Phát triển công nghệ vi cơ điện tử: Đào tạo nguồn nhân lực xứng tầm - Thời sự 5g30 30/10/2018

(VOH) - vi cơ điện tử là ngành công nghệ cao được Thành phố ưu tiên phát triển, đặt ra cho các bên liên quan từ Nhà nước – doanh nghiệp – viện trường phải có sự đầu tư đồng bộ để cùng phát triển.

Trong việc xây dựng đô thị thông minh, các loại cảm biến chế tạo bằng công nghệ vi cơ điện tử - hay còn gọi là MEMS, có nhiều ưu điểm vượt trội như: kích thước nhỏ gọn, tiêu thụ ít năng lượng, dễ dàng tích hợp. Do đó, các loại cảm biến MEMS được sử dụng để thu thập các số liệu quan trắc một cách tự động, trực tuyến và chính xác. Với tầm quan trọng đó, vi cơ điện tử là ngành công nghệ cao được Thành phố ưu tiên phát triển, đặt ra cho các bên liên quan từ Nhà nước – doanh nghiệp – viện trường phải có sự đầu tư đồng bộ để cùng nhau phát triển lĩnh vực này. Mời quý vị nghe bài “Phát triển lĩnh vực vi cơ điện tử - Đào tạo nguồn nhân lực xứng tầm” do Phóng viên Thùy Linh thực hiện:

Farmbox là tên gọi của một ứng dụng công nghệ, mục đích là làm giảm đi những khó khăn trong canh tác truyền thống. Người nông dân nhờ công nghệ này có thể theo dõi sự thay đổi các điều kiện môi trường nông trại gồm ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, dinh dưỡng….Ứng dụng còn dự báo và phòng ngừa các rủi ro ảnh hưởng đến nông trại sớm nhất. Bên cạnh khả năng quản lý, Farmbox còn kết hợp với vô số thiết bị thông minh để biến nông trại bình thường thành nông trại thông minh. Đây cũng là một minh chứng điển hình cho việc ứng dụng công nghệ vi cơ điện tử vào sản phẩm nghiên cứu. Đỗ Minh Tân – người sáng lập công ty khởi nghiệp Agrhub, chủ nhân của dự án Farmbox cho biết: “Mems, nói một cách chính xác là liên quan đến vi mạch, cảm biến. Những thiết bị này là thành phần cấu tạo cơ bản nên phần cứng của sản phẩm này, mình áp dụng vào trong đó. Nếu mình so sánh với những năm trước, khi chưa có những cảm biến tiết kiệm điện, kích thước nhỏ thì thiết bị khá to, tiêu tốn nhiều điện năng. Còn bây giờ có thiết bị cảm biến, không dây hết rồi. Thời gian sử dụng cũng lên tới 2 năm mới cần thay pin. Nhờ vậy, mình giảm giá thành cho thiết bị, tăng tính tiện dụng cho khách hàng”

Không chỉ vậy, những ứng dụng trong công nghệ vi cơ điện tử đã được cụ thể hóa bằng một số dự án nghiên cứu khoa học bước đầu đã được chuyển giao, giải quyết những vấn đề bức xúc của Thành phố. Ứng dụng cảnh báo ngập lụt, tên gọi đầy đủ là Dự án Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ vi cơ điện tử trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước, do Trung tâm Nghiên cứu – Triển khai của Khu Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu và sản xuất. Hiện ứng dụng này được TP thí điểm giám sát cảnh báo ngập lụt, giá thành rẻ hơn sản phẩm ngoại nhập rất nhiều. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết thêm, một dự án khác cũng vừa ký kết với TP, đó là xây dựng một hệ thống quan trắc tình trạng chịu tải của các cầu và các công trình quan trọng, có thể tính được tuổi thọ của nó. Đây là những dạng điện trở nhưng trong thế hệ mới, nó có độ nhạy cao hơn rất nhiều so với thế hệ cũ, dưới sự hợp tác hỗ trợ của tổ chức Nhật Bản. Dự kiến, Khu Công nghệ cao sẽ gửi người sang Nhật để học tập, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Ông Lê Hoài Quốc cũng trăn trở về bài toán nhân lực trong ngành này: “Phải nói rằng, nguồn nhân lực cho ngành này là vấn đề mang tính thách thức, bởi vì các trường đại học hiện nay không dạy chuyên sâu trong lĩnh vực này, từ thiết kế cho tới chế tạo. Do đó, các hãng buộc phải chọn những sinh viên tốt nghiệp từ những ngành nghề gần nhất, để rồi từ đó họ đào tạo thêm. Hiện nay, cũng đang trong quá trình này, chính Trung tâm R&D của Khu Công nghệ cao cũng đang phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực này”

