Quốc hội kết thúc thảo luận về tình hình kinh tế xã hội - Thời sự 17 giờ 26/05/2018

(VOH) - Sáng 26/5, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ hai thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước năm qua và những tháng đầu năm nay.

Tại phiên họp một số đại biểu nêu rõ, Hội nghị Trung ương 7 vừa ban hành 2 Nghị quyết quan trọng về an sinh xã hội là Nghị quyết cải cách tiền lương và Nghị quyết cải cách bảo hiểm xã hội . Đề nghị chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội, có giải pháp nâng cao tỷ lệ tham gia lao động bảo hiểm xã hội. Nêu vấn đề tỷ lệ thất nghiệp cao trong lực lượng lao động trẻ hiện nay, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi chiếm 7,5%. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị, chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết tình trạng thất nghiệp cao, trong đó cần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển từ ngành có năng suất lao động thấp sang lĩnh vực có năng suất lao động cao: “Một là chúng ta phải tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả hai khu vực, một là lực lượng lao động chuẩn bị để bước vào thị trường lao động, hai là bản thân lực lượng lao động đang làm việc trong các nền kinh tế quốc dân để chúng ta đi trước đón đầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, bao gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo dạy nghề và quản trị doanh nghiệp”.

Tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, tính bền vững việc làm không cao, thị trường lao động chưa đồng bộ, thiếu nhân lực quản lý, chất lương cao, chủ yếu lao động phổ thông. Đặc biệt tỷ lệ thanh niên sinh viên ra trường thất nghiệp cao, riêng năm 2017 tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 7% với trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Làm rõ thêm vấn đề năng suất lao động của nước ta mà các đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Đứng ở quản lý nhân lực, nhìn vào năng suất lao động thấp, chúng ta thấy năng suất lao động khách quan mà nói có chuyển biến, ước tính đến nay đạt 93,2 triệu đồng, nếu tính theo giá hiện hành thì tăng 6% so với năm 2016, nếu tốc độ tăng thì có thể nói là cao. Song, chúng ta thấy bình quân 10 năm qua tăng 4,4%, năng suất khu vực công nghiệp chỉ bằng 3,8% dưới mức trung bình, năng suất lao động các ngành kinh tế bằng 1/3 khu vực công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng phương pháp tính chung phù hợp xu hướng quốc tế thì thấy rằng năng suất lao động của chúng ta có thể cần tính toán lại một cách cụ thế, vì chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, nếu làm được thì năng suất lao động không phải thế này".

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về nội dung đại biểu đặt ra về tiến độ xử lý 12 dự án kém hiệu quả, chính phủ đã chỉ đạo không cấp thêm vốn nhà nước cho xử lý các dự án này. Bộ trưởng cho biết trong 6 dự án dừng sản xuất, đến nay đã có 2 dự án khôi phục lại sản xuất và bước đầu có lãi, đó là nhà máy sản xuất phân bón DAP ở Hải Phòng và nhà máy sản xuất thép Việt Trung; 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh là công ty sản xuất tơ sợi Đình Vũ, nhà máy Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Định Phước, đến nay dự án sản xuất tơ sợi Đình Vũ hoạt động trở lại. Về tiến độ xử lý các dự án thua lỗ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong năm 2017, đã thành lập Ban chỉ đạo của chính phủ và hoàn thành đề án để xử lý những tồn đọng của 12 dự án này và đã báo cáo xin ý kiến của Bộ chính trị và sau đó được Thủ tướng ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký phê duyệt các chương trình xử lý các dự án tồn đọng, với mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án này và đến năm 2020 sẽ giải quyết tất cả các tồn đọng, đồng thời có giải pháp hiệu quả và phải có dự án mới trong tương lai".

Nhiều đại biểu đánh giá cao quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây. Tuy nhiên theo các đại biểu, thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng cần có sự hoàn thiện về cơ chế, chính sách, trong đó cần chú trọng đến vấn đề thu hồi tài sản thất thoát, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) kỳ vọng sớm thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mà chính phủ trình Quốc hội, để có cơ sở pháp lý tốt hơn trong phòng chống tham nhũng.

Trả lời các đại biểu về vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận đúng như đại biểu Quốc hội nêu, tỷ trọng thu của ngân sách Trung ương trong tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu mà ngân sách Trung ương hưởng 100% đều giảm. Năm 2011, thu dầu thô chiếm 16% tổng thu cân đối ngân sách nay còn 3,8%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 21,6% tổng thu ngân sách nay còn 15,4%, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: "Việc thực hiện cắt giảm một số sắc thuế với mức cao và nhanh hơn so với lộ trình trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, song cũng ảnh hưởng đến số thu cân đối ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đối với ngân sách Trung ương, tỷ trọng các khoản thu hưởng 100% dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu làm giảm nguồn thu của ngân sách Trung ương. Trong khi đó, việc điều chỉnh chính sách thu, tăng thu, tăng cường vai trò chủ đạo của Trung ương theo dự kiến còn chậm".

Sau một ngày rưỡi thảo luận về nội dung kinh tế xã hội, đã có 60 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 13 đại biểu phát biểu tranh luận trực tiếp tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao phiên thảo luận với tinh thần thẳng thắn, mang tính xây dựng, nội dung phản biện cao, bao quát trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu cũng tập trung phân tích nhiều nội dung và đề nghị chính phủ có giải pháp về vấn đề tăng trưởng chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc, phân bổ giải ngân vốn đầu tư chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản còn tồn tại….những ý kiến của các đại biểu sẽ được chuyển tới chính phủ để tiếp thu và xử lý.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.   Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết là đề xuất của Chính phủ phát hành trái phiếu trả nợ hơn 22 ngàn tỷ tiền nợ bảo hiểm xã hội. Nhất trí với lộ trình thực hiện của Chính phủ, các đại biểu đề nghị Ngân sách nhà nước sẽ phải tính và trả lãi phát sinh đối với khoản nợ Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/1/2016, trên tinh thần đảm bảo rõ ràng, nhất quán. Xung quanh vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) nêu ý kiến: "Đề nghị Chính Phủ cần tính toán kỹ lưỡng về khoản lãi và đề nghị Quốc hội cho khoanh nợ đến khi nào chính phủ có điều kiện thì chuyển trả cho quỹ BHXH để chúng ta báo cáo với người lao động và toàn dân để xác định là chỉnh phủ chúng ta hoàn toàn sòng phẳng với tư cách là người sử dụng lao động lớn nhất và có tính nhân văn".

Cũng theo nhiều đại biểu, việc phát hành Trái phiếu chính phủ nêu trên sẽ không làm tăng bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2018, nợ công giai đoạn 2018-2020 sẽ chỉ tăng khoảng 0,4% GDP và vẫn bảo đảm an toàn nợ công giai đoạn 2018-2020  

Phong Phú - Ngọc Ánh

Bình luận

Đọc Báo