Quốc hội thảo luận luật Quản lý thuế sửa đổi  - Thời sự 17g00 15/11/2018

(VOH) - Chiều 15/11, tiếp tục chương làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương, 28 điều. Luật quy định: Thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Về danh mục bí mật nhà nước, Luật quy định người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng; Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội…

Người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật, bởi sau thời gian thực hiện, bên cạnh việc đạt được kết quả quan trọng, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, đồng thời, bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cho rằng, thời gian qua, thông qua  các cuộc đối thoại của các cơ quan quản lý nhà nước nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được lắng nghe, tiếp thu và có điều chỉnh cần thiết, kịp thời. Do đó đại biểu đề nghị bổ sung quy định hàng năm cơ quản lý thuế phải tổ chức đối thoại  với đối tượng nộp thuế: "Với những cơ chế đối thoại, giải đáp thắc mắc trao đổi những băn khoăn trăn trở và bất cập từ đó sẽ bảo đảm sự thông suốt từ cơ quan quản lý thuế đến các đối tượng có nghĩa vụ phải nội thuế và toàn xã hội. Cũng như hạn chế thông tin 1 chiều. Do đó tôi đề nghị bổ sung vào điều 18 nghĩa vụ các cơ quan quản lý thuế phải tổ chức đối thoại với đối tượng nộp thuế hàng năm….”.

Về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt. Có ý kiến khác đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế. Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc nêu ý kiến: “Tôi đề nghị cân nhắc việc quy định theo hướng không nên trao quyền cho lãnh đạo ngành thuế hải quan được quyền xóa nợ thuế. Nên giao thẩm quyền này cho cơ quan quản lý nhà nước về thuế vì cơ quan quản lý thuế là ng quyết định ấn thuế, miễn giảm thuế, khoanh nợ thuế nay lại thực hiện xóa nợ thuế không phù hợp, vi phạm nguyên tắc, dễ phát sinh tiêu cực”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề nghị: “Tại điều 17, Nghĩa vụ của người nộp thuế, đề nghị bổ sung thêm quy định người nộp thuế biết mức thuế phải nộp của đối tượng nộp thuế khác có cùng loại sản xuất kinh doanh, cùng điạ bàn cùng quy mô… với mình nếu có yêu cầu phòng ngừa bao che không công bằng. khoản 7, bổ sung đối tượng nộp thuế không chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế mà luôn cả cơ quan thanh tra kiểm toán khi có yêu  cầu”.

Ngọc Ánh

Bình luận

Đọc Báo