Phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn – Thời sự 5h30 ngày 14/10/2017

(VOH) - Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giai cấp nông dân, của nông nghiệp và nông thôn.

Trong đó, giai cấp nông dân đã từng bước khẳng định được vai trò của mình, góp phần phát triển nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều vấn đề như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giữ vững được sự ổn định và phát triển. Diện mạo nông thôn cũng ngày càng đổi mới. Đóng góp vào sự thành công của công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn là lực lượng nông dân giàu ý chí, nghị lực, cần mẫn lao động, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để làm giàu cho gia đình, xã hội.

Đặc biệt, từ năm 2012-2017, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.

Ảnh minh họa. 

Ông Huỳnh Đoàn Thông, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, không chỉ sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường Nhật Bản, còn thành lập công ty để sản xuất hạt giống chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh cung cấp cho thị trường trong nước. Với diện tích sản xuất khoảng 18ha, doanh thu của công ty đạt khoảng 8 tỷ đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động. Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, ông còn được công nhận danh hiệu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.

Theo ông Thông, để đạt được thành công, nông dân cần phải đổi mới: “Trong tình hình hội nhập hiện nay, tôi thấy nông dân phải thay đổi toàn diện. Thứ 1 là nâng cao kiến thức về nông nghiệp, tiếp thu những kinh nghiệm, tiến bộ khoa học nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm vừa sạch vừa an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, giúp cho bản thân gia đình mình có thu nhập cao, ổn định, đồng thời góp phần làm giàu cho địa phương. Thứ 2 là nông dân phải biết liên kết với nhau để tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa, đủ lớn về mặt số lượng, đồng nhất về chất lượng thì sản phẩm của nông dân mới được tiêu thụ dễ dàng. Đồng thời phải có kiến thức tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường”     

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đây là cuộc cách mạng sâu rộng ở nông thôn, vì vậy cần phải phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chương trình này. Ngoài việc trực tiếp sản xuất, phát triển đời sống kinh tế, nông dân còn tham gia hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là sự đóng góp, ủng hộ nhiệt tình của nông dân trong phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, sẵn sàng hiến đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình điện, trường học, trạm y tế, chợ góp phần mang lại diện mạo mới cho nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Be, nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh đã hiến đất với diện tích khoảng 1.500m2 để phát triển hệ thống đường, kênh mương ở địa phương, cho biết: “Việc Nhà nước và nhân dân cùng làm thì nông dân hiến đất làm đường, mở mang bộ mặt mới của nông thôn mới. Đất nằm theo kênh, hiến đất làm cho kênh rộng ra, chủ động nguồn nước, chống được ngập, đường đi mai mốt mình vận chuyển hàng hóa rất dễ. Nói chung là phải hiến đất để có đường đi, nếu mình không hiến, ai cũng như vậy thì không có lối đi, đường không mở rộng được, xe cộ hay vận chuyển các thứ rất khó khăn”    

Thấm nhuần tư tưởng “lá lành đùm lá rách”, nông dân còn quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. Trong đó, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để giúp những hộ nông dân nghèo sản xuất ngày càng hiệu quả. Bà Cao Thị Hòa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, cho biết Câu lạc bộ có nhiều hoạt động ý nghĩa:

 “Từ năm 2010, mới đầu mình chỉ phát 24 suất học bổng/năm, hỗ trợ học bổng cho con em nông dân. Các năm sau, số suất học bổng tăng lên rồi bảo hiểm y tế cho hộ có hoàn cảnh khó khăn thì mình cũng tặng bảo hiểm. Mỗi năm như vậy mình tặng từ 5-10 thẻ bảo hiểm. Mỗi năm câu lạc bộ vận động tặng 2 con bò. Ngoài ra, đối với những hộ khó khăn về vốn, thì cho mượn vốn, một năm sau hoàn lại không lấy lãi. Mỗi năm như vậy từ 15-20 triệu đồng cho 1 hộ, năm nào cũng hỗ trợ, giúp cho 2 hộ”   

Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, Hội Nông dân đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, chăm lo cho đời sống của nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân học tập, lao động, nâng cao trình độ, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những bức xúc của bà con. Đặc biệt, trong những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã đồng hành cùng bà con nông dân, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Thành phố khẳng định:  “Cho đến hiện nay, tổng nguồn vốn của thành phố và quận huyện khoảng 120 tỷ, và vừa qua theo đề nghị của Hội Nông dân Thành phố thì UBND Thành phố cũng ủy thác thêm 60 tỷ để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của bà con nông dân, qua đó cải thiện đời sống của nông dân. Đánh giá trong nhiều năm qua thì các mô hình sản xuất của bà con nông dân được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thì chúng tôi thấy rất hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn là rất thấp, chứng tỏ bà con sử dụng đồng vốn có hiệu quả”

Để phát huy hơn nữa truyền thống kiên cường, cần cù lao động, sáng tạo của giai cấp nông dân, phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2017) và tuyên dương “Nông dân tiêu biểu thành phố” lần thứ X năm 2017, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, đề nghị Hội cần tiếp tục củng cố, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động:

 “Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, gắn với phát triển nông nghiệp đô thị để nâng cao điều kiện sống của nông dân thành phố. Vận động nông dân phát huy sáng kiến, năng động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh theo hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Chủ động phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng, lựa chọn hội viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để giới thiệu cho cấp ủy, tạo nguồn phát triển và nguồn quy hoạch cán bộ hệ thống chính trị các cấp”       

Không chỉ là lực lượng sản xuất chủ yếu, nông dân còn là đối tượng trực tiếp hưởng thụ những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, cần tăng cường phát huy vai trò của nông dân, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nông dân chủ động, tích cực sản xuất. Song song đó, cần phải củng cố, xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống của nông dân, khích lệ nông dân thi đua sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và cống hiến cho quê hương, đất nước.

  Trúc Mai

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo