Phòng ngừa tai nạn lao động, trách nhiệm không của riêng ai - Thời sự 11 giờ 21/5/2018

(VOH) - Từ một người lành lặn, không may bị tai nạn trong quá trình làm việc đã để lại cho họ những di chứng và mất mát không thể nào có thể bù đắp được.

Từ một người lành lặn, không may bị tai nạn trong quá trình làm việc đã để lại cho họ những di chứng và mất mát không thể nào có thể bù đắp được. Họ gặp phải khó khăn trong cuộc sống và nỗi đau dai dẳng khi thương tật hành hạ.

Đó cũng là nỗi ám ảnh theo họ và gia đình trong suốt cuộc đời còn lại. Mời quý vị nghe Bài 1:Tai nạn lao động - còn đó những nỗi đau! của Loạt bài: Phòng ngừa tai nạn lao động-trách nhiệm không của riêng ai do Phóng viên Mỹ Trang thực hiện:

Cách đây 28 năm, trong lúc hoàn thành công đoạn tăng dây điện trên cao, chuẩn bị tháo dây an toàn để leo xuống đất thì dây chằng bị đứt, ngọn trụ điện bị giật mạnh một cách bất ngờ đã làm anh Dương Bá Long, nhân viên điều hành trạm 110KV lưới điện cao thế miền Nam (thuộc Tổng Công ty Điện cực miền Nam) bị vuột tay té ngã ở độ cao 7 mét.

Do ngã ở tư thế ngồi nên dù được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời nhưng hậu quả là anh bị lún cột sống thắt lưng, với tỷ lệ thương tật đến 53%. Anh Dương Bá Long tâm sự, lúc mới bị tai nạn bản thân cảm thấy rất tuyệt vọng vì từ một người lành lặn, trụ cột gia đình đã trở thành người tàn tật.

Nhưng điều anh cảm thấy may mắn nhất đó là mình vẫn còn sống, vẫn còn những người thân xung quanh hằng ngày động viên và đồng hành trong hành trình dài điều trị, tập vật lý trị liệu, để rồi kết quả là anh đã phục hồi, tự đi lại được dù bị rút ngắn chiều cao và sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Anh cho biết mình không làm được việc nhiều, có khi đứng hay ngồi cũng đau.

Hay như trường hợp của chị Lê Thị Vân Hòa ở  Phường 8, Quận 6 dù tai nạn xảy ra đã gần 30 năm qua nhưng cho đến hôm nay vẫn còn là nỗi đau không thể nào nguôi trong lòng. Đó không chỉ là nỗi đau của thể xác mà là nỗi đau về tinh thần không có gì có thể bù đắp được. Bởi tai nạn lao động đã cướp đi của chị một cánh tay, một cái chân và cướp đi cả một gia đình hạnh phúc mà chị đang có.

Bật khóc chị cho hay, chồng và con đã bỏ rơi khi chị trở thành người bị thương tật với tỷ lệ đến 81%. Không còn tổ ấm, mấy chục năm nay chị phải sống nương nhờ gia đình của em gái chỉ với số tiền trợ cấp ít ỏi 2 triệu đồng mỗi tháng. Khó khăn đủ bề. Chị kể, hồi đó làm ở xí nghiệp mì Bình Tây, trong quá trình làm việc không may bị máy cuốn nghiền nát một tay, một chân. 

Dù tai nạn xảy ra rất lâu nhưng mỗi khi trái gió trở trời thì chị lại bị những cơn đau hành hạ. hiện chị sống nhờ số tiền bảo hiểm hỗ trợ.

Trong nhiều trường hợp bị tai nạn lao động mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, hoàn cảnh của chị Trần Thị Ngọc Trong, sinh năm 1975 ở phường 14, quận 6 khá thương tâm. Đầu chị bị biến dạng, lõm sâu vào bên trong vì mất một mảng sọ bên trái, ngây ngô như đứa trẻ, lúc nhớ, lúc quên.

Trước đây, chị là công nhân vệ sinh, trong một lần làm nhiệm vụ quét dọn đường phố bị xe tông kéo lê đến vài chục mét, gây chấn thương sọ não, lõm hộp sọ, gãy xương sườn và ảnh hưởng nhiều bộ phận khác trong cơ thể, tỷ lệ thương tật lên đến 75%.

Dù giữ được mạng sống nhưng hiện sức khỏe chị rất yếu, di chuyển khó khăn. Đã hơn 80 tuổi, bà Trần Thị Nho, mẹ của chị Trần Thị Ngọc Trong hàng ngày vẫn phải chăm sóc cho chị. Bà tâm sự gia đình thì khó khăn, vất vả lắm. Mẹ con phải ráng lo cho nhau chứ bây giờ bỏ cho ai. Con bị như vậy thì phải ráng tranh thủ lo cho con. Lúc con đi không được phải tập vật lý trị liệu, tập ròng rã mấy tháng trời.

Theo thống kê của ngành chức năng, hàng ngàn vụ tai nạn trong lao động xảy ra hằng năm đã gây thiệt hại rất lớn về nhân mạng và tài sản. Vì những sơ suất, bất cẩn, chủ quan, thiếu kiến thức và thiếu trang bị phương tiện an toàn trong quá trình làm việc đã có không ít trường hợp người lao động phải gánh chịu những nỗi đau dai dẳng mà không có gì có thể bù đắp được./.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo