Phân loại rác tại nguồn: ‘Dễ mà không dễ’ - Thời sự 11g00 19/04/2019

(VOH) - Trên thực tế sau khi có quyết định 44 của UBND TP về việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn thì hầu hết các quận, huyện đều chọn vài phường, xã, thị trấn triển khai thí điểm.

Bài 3: “Đồng bộ hạ tầng đi đôi với tuyên truyền, vận động ”

Ban đầu ghi nhận có chuyển biến trong ý thức của người dân, có sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, đơn vị, chi, tổ hội ở địa phương. Nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ khi hạ tầng, phương tiện thu gom xử lý, kinh phí tổ chức thực hiện, cách thức tuyên truyền còn chưa đồng bộ.

Theo quy trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quyết định 44/2018 của UBND TP.HCM, việc thu gom rác sẽ thực hiện cách ngày. Rác hữu cơ sẽ được thu gom vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật; ba ngày còn lại thu gom rác tái chế và chất thải còn lại.

Tuy nhiên, theo khảo sát ở nhiều quận, huyện cho thấy rác sinh hoạt phần lớn vẫn được người dân cho chung vào một bịch nilông rồi đem để trước cửa nhà cho nhân viên đến thu gom. Trong đó cũng có số ít hộ dân tiến hành phân loại rác tại nguồn chủ yếu thanh 2 loại: rác hữu cơ dễ phân hủy và rác còn lại.  Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sau thời gian thực hiện thí điểm có 5 quận, huyện đã vận chuyển trực tiếp chất thải hữu cơ sau phân loại đến khu xử lý chất thải của TP gồm quận 1, quận 5, quận 6, quận 12 và quận 8.

Ảnh minh họa. 

Khối lượng chất thải hữu cơ vận chuyển đến 2 khu xử lý năm 2018 là trên 6.400 tấn/tháng, trong tháng 01 năm 2019 là trên 6.600 tấn/tháng. Con số này còn khá khiêm  tốn so với khối lượng rác thải hiện nay của Thành phố.

Nguyên nhân do các địa phương đến nay vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ từ quá trình phân loại đến thu gom, xử lý chất thải rắn sau phân loại nên hiệu quả đạt được còn thấp. Bên cạnh đó tần suất và hiệu quả tuyên truyền vận động tại các địa phương chưa phát huy được hiệu quả.

Thậm chí nhiều nơi người dân còn chưa biết thông tin, thêm vào đó số lượng lớn người vãn lai không tiếp cận chương trình cũng đang là rào cản không nhỏ cho quá trình triển khai phân loại rác tại nguồn.

Trước thực tế này, sau đợt khảo sát tại các quận, huyện vừa qua với khá nhiều nguyên nhân còn tồn tại, Ông Nguyễn Minh Nhựt , Phó Trưởng Ban, Ban đô thị Hội đồng Nhân dân TP đưa ra 1 số ý kiến: “Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý lực lượng thu gom rác dân lập. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta nên triển khai đồng loạt trên toàn TP hơn là triển khai theo từng cụm dân cư. Vì khi triển khai toàn TP thì sự đồng bộ từ từ sẽ hình thành. Nếu chúng ta co cụm thì người dân và cơ quan thực hiện vẫn dòm ngó qua lại thì sẽ vẫn dậm chân tại chỗ. Và câu chuyện cuối cùng là phải kiểm tra, giám sát”.

Hiện phương tiện thu gom còn thô sơ, chính sách cho vay chuyển đổi phương tiện thu gom còn vướng chưa triển khai được. Thêm vào đó mỗi quận, huyện có một đặc thù riêng, do đó cần xây dựng một đơn giá riêng sao cho phù hợp, kèm theo đó là kế hoạch và thời gian thu gom phải hợp lý. Riêng công tác tuyên truyền cần phải xây dựng liên tục, lâu dài hướng đến từng đối tượng cụ thể ở từng địa phương. Tránh trường hợp thời gian qua người được tuyên truyền thường chỉ là người lớn tuổi, trẻ em thậm chí người giúp việc nên hiệu quả chưa được tối ưu.

Trước thực tế này, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP  đề ra 1 số giải pháp cho thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn: “Tập trung cho việc kiểm tra, đánh giá và cùng với quận huyện ghi nhận các cơ chế chính sách của TP đã ban hành xem coi đã phù  hợp hay cần những điều chỉnh gì để đáp ứng yêu cầu triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn TP đưa ra. Bên cạnh đó có những giải pháp tuyên truyền sâu rộng để từng hộ dân trong mỗi gia đình phải nắm được chương trình này. Làm sao cùng với các quận phải triển khai đại trà vì hiện nay việc triển khai đang còn hạn chế.”

Về kế hoạch lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết sẽ khuyến khích các nhà sản xuất túi thân thiện với môi trường, sản xuất hai túi màu xanh, đen để chứa rác hữu cơ và rác còn lại. Thiết lập các điểm thu gom chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng như: chai nhựa, túi nilong trên địa bàn quận, huyện để người dân trao đổi, tích lũy điểm để mua các sản phẩm tiêu dùng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai và có phương án tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải riêng sau phân loại.

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng xác định tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, nên các địa phương cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới với nhiều việc làm cụ thể phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch phường Bến Nghé, quận 1 cho biết: “Phường xác định phân loại rác cần phải duy trì thường xuyên. Tổ chức họp tổ dân phố, nhắc nhở bà con chấp hành. Phường kiến nghị nên tuyên truyền ở phạm vi diện rộng trên địa bàn thành phố để mọi người cùng nắm bắt được.”

Đứng trước thách thức với số lượng dân cư tập trung đông, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều chung cư, Ông Lưu Quang Huy Quang, Phó Chủ tịch phường 5, quận 8 cũng đưa ra 1 số giải pháp: “Rút kinh nghiệm tuyên truyền đến từng gia đình. Phát bao rác, ticker tạo thói quen cho người dân. Phấn đấu năm 2019 trên 50%.”

Song song với việc đồng bộ các giải pháp về kinh phí, hạ tầng, phương tiện thu gom, xử lý cũng như các chế tài, quy định cần phải cụ thể, chặt chẽ hơn thì công tác tuyên truyền cần phải đi vào chiều sâu, hướng đến từng đối tượng cụ thể.

Về vấn đề này, Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố, cho biết: “Chúng tôi đặt ra là làm đảm bảo truyền thông đồng bộ tiếp cận được mọi đối tượng trên địa bàn thành phố. Phát huy mọi thành phần nhân dân bảo vệ môi trường.”

Hiện nay, chất thải sinh hoạt của TPHCM vẫn phải chôn lấp, tỷ lệ xử lý thành phân bón không nhiều. Do đó phải mất rất nhiều diện tích để chôn lấp, hơn nữa còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm, ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, phân loại rác sinh hoạt tại nguồn là việc làm cấp thiết hiện nay vừa đem lại lợi ích rất lớn trong bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý rác thải cho thành phố và về lâu dài người dân cũng có lợi nếu thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn.

Triển khai chủ trương mới thì khởi đầu bao giờ cũng sẽ có khó khăn nhất định khi các khâu, các bộ phận chưa đồng bộ, quy định chưa phù hợp thực tế. Tuy nhiên với chủ trương phân loại rác tại nguồn của thành phố là việc làm đúng đắn về lâu dài mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường sống của người dân nên chắc chắn việc triển khai sẽ thuận lợi và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân thành phố ngay trong quý 2 này.

Ngọc Phong – Phương Dung  

Ngọc Phong – Phương Dung  

Bình luận

Đọc Báo