Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn sẽ là những đầu tàu cùng TPHCM và Hà Nội- Thời sự 11 giờ 09/06/2018

(VOH) - Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các tầng lớp nhân dân đến nghị trường.

Tán thành cao với sự cần thiết ban hành và nhiều quy định trong dự thảo luật nhằm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, các chính sách ưu đãi, đột phá như thế nào để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích tối ưu của đất nước, nhân dân được đại biểu Quốc hội cân nhắc thận trọng. Phóng viên Minh Phước đã có phỏng vấn đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng xung quanh các nội dung vừa nêu.

*VOH: Thưa ông, Dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật đặc khu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Quan điểm của ông như thế nào trước sự quan tâm này, nhất là trước những lo lắng của chuyên gia, người dân xung quanh dự án luật này?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục tạo đà tăng trưởng bền vững, tức là tạo ra những đầu tàu cùng với đầu tàu TPHCM và Hà Nội. Do đó, Quốc hội đang thảo luận và bàn bạc để chúng ta có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Luật này được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước bởi tính đặc biệt của nó. Ở 2 nội dung, hành chính đặc biệt, tức là chúng ta theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, bộ máy hành chính mà hiện nay chúng ta cho là rất cồng kềnh và nó làm chậm tốc độ phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh không thuận lợi. Do đó, chúng ta sẽ ban hành một cơ chế để hành chính đơn giản hơn. Và kinh tế đặc biệt là chúng ta nhắm tới các chính sách ưu đãi để đặc khu này có điều kiện phát triển nhanh và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn ở trên thế giới đến đầu tư ở nước ta.  

*VOH: Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế về thể chế, môi trường kinh doanh trong dự luật chưa đủ hấp dẫn để thành công, mà thiên về ưu đãi đất đai, thuế? Quan điểm của ông như thế nào trước nhìn nhận này?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Điều lưu ý là hiện nay chỉ là dự thảo chứ chưa phải là đã ban hành luật. Và trong quá trình dự thảo, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội, các nhà kinh doanh đều có gửi đến cho Ban soạn thảo nhiều ý kiến phản biện. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý rất thẳng thắn về cơ chế, chính sách ưu đãi trong dự thảo luật này. Phần lớn các đại biểu Quốc hội chưa đồng thuận về các chính sách ưu đãi trong các khu hành chính kinh tế đặc biệt.

Điều mong muốn của đại biểu Quốc hội là Đặc khu này phải thể hiện bộ máy hành chính đặc biệt theo hướng tinh gọn, để trên cơ sở đó chúng ta có thể phổ biến rộng rãi, ứng dụng nhiều hơn cho các địa phương. Và từ đó, chúng ta góp phần đổi mới, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; Chúng ta sẽ giảm được chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước và góp phần tăng được chi đầu tư phát triển. Đây là mục tiêu mà chúng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất. Còn các chính sách ưu đãi trong Luật Đặc khu, bản thân tôi chỉ đồng ý ở chỗ là chúng ta chỉ ưu đãi trong giai đoạn khoảng 5 năm đầu, còn những năm sau thì chúng ta không nên tiếp tục ưu đãi. Bởi vì những giai đoạn đầu cần có một sự hỗ trợ để các nhà đầu tư đầu tư chi phí, và chúng ta thu hút đầu tư khi mà cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng chưa được đồng bộ, chưa thể hiện sự hấp dẫn thì cần được ưu đãi về mặt thuế.

Về các khoản ưu đãi khác thì hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Tôi nghĩ rằng chúng ta chờ đợi bản dự thảo được điều chỉnh sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội trong thời gian tới để chúng ta có thể xem xét một cách kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn đối với Luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.

*VOH: Hiện dư luận có luồng ý kiến lo lắng về yếu tố Trung Quốc liên quan đến dự án luật này. Theo ông, chúng ta cần cân nhắc như thế nào để đảm bảo giữa phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Sự lo lắng là đúng! Bởi vì 3 đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt của chúng ta nằm ở khu vực có vị trí địa lý, địa chính trị rất nhạy cảm. Mặc dù trong Dự thảo Luật chúng ta không có từ nào liên quan đến đất nước của Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta cũng có sự lo lắng bởi vì kinh tế của Trung Quốc và sự đầu tư của Trung Quốc hiện nay trên Thế giới cũng đang rất lan rộng. Và điều đó có nghĩa là khi luật của chúng ta ban hành thì chúng ta không thể phân biệt đối xử với quốc gia này hay quốc gia khác; Miễn sao họ thỏa mãn các điều kiện, các tiêu chí chúng ta đưa ra. Chúng ta cũng không thể viện ra những lý do để chúng ta không cấp phép. Do đó mà khả năng đầu tư của các nước vào Việt Nam chúng ta sẽ rất nhiều. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải nghiên cứu trong luật để đảm bảo an toàn đất nước và phải đảm bảo được an ninh quốc phòng. Vấn đề kinh tế cũng cần, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo được an ninh quốc phòng, giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta; Tránh sự xâm hại về lĩnh vực kinh tế tác động đến an ninh quốc phòng.

*VOH: Quy định về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể kéo dài đến 99 năm khiến nhiều người dân lo lắng. Bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ xem xét giảm thời hạn, thể hiện rõ tinh thần của một Chính phủ kiến tạo, lắng nghe. Góc nhìn của ông như thế nào?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ với tư cách là đại biểu Quốc hội, bởi vì chúng ta cũng biết Luật là do Quốc hội ban hành, do đó mà Thủ tướng Chính phủ với tư cách là đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm của mình lắng nghe để cùng có ý kiến và góp ý với Ban Dự thảo Luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt để tiếp thu những ý kiến cử tri, ý kiến của các chuyên gia, và đặc biệt là các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ rằng, trên Thế giới, thời gian cho thuê đất cũng được áp dụng ở nhiều Quốc gia về thời hạn 99 năm. Tuy nhiên cũng có những Quốc gia áp dụng thời hạn ngắn hơn như Philippin là 50 năm. Do đó, theo tôi nghĩ rằng, thời hạn hiện hành ở Việt Nam hiện nay, theo Luật đất đai hiện nay, chúng ta đã cho 70 năm thì chúng ta giữ ở 70 năm. Trong trường hợp đặc biệt, tức là sau chu kỳ đầu tư, nếu chúng ta thấy rằng dự án đó tiếp tục phát huy hiệu quả thì chúng ta có thể xem xét cho gia hạn. Và điều đó cũng có nghĩa là đảm bảo được quyền lợi đầu tư. Chứ chúng ta không nên quy định ngay từ đầu là những trường hợp đặc biệt có thể thời hạn cho thuê lên đến 99 năm. Và tôi nghĩ rằng Ban Soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm có cuộc họp để đưa ra một Dự thảo mới hoặc là lấy phiếu, lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi chúng ta thông qua thì sẽ thuận lợi hơn.

*VOH: Ông kỳ vọng như thế nào vào các đặc khu nếu được Quốc hội thông qua Dự án Luật?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Việc có Luật về đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt giúp chúng ta có điều kiện để chúng ta triển khai mô hình về đơn giản hóa thủ tục hành chính, chúng ta tinh gọn bộ máy hành chính đặc biệt; Tinh gọn hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng nhân dân, của Hệ thống chính trị. Có như vậy thì chúng ta mới có thể giảm bớt những thủ tục, giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ và chúng ta giúp cho nhà đầu tư cảm thấy thuận lợi trong môi trường đầu tư kinh doanh. Còn lại, những chính sách mới trong ưu đãi cũng sẽ giúp cho Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn có điều kiện phát triển kinh tế và chung sức vào sự phát triển chung của đất nước.

*VOH: Cảm ơn ông!

Minh Phước

Bình luận

Đọc Báo