, bước đầu tiên là chọn lựa một số chợ để làm thí điểm và sau đó nhân rộng mô hình này. Trong năm 2019 chúng tôi sẽ làm quyết liệt vấn đề này. Nếu vi phạm sẽ xử phạt rất cao.

VOH - Như bà vừa cho biết thì hiện nay 70% người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm ở chợ truyền thống vậy thời gian qua trong quá trình đi thanh tra, kiểm tra bà nhận thấy chất lượng hàng hóa ở các chợ này đã được cải thiện chưa?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chất lượng thì chắc chắn được cải thiện. Tuy nhiên nó chưa như chúng ta mong đợi. Bởi vì thực sự thì chợ truyền thống vẫn phải cạnh tranh với chợ tự phát, chợ vỉa hè nữa. Chợ truyền thống ít có công nghệ hiện đại để giúp sức. Với điều kiện bảo quản, vệ sinh hiện nay, với nhiệt độ nóng ẩm v.v... thì rất khó. Rồi thói quen của chúng ta rất chiều khách cho nên sẽ xé nhỏ ra để dễ bán. Còn ở siêu thị thì sẽ bao gói từng cái lô và như vậy chúng ta dễ dàng hơn trong việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên vấn đề rất lớn là đặt ở cái tâm của người bán và cái ý thức của người mua. Rõ ràng để bảo đảm an toàn thì ở siêu thị dễ hơn chợ truyền thống và chợ truyền thống sẽ phải đổi mới mình để không mất khách và vẫn giữ được uy tín. Nếu có những bà nội trợ mấy chục năm nay vẫn mua hàng ở chợ truyền thống với những người bán hàng quen thuộc vẫ bảo đảm ATTP thì tôi khuyến khích vẫn tiếp tục. Thế nhưng những người bán cũng phải tự hoàn thiện mình, cải thiện hơn nữa và thuyết phục được nhiều khách hàng hơn.

VOH - Vậy để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho mọi người, theo bà là một người nội trợ thông minh thì phụ nữ có vai trò  quan trọng như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Vai trò của phụ nữ hết sức lớn vì phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình và cũng là người quyết định người thân của mình sẽ ăn cái gì. Vì vậy, những chương trình về ATTP luôn luôn chọn đối tượng số 1 thuyết phục chính là phụ nữ để người phụ nữ sẽ là người chọn mua, rồi bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn nhất.

VOH - Xin cám ơn bà!

VOH

Bình luận

Đọc Báo