Quản lý chất lượng công trình xây dựng chưa được chú trọng - Thời sự 11g 16/10/2017

(VOH) - Chất lượng công trình xây dựng là một yếu tố cơ bản tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của dự án.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được tăng cường, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, việc khảo sát xây dựng chưa được chú trọng. Bên cạnh những yếu kém trong khâu khảo sát, thiết kế thì công tác thi công ngoài hiện trường cũng còn nhiều bất cập. Những tồn tại, hạn chế và bất cập trên trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cần phải có các biện pháp để khắc phục, nhất là kiên quyết xử lý những sai phạm, hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí đầu tư để những công trình xây dựng mang lại hiệu quả thiết thực. Đó cũng là nội dung cuộc phỏng vấn giữa VOH với ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

VOH: Những năm gần đây có rất nhiều những sự cố khi thi công công trình. Đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhằm quản lý chất lượng công trình nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?

Ông Trần Ngọc Hùng: Do tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất nhanh, cả nước có hàng vạn công trình, trong khi chúng ta phát triển đội ngũ cán bộ từ cán bộ kỹ thuật đến cán bộ quản lý, công nhân mặc dù nhìn chung có cố gắng nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp. Ở các nước, nếu muốn thực hiện nhiệm vụ nhà thầu giám sát thì sau khi ra trường thì phải có thời gian thực tập, sau đó mới có tấm bằng kỹ sư chuyên nghiệp. Riêng tại TPHCM có 2 vạn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhiều doanh nghiệp chỉ cần chồng với vợ rồi thuê một vài cán bộ là thành doanh nghiệp. Qua đó thấy rằng Luật Doanh nghiệp rất thoáng nhưng khâu hậu kiểm còn lỏng lẻo. Do đó yếu tố con người còn nhiều bất cập, chúng tôi đang đề nghị Nhà nước thành lập quy định về hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.

VOHLuật Xây dựng năm 2014 có quy định rõ thẩm quyền của chính quyền khi quyết định dừng khai thác, sử dụng công trình khi có nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng và cộng đồng. Tuy nhiên thực tế thì cơ quan chức năng vẫn còn bỏ qua những công trình thiếu an toàn này. Ý kiến của ông về vấn đề này là như thế nào?

Ông Trần Ngọc Hùng: Tình trạng xảy ra các vi phạm chất lượng, đổ, sập, nứt, vỡ, gây nguy hại đến con người và tài sản là muôn hình muôn vẻ. Tùy trường hợp mà xác định là do khâu thiết kế, thi công hay giám sát. Theo PV hỏi thì tôi hiểu là gần đây có một số công trình đã quá niên hạn sử dụng, hoặc chưa quá nhưng có nguy cơ sụp đổ, đây là con số hết sức đáng báo động, đặc biệt là công trình chung cư cũ. Vì thế Luật Xây dựng nêu rõ cấp chính quyền phải quản lý những công trình này ra sao, đánh giá và lường trước vấn đề này. Thật ra nói không làm thì không đúng nhưng làm không triệt để. Gần đây TPHCM đã quyết liệt đập phá một số chung cư cũ, cầu cũ, đây là điều có cố gắng nhưng các cơ chế để thực hiện Luật Xây dựng và phương pháp làm chưa đầy đủ. Cho nên chúng tôi nhiều lần nói là không nên sử dụng cơ chế thị trường để giải quyết các công trình này mà Nhà nước phải dành một khoản kinh phí bắt buộc. Đây cũng là hồi chuông báo động đến lãnh đạo các thành phố có nhiều công trình cũ, rất dễ xảy ra sự cố.

VOH:  Theo ông thì việc xử lý các vi phạm trong thi công xây dựng công trình hiện nay đã thực sự mang tính răn đe và hiệu quả chưa?

Ông Trần Ngọc Hùng: Thật ra chúng ta đã nâng các chế tài ngày càng cao hơn rồi, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là vế đuôi mà thôi. Cái gốc phải là ngăn chặn chứ không phải để xảy ra rồi thì dù có phạt thêm năm mười triệu hay vài trăm triệu cũng không phải vấn đề. Phải hậu kiểm ngay toàn bộ những đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động xây dựng là nhà thầu xây lắp và làm công tác tư vấn giám sát – hai yếu tố quyết định chất lượng công trình xây dựng, quyết định sự cố công trình có xảy ra hay không.

VOH: Vậy để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng thì cần những yếu tố gì, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Hùng: Đây là bài toán xã hội chứ không còn là bài toán liên quan đến cơ chế nữa. Trách nhiệm của nhà thầu, nhà tư vấn giám sát, công trường … tất cả các quy định pháp luật đã có hết, nếu cứ thực hiện đúng như thế thì công trình sẽ đảm bảo tiến độ và chất lượng. Nhưng vấn đề quan trọng vẫn là con người. Thứ hai ở các nước họ đã làm, đó là bản thân các công ty có uy tín và thương hiệu sẽ được Nhà nước cấp chứng chỉ năng lực hành nghề hoạt động xây dựng, và kỹ sư loại nào thì sẽ nhận thầu loại công trình nào. Tuy nhiên cũng có người cho rằng như vậy là đưa ra một giấy phép con trong Luật Xây dựng. Nhưng tôi thì nghĩ rằng nên xem đây như một loại chứng chỉ hành nghề giống như bác sĩ, và Luật Xây dựng lần này cũng quy định rõ công ty xây dựng quy mô nào thì có bao nhiêu kỹ sư, chỉ huy trưởng là ai… Nhưng cũng phải cẩn thận trong việc xuất hiện cơ chế xin cho khi cấp chứng chỉ này.

VOH: Cám ơn ông!

Quỳnh Anh

Bình luận

Đọc Báo