Phong tục dân gian: Lưu giữ nét truyền thống dân tộc - Thời sự 11 giờ 17/02/2018

(VOH) - Tết cổ truyền đã trở thành một điều rất ý nghĩa và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Tết là lúc những thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm với nhau. Đó là sự tôn kính của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên qua những nén hương trầm gợi nhớ về cội nguồn. Là những món quà đậm tình của những đứa con dành cho cha mẹ. Đó là mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp trong chiếc bánh chưng xanh, đó là hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đang đua nhau khoe sắc, là những bao lì xì chứa chan tình cảm hay những câu đối đỏ thắm. Và có cả những lễ hội đầy sắc màu mang đậm nét tâm linh của người Việt.

Mỗi khi tiết trời vào xuân cũng là lúc đón chào một năm mới với nhiều ước vọng mới. Sau một năm vất vả đồng áng, “ăn Tết” là dịp nghỉ ngơi, tạ ơn trời đất, tổ tiên, mong cho một năm mới mùa màng bội thu. Ngày nay, Tết cũng là lúc mỗi người con đất Việt luôn mong chờ để được sum vầy. Trẻ con khoe áo mới, người già hạnh phúc khi được nhìn cháu con đủ đầy. “Ngày tư ngày Tết” quên bao muộn phiền để cùng trao nhau điều hạnh phúc nhất. Ngày Tết không chỉ cùng gia đình đón năm mới, mà chúng ta còn có những phong tục rất đẹp đã được gìn giữ từ bao đời nay, như đi chúc Tết, đi viếng chùa, xin lộc đầu năm, những lễ hội dân gian mà giờ đây chỉ khi nào lễ, Tết chúng ta mới có dịp tham gia, như là ném còn, đánh roi, múa mọc, nhún đu, vật cù, kéo chữ, đua thuyền…

GS-TS Nguyễn Khắc Thuần, khẳng định: "Người Việt chúng ta có quá nhiều tập tục gắn liền với thời gian trước Tết, trong Tết và sau Tết. Trước Tết có những tục rất quan trọng, tục tảo mộ, vì người ta tin rằng Tết không phải chỉ của người sống mà hồn thiêng của tổ tiên về với con cháu, cho nên phải ra chăm sóc mồ mả tổ tiên trước. Thứ hai là người ta phải dọn dẹp nhà cửa, Tết là phải tinh tươm sạch sẽ, Tết phải nấu bánh chưng, làm giò. Và làm gì thì làm phải có mâm ngũ quả, chung cho cả nước nhưng có thể khác quả nhau, nhưng quan trọng là tôn trọng tập tục. Đi thăm hỏi, chúc nhau, và cuối cùng tham gia các lễ hội, lễ hội là nét độc đáo của dân tộc ta, lễ hội bao giờ cũng có giá trị tích cực và đáng yêu của lễ hội".

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” đã đi vào văn hóa của dân tộc không biết tự lúc nào. Trước Tết, trong Tết và sau Tết là vô vàn những phong tục, lễ hội phản ánh nét sinh hoạt phong phú của ông cha ta và đến nay vẫn còn lưu giữ những sự tốt đẹp ấy.  “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ tiếp lời: "Ngày Tết là sự đoàn tụ chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa cái cũ và cái mới, giữa con người với trời đất. Luôn là thời khắc thiêng liêng và có nhiều những nghi thức để mong muốn sự tốt đẹp cho mình và các thành viên trong gia đình, nên mọi người hay thực hành xông đất, viếng chùa đầu năm, tặng lì xì cho con cháu, tất cả phản ánh chung nguyện vọng tốt đẹp dành cho mọi người và cho chính mình".

Lưu giữ nét truyền thống tốt đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn luôn được nhân dân phát huy, đạo lý ấy thể hiện rõ trong ngày Tết hiện nay. Vẫn cây nêu, vẫn bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, vẫn bao lì xì dành tặng trẻ thơ, vẫn những lễ hội tín ngưỡng để kết nối cộng đồng, gợi nhớ về lịch sử cha ông. Tuy nhiên, theo thời gian, một số tập tục văn hóa trong ngày Tết xưa không còn phù hợp đã bị thay đổi hay loại bỏ. Thật đáng buồn, khi có những phong tục mang đậm nét văn hóa nhưng đã bị xen vào lợi ích cá nhân và thái quá. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ dẫn chứng: "Tục viếng chùa đầu năm gọi chung là lễ chùa kì thực không phải gắn liền với tôn giáo mà nó là truyền thống tốt đẹp của cha ông lâu rồi. Nhưng nhiều vùng miền quá coi trọng việc đó nên nhiều người cố trong ngày Mùng 1 "chạy" đủ 10 chùa. Về mục đích cũng tốt thôi nhưng tại sao mình lại vất vả đến như vậy, mình cố gắng đi nhiều nhưng cuối cùng chẳng biết được cái gì. Thay vì như vậy, Phật tại tâm, đi được thì tốt không đi được đến với bố mẹ, bàn thờ gia tiên cũng đã thể hiện lòng thành kính rồi, đừng thái quá trong tất cả phong tục, vì khi thái quá sẽ rơi vào tình trạng mê tín dị đoan, sẽ hành hạ chính bản thân mình và những người xung quanh".

Thời gian vừa qua, hình ảnh chen nhau xin ấn, hình ảnh chém lợn, chặt đầu trâu… ở một số lễ hội đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, làm méo mó nghi thức tín ngưỡng. Tiếp thu truyền thống không có nghĩa là phục cổ mà phải kế thừa và phát triển, chỉ tiếp thu những tinh hoa, loại trừ tiêu cực lạc hậu, hướng tới chân- thiện- mỹ của một xã hội văn minh, tiến bộ.

Nói về chuyện xin ấn đền Trần, GS-TS Nguyễn Khắc Thuần, cho biết: "Xin ấn là điều không nên vì đây là sự áp đặt lịch sử, là người đã đọc và dịch rất nhiều tài liệu cổ, tôi chưa thấy truyền thống nào gọi là phát ấn đầu năm. Ngày xưa, triều đình và công đường các địa phương cất ấn ở một nơi, đến ngày làm việc thì mở ấn ra gọi là khai ấn. Ấn đó để làm việc chứ không phải phong chức cho ai cả. nên đừng xuyên tạc tập tục này. Tôi muốn bày tỏ sự cảm thông đối với nhân dân Nam Định và Thái Bình, quê hương của Trần Hưng Đạo và quý tộc họ Trần. Sinh thời Trần Thủ Độ và Trần Hưng Đạo được phong làm thần ngay khi họ còn sống, nên họ được thờ khi đang còn sống. Ngày tết các đạo sĩ khai ấn, khai ấn của đạo sĩ chứ không phải khai ấn liên quan đến chính trị, đừng kết hợp làm một, đồng nhất làm một vì điều đó hoàn toàn sai".

Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là các lễ hội dân gian gắn với cộng đồng và do người dân tự tổ chức hàng năm. Điều đó dẫn đến tình trạng dễ buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát. Nhiều trường hợp đã biến tướng trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan. Ngoài việc giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, thì chính ý thức của mỗi cá nhân sẽ góp phần mang đến những sự tích cực trong các phong tục, lễ hội hiện nay.

Hãy để “Trai gái cười vui mừng đón Tết - Trẻ già hoan hỉ đón Xuân sang”, tất cả cùng đón một năm mới bình an - hạnh phúc trong những giá trị ngàn đời tốt đẹp của dân tộc ta.

Hải Hạnh

Bình luận

Đọc Báo