Tại Việt Nam, nghiên cứu về vi cơ điện tử bắt đầu từ những năm 2000 tại một số trường đại học và viện nghiên cứu. Lĩnh vực này cũng đã được các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu, nhiều kết quả đã được đưa vào ứng dụng, công bố trên tạp chí chuyên ngành. Tại Đại học Quốc gia TPHCM, đã có nhiều nhóm nghiên cứu được hình thành thông qua chương trình hợp tác quốc tế. Dự án tiêu biểu có thể kể đến là nghiên cứu ứng dụng công nghệ Mems để điều khiển môi trường nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Lương Mô, cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM, là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực công nghệ vi mạch trên thế giới, chúng ta nên đào tạo nhân lực lĩnh vực vi cơ điện tử theo phương thức đào tạo On The Job Training, nghĩa là cầm tay chỉ việc. “Thật ra các trường đại học không đào tạo về mems. Vậy, nên đào tạo ở đại học hay đào tạo theo phương thức On The Job. Tức là, người ta đã có kiến thức cơ bản về điện tử, về công nghệ, nhất là kiến thức về công nghệ cao, công nghệ bán dẫn. Tôi nghĩ cách làm này sẽ tốt hơn và dễ hơn là việc bây giờ ta mở chương trình này trong đại học, tôi nghĩ nó không thực tế” - Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết

Về vấn đề này, hiện Thành phố đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực thiết kế vi cơ điện tử tại Nhật Bản. Cùng nhiều giải pháp khác để phát triển ngành công nghệ này như: tăng cường hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ…Đặc biệt, đối với các dự án sản xuất vi mạch điện tử, mạch tích hợp, cảm biến được Thành phố đưa vào Chương trình kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mỗi dự án là 200 tỷ đồng. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP cho hay, hiện nay TP được Chính phủ cho thí điểm thành lập Ban chỉ đạo vi mạch để làm thế nào phát triển ngành này thành ngành công nghiệp. Việc xây dựng công nghệ vi cơ điện tử cần thiết cho việc đáp ứng thiết bị công nghệ điện tử để xây dựng những dịch vụ điện tử, phục vụ đời sống người dân. Vì vậy, cần phát triển vấn đề chiến lược này một cách đúng hướng: “Khi Thành phố triển khai xây dựng đô thị sáng tạo, nhằm mục đích liên kết và phát huy thế mạnh của Thành phố. Ví dụ, quận 2 là khu đô thị mới về thương mại, dịch vụ, trung tâm tài chính quốc tế. Còn ở quận 9 thì có Khu Công nghệ cao có những tập đoàn lớn để đưa những công nghệ mới, hiện đại nhất từ nước ngoài về gắn với những sản phẩm công nghệ của Việt Nam. Còn ở Thủ Đức, chúng ta có Đại học Quốc gia TPHCM với khoảng gần 60.000 sinh viên, là nguồn nhân lực có thể giúp cho Thành phố nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm mới. Đây cũng là nguồn nhân lực cung cấp cho các khu công nghệ cao mà Thành phố dự kiến phát triển với hàm lượng chất lượng cao”

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự phát triển trong lĩnh vực này của Thành phố: “Hiện nay, về lĩnh vực phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ quốc gia, đặc biệt là chương trình về đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có những chính sách cụ thể. Có những vấn đề mang tính vĩ mô, nhưng cũng có những chương trình cụ thể mang tính thúc đẩy phát triển. Riêng lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi cơ điện tử hiện nay thì chúng tôi đang có một chương trình hợp tác giữa Bộ với TPHCM. Hai bên sẽ bàn để có chính sách cụ thể cho lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng sẽ có đột phá trong thời gian tới”

Trong thời gian qua, Thành phố đã ký kết hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viettel, VNPT….và các tổ chức quốc tế, thành lập Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Từ những khởi động đầu tiên của Thành phố, đến nay Thành phố đã có tên trên bản đồ vi mạch thế giới, bước đầu tạo ra những yếu tố ban đầu của Hệ sinh thái vi cơ điện tử. Tuy chỉ mới là những bước đi đầu tiên, nhưng những kết quả ban đầu từ công nghệ vi cơ điện tử đã thể hiện sự đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đô thị thông minh. Đây còn là một trong số 8 trụ cột của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP giai đoạn 2017 – 2020, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

Thùy Linh

VOH

Bình luận

Đọc Báo