Phần 2: Mô hình giáo dục mới cho người học trong thế giới phẳng

(VOH) – Cùng với sự thay đổi từ khung chương trình, khâu quản trị, đội ngũ nhân sự …. các trường đại học phải cung cấp cho người học những kỹ năng, kiến thức, tư duy sáng tạo.

Người học trong thế giới phẳng là phải được trang bị khả năng thích nghi với yêu cầu công việc thay đổi liên tục, tránh nguy cơ bị đào thải. Trong thế giới phẳng như hiện nay, nhiều trường đại học đã mạnh dạn thay đổi phương thức giáo dục truyền thống, tạo ra nhiều không gian mở cho người học, với tiêu chí “lấy người học làm trung tâm”.

Năm ngoái, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng Robot. Bởi vì, sử dụng từ 10 – 20 nhân viên thì nay chỉ còn cần từ 2 -3 người để quản lý. Foxcom cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng robot. Năm 2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra dự báo đáng lo ngại hơn rằng, sẽ có khoảng 95 triệu lao động bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới tại Mỹ và Anh. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo không chỉ đe doạ việc làm của nguồn nhân lực trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu các trường đại học, cái nôi đào tạo nguồn nhân lực, vẫn theo phương pháp đào tạo truyền thống thì người học khó có thể tiếp cận, trang bị những kiến thức, kỹ năng mới. Họ sẽ nhanh chóng bị sa thải và nhường chỗ cho những lao động lành nghề hơn, thậm chí là robot thay thế.

Ảnh minh họa. 

Sinh viên Ngọc Ký, Trường Đại học Văn hoá TPHCM nêu ý kiến: “Khi không rõ hoặc không hiểu vấn đề nào đó, mình có thể lên mạng để tìm kiếm đáp án. Khi có thông tin nào mới nhất trên thế giới diễn ra, nó cũng giúp mình biết rất nhanh. Nói khái quát, CMCN 4.0 đem lại nhiều hiệu quả cho bản thân lẫn công việc. Tuy nhiên, nó đòi hỏi con người phải luôn sáng tạo, nhanh nhẹn, khả năng tư duy cao, vì nếu không sẽ dễ bị đào thải, tụt hậu.”

Dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba – là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất giữa của các loại công nghệ, xoá nhoà ranh giới giữa các lĩnh vực. Trong đó, vai trò của công nghệ thông tin là cực kỳ quan trọng. Nắm bắt những đặc trưng này, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM áp dụng công nghệ số triệt để, từ trong chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đến các hoạt động khác.

Hiện tại, các buổi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp của sinh viên năm cuối đều được đưa lên trang mạng xã hội của trường để các nhà tuyển dụng dễ dàng tiếp cận thông tin ứng viên phù hợp. Kết quả, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đặt hàng sinh viên cho các vị trí trong công ty của mình.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường cho hay, việc ứng dụng công nghệ số là xu thế của thời đại, được nhà trường nhanh chóng bắt kịp và áp dụng ngay vào dạy học.

“Nhà trường hiện nay đi theo mô hình mới, ở chỗ tạo ra các không gian kỹ thuật để sinh viên có thể học qua cách làm, gọi là Learning-by-Doing. Lâu nay, các trường đại học dạy lý thuyết hơi nhiều, sau đó quẳng sinh viên ra bên ngoài cho họ tự thực tập thì không có hiệu quả cho lắm. Bây giờ, chúng tôi tạo sân chơi học thuật, tạo môi trường để người học có thể tạo ra sản phẩm ngay trong ghế nhà trường. Chính việc tạo ra sản phẩm như vậy, nên các em học được rất nhiều.” – Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói.

Chuyển mình từ đại học truyền thống sang đại học 4.0, là hướng đi đúng đắn của giáo dục đại học. Trong đó, một mô hình giáo dục đại học kiểu mới mà nhiều trường hiện đang theo đuổi, đó là mô hình trường đại học liên kết với doanh nghiệp, lý luận gắn liền với thực tiễn. Theo đó, chương trình lý thuyết được đào tạo tại trường, chương trình thực hành được đào tạo trực tiếp tại môi trường doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người học nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học, nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy độc lập và tự học tự thực hành.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, trường đẩy mạnh chiến lược “liên minh” với doanh nghiệp. Đến nay, trường đã hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực từ công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn, truyền thông. Bên cạnh đó, các Câu lạc bộ doanh nghiệp của trường cũng thường xuyên hoạt động tích cực, tạo cơ hội cho sinh viên sớm tiếp cận thực tế.

 “Mục tiêu giá trị đích thực của giáo dục đào tạo là phải gắn với thế giới việc làm. Do đó trường ký kết rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan dịch vụ để làm sao đưa sinh viên từ năm thứ nhất đã được đến thực tập và định hướng nghề nghiệp cho các em. Cho nên 4 năm sau các em ra trường không chỉ có bằng đại học mà còn có trải nghiệm ở doanh nghiệp.” - phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Thực tế, việc bắt tay với doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài tạo ra nhiều lợi ích cho người học khi được tiếp cận môi trường thực hành, nghiên cứu khoa học mang tính toàn cầu. Việc Tập đoàn về dược hàng đầu Colorcon, Hoa Kỳ đặt phòng thí nghiệm thực hành của họ tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, kèm theo đó hệ thống phòng thí nghiệm, thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế, đã mang lại cho sinh viên cơ hội được thực tập trong môi trường quốc tế, như chia sẻ của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Dược Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

“Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển trong đào tạo, đặc biệt là trong phát triển khoa học công nghệ. Quan trọng hơn nữa, khi họ đặt phòng thí nghiệm tại trường, họ cung cấp phương tiện cơ sở vật chất, đội ngũ hỗ trợ trong vấn đề đào tạo, sinh viên có thể vào thực tập trong những phòng lab hiện đại đó”

Người học ra trường có việc làm, có kỹ năng là sứ mệnh cốt lõi của trường đại học. Ngày nay, bằng đại học đã không còn là chiếc chìa khoá vạn năng, bởi ngoài bằng cấp, người lao động cần phải hội tụ đủ kiến thức thực tiễn, phải chứng tỏ được trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề thật tốt. Với yêu cầu mới hiện nay, các trường đại học phải hướng đến mục tiêu là đáp ứng nhu cầu giáo dục đại chúng, tri thức hóa nguồn nhân lực, trang bị cho người học khả năng tự học, khơi dậy tinh thần hiếu học, sáng tạo khởi nghiệp, giúp họ phát triển mọi tiềm năng nhằm thích ứng với một xã hội đang thay đổi.

Từ những thay đổi tích cực của nhiều trường đại học nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể cảm nhận sức nóng của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này với những chuyển động rõ rệt. Mặc dù còn nhiều tranh luận giai đoạn nào Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, thế nhưng đại học phải là một đơn vị tiên phong để đón đầu các thách thức mà nó mang lại.

 

Thuỳ Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo