Quan tâm hơn đến nhu cầu gửi trẻ của công nhân - Thời sự 17g 8/12/2017

Hội nghị sơ kết 5 năm tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng, phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được Thành uỷ tổ chức vào sáng 8/12.

Đây là Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng, phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Phó Bí thư Thành uỷ Võ Thị Dung chủ trì hội nghị. Ghi nhận của Quỳnh Anh.

Qua đánh giá, sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và công tác quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được tăng cường. Ngân sách phân bổ cho công tác này cơ bản được đáp ứng để tổ chức thực hiện nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của trẻ em.

Năm năm qua, thành phố đã xây dựng 6 nhà thiếu nhi, đảm bảo 24/24 quận - huyện có nhà thiếu nhi hoạt động. Tổ chức bộ máy bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ thành phố đến quận - huyện, phường, xã, thị trấn thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Đến nay, 24/24 quận - huyện, 319/319 phường, xã, thị trấn đều đã ra mắt Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm, đời sống một bộ phận không nhỏ người dân thành phố còn khó khăn nên sẽ tác động đến việc nuôi dạy, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là đối với gia đình nghèo, một số hộ dân sống ở các huyện ngoại thành.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến, tham luận đã được trình bày, trao đổi nhằm tìm ra giải pháp cho công tác trẻ em trong tình hình mới. Thông tin thêm xung quanh vụ việc bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục Mầm Xanh, ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND Q.12 cho biết, sau khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng trên, lãnh đạo quận đã nhanh chóng tổ chức thăm khám sức khoẻ cho các em và tiếp xúc với phụ huynh để đề nghị hướng giải quyết. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhìn nhận thực tế các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ dân lập chiếm đến 2/3 số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận, đáp ứng phần lớn nhu cầu của các bậc phụ huynh là công nhân, dân nhập cư.

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay tại các quận - huyện có đông dân nhập cư, đang có tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, nhu cầu giữ trẻ ngoài giờ rất lớn nhưng chưa thể đáp ứng do vướng quy định của Luật Lao động, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực ... Bà Bùi Thị Diễm Thu kiến nghị Thành ủy quan tâm chỉ đạo đối với vấn đề giữ trẻ ngoài giờ, đặc biệt là vấn đề tăng biên chế cho những trường tổ chức giữ trẻ là con công nhân để thực hiện việc chia ca giữ trẻ, vì nếu cứ áp dụng quy định như hiện nay thì áp lực đối với giáo viên mầm non ngày càng nhiều.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung chỉ đạo một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, hiện nguồn lực xã hội hóa chúng ta chưa đánh giá được, đề nghị quan tâm để có những chính sách để tạo điều kiện phát triển giáo dục ngoài công lập. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội của TP, quận, phường cần chủ động trong việc phối hợp cùng chính quyền địa phương, cùng giám sát của HĐND vừa chăm lo giáo dục, bảo vệ trẻ em, đồng thời qua giám sát để kịp thời phát hiện và khi có vụ việc ngoài mong muốn thì giải quyết kịp thời, không để quyền và lợi ích của trẻ em bị xâm phạm.

Dịp này, 42 tập thể, 8 cá nhân đã nhận Bằng khen của Thành ủy vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2012 – 2017.

VOH Online

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo