Tăng cường đảm bảo an ninh trong môi trường du lịch - Thời sự 5 giờ 30 ngày 18/8/2018

(VOH) - Hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế ngày càng bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề xấu xí.

Với mong muốn giúp cho ngành du lịch phát triển hơn, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp như: miễn thị thực, phát triển hạ tầng du lịch… Tuy nhiên, cách thức thực hiện vẫn chưa đồng bộ, manh mún tại một số địa phương, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong 7 tháng qua nhiều tệ nạn xảy ra như tình trạng trộm cắp, lừa đảo du khách; ứng xử kém văn hóa, bắt chẹt du khách… được chính những người nước ngoài ghi lại. Thực trạng này đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam nói chung cũng như du lịch TPHCM nói riêng. Loạt bài Để Việt Nam đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế do Phóng viên Hữu Nghị thực hiện đề cập vấn đề này. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị nghe bài 1 nhan đề: Cần tăng cường đảm bảo an ninh trong môi trường du lịch.

Hơn một tháng trước, các cơ quan chức năng tại Huế đã phải vào cuộc để xử lý vụ việc 2 Việt kiều Mỹ phải chịu 1 triệu rưỡi cho một chuyến xích lô trong gần 1 giờ đồng hồ. Trước đó, đôi vợ chồng người Hà Lan đi taxi tại Hà Nội bị buộc trả 870.000 đồng cho quãng đường 7 cây số. Chưa hết, cũng ngay sau đó, một nữ du khách người Nga phải trả 700.000 đồng cho một túi bánh rán nhỏ ở khu vực phố cổ Hà Nội. Mới đây nhất, dư luận hết sức bất bình khi một du khách Pháp nhận phải 900.000 đồng tiền âm phủ trả lại từ một lái xe taxi trong hành trình khám phá Hà Nội. Vụ việc này một lần nữa khiến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế. Bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Benthanh Tourist, bày tỏ: Vấn nạn chặt chém du khách vẫn còn diễn ra ở nhiều điểm du lịch khiến du khách khi đến Việt Nam có cảm thấy không được chào đón, thậm chí có những trường hợp cảm thấy bị lừa dối, bị xúc phạm. Họ sẽ không có lý do gì để quay lại với nơi đã đối xử với mình như vậy. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng một môi trường du lịch sạch - xanh - thân thiện và an toàn cho du khách.

Đối với các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, tình trạng tăng giá phòng không kiểm soát vẫn diễn ra, đặc biệt là vào các mùa cao điểm như lễ, Tết. Bà Hồ Thị Bích Thủy, Giám đốc Lữ hành Công ty Cholon Tourist cho hay, vào những dịp nghỉ dài ngày hay lễ tết, công ty thường bị ép giá phòng, không loại trừ trường hợp có hiện tượng đầu cơ, gôm phòng để bán với giá cao. Ngoài ra, hình ảnh môi trường du lịch xấu xí, theo bà Thủy, cũng không khó để bắt gặp ở Thành phố ngàn hoa này: đến Đà Lạt hiện nay không có được vệ sinh, thứ hai là chèo kéo, thứ ba là chặt chém du khách. Ngay ở chợ đêm Đà Lạt, chúng ta thử đi thăm quan vào ngày cuối tuần rác dễ dàng thấy rõ rằng: rác và du khách cùng nhau. Xe rác nằm giữa chợ; người bán thì đủ thành phần hết và không có lề lối, rồi chèo kéo du khách. Thực tế đó, khiến nhiều du khách quay qua hỏi Công ty du lịch: tại sao lại đưa họ đến những điểm như vậy để tham quan và không đảm bảo an toàn, an ninh cho chính họ.

Kể lại với chúng tôi về sự tăng giá vô tội vạ của một khách sạn ở Nha Trang trong dịp hè này, chị Thái Thị Hà, quận Tân Phú cho hay, trước đó, đã đặt cọc và đặt giá phòng từ trước, nhưng khi ra đến nơi, khách sạn này đòi tăng giá phòng từ 70 - 100% so với thời điểm trước đó . "Cách làm việc của những khách sạn ở đây chặt chém khách du lịch như tụi tôi khiến tôi cảm thấy rất bức xúc. Và qua đây, cũng mong rằng cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý để bảo vệ những du khách nhưng chúng tôi để chúng tôi cảm thấy rằng Thành phố Nha Trang xứng đáng là nơi mà để mọi người đến nghỉ dưỡng và tham quan" - Chị Hà nói.

Những hình ảnh xấu xí đó của du lịch nước ta là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ có 10% khách quốc tế muốn quay trở lại Việt Nam trong năm 2017. Trong khi đó, con số này lần lượt là 82% với Thái Lan và 89% với Singapore. Với TPHCM, dù đã tăng cường nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng ăn xin, chèo kéo, đeo bám du khách nhưng không phải tất cả đã thực hiện tốt như mong đợi. Ông Nguyễn Hồng Hà, người dân quận 7, đề xuất cần phải có hướng dẫn người dân thành phố về thái độ ứng xử đối với du khách; cần phải xóa đi những hình ảnh chưa đẹp ở TPHCM như ăn xin, chèo kéo du khách, bán hàng lừa đảo, chặt chém. Đặc biệt, thời gian gần đây còn có tình trạng chặt chém, chèo kéo, gây ảnh hưởng không tốt đến du khách.

Để hạn chế những hình ảnh xấu trong môi trường du lịch, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhiều văn bản về tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, đáng chú ý nhất là Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch. Theo đó, các văn bản này yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý giá cả của các tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch, người bán hàng tại các khu điểm du lịch; tăng cường kiểm tra taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên những hình ảnh xấu vẫn diễn ra. Bà Lê Diệu Lý, quận Phú Nhuận, cho hay: Đối với khách du lịch, yếu tố đầu tiên là an toàn là trên hết, sau đó đến vệ sinh môi trường và đến các điểm vui chơi giải trí. Tôi thấy có những điều chủ quan mình có thể làm được. Tôi  lấy ví dụ như là vấn đề an toàn: bây giờ thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu xây dựng thành phố thông minh. Dĩ nhiên đây là điều tốt, tuy nhiên, nếu mà mình không giữ được an toàn cho du khách có hiện tượng là khách sẽ đi một lần và không quay lại. Cho nên vấn đề an ninh cần phải làm sao đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và cũng như cho chính người dân.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chỉ cần một phản hồi xấu từ khách du lịch, một cú click chuột phàn nàn, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch và hình ảnh của một quốc gia. Vì vậy, cần ngay sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa của các Bộ, ban, ngành và địa phương để du lịch Việt Nam đúng với danh xưng “Vẻ đẹp bất tận”. 

VOH

Bình luận

Đọc Báo