Phần 1: Các trường đại học “chuyển động” trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(VOH) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực. Liệu trí tuệ nhân tạo có quyết định thay con người dặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục? Bài 1: Các trường đại học “chuyển động” trước Cuộc cách mạng 4.0 trong loạt bài: Thách thức của giáo dục đại học trước Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Thùy Linh sẽ đề cập đến nội dung nầy

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra một thách thức lớn đối với việc đào tạo nhân lực của đại học. Vì vậy, giáo dục đại học Việt Nam phải có những thay đổi sâu sắc để đối mặt với vấn đề này nhằm tồn tại và phát triển. Bởi theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly, chuyên gia giáo dục hàng đầu, lý do để trường đại học tồn tại, đó là:  “Trường Đại học của chúng ta hiện nay không đáp ứng kịp so với thay đổi bên ngoài. Vì thế vấn đề sống còn của đại học là phải đáp ứng với bối cảnh bên ngoài. Hơn lúc nào hết, các trường đại học phải nghĩ về bối cảnh xung quanh chúng ta, nhu cầu xã hội xung quanh chúng ta. Quan trọng nhất là trường phải đáp ứng được những sự thay đổi đó. Khi nào mà sinh viên chúng ta đào tạo ra khác hẳn với những em không được đào tạo, thì khi đó trường đại học mới có lý do để tồn tại".

Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về khoa học và công nghệ Nhật Bản, đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể hiểu gói gọn ở việc sản xuất thông minh dựa trên đột phá của công nghệ số. Do đó, khoa học dữ liệu đóng vai trò quan trọng và đó là một lĩnh vực được các nước trên thế giới quan tâm và đầu tư rất lớn trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, cần hiểu rõ tầm quan trọng của khoa học dữ liệu và các trường đại học nên gánh vác sứ mạng này.

“Tôi nghĩ các trường đại học ở VN, trong chương trình đào tạo về công nghệ thông tin của mình cũng có nhiều phần liên quan đến khoa học dữ liệu. Ví dụ, nhiều nơi dạy về trí tuệ nhân tạo, về thống kê, khai phá dữ liệu. Đương nhiên, bây giờ những đột phá đã đến gần hơn nên những chương trình đó cũng cần phải thay đổi, cần đào tạo ra nhiều người hơn và đào tạo một cách hệ thống hơn”, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo nhận định.

Thật vậy, không đứng ngoài xu hướng số hóa, Đại học RMIT Việt Nam cũng đã chuyển động rất sớm, thông qua việc số hoá tài liệu giảng dạy. Từ năm ngoái, trường đã chuyển đổi gần 20.000 sách giáo khoa giấy sang định dạng trực tuyến, đồng thời khuyến khích sinh viên khai thác tối đa nguồn tư liệu trực tuyến với hơn 300 dữ liệu, 300 ngàn sách điện tử và 120 ngàn tài liệu nghiên cứu. Giáo sư Gael McDonal, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam thông tin thêm cũng từ năm ngoái, đã chuyển 17 môn học trọng tâm thuộc các ngành học lớn sang hình thức học tích hợp, đảo ngược và truyền tải theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Ưu tiên là đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số vào học tập và giảng dạy.

Đại học Nguyễn Tất Thành - Sinh viên được trang bị thư viện hiện đại

Có bốn nhân tố quan trọng tương tác lẫn nhau trong mỗi đại học, quyết định đến sự thay đổi, đó là Nhân lực; Đào tạo; Nghiên cứu và Tự thay đổi. Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho hay trường đã và đang thực hiện các thay đổi về đào tạo, nghiên cứu, xây dựng đội ngũ và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của trường. Trong đó, cam kết về chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt trong sự chuyển động này. Hiện Trường Đại học Bách khoa là trường đại học có số lượng chương trình được kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế đứng đầu Việt Nam, với 11 chương trình đạt kiểm định khu vực AUN, 7 chương trình đạt chuẩn kiểm định Châu Âu. Đặc biệt là 2 chương trình duy nhất ở VN đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ, là chương trình Khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính. Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là một thách thức cho những người đào tạo nguồn nhân lực như trường đại học, đặc biệt là một trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu, vừa đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến kỹ thuật công nghệ; vừa là nơi sáng tạo ra trí thức.

“Đặc thù của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tích hợp của các loại hình kỹ thuật và công nghệ khác nhau, từ đó nó dẫn đến sự đòi hỏi nguồn nhân lực cũng phải có những mảng kiến thức tích hợp. Từ xưa giờ, truyền thống đa phần chúng tôi vẫn đào tạo theo hướng chuyên ngành. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mới này chúng tôi cũng đang có kế hoạch mở thêm và đào tạo chương trình theo hướng liên ngành là tích hợp các ngành lại với nhau, để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội cũng như nền sản xuất”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, trụ cột của một trường đại học bao gồm chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Ba yếu tố này chẳng những tăng cường kết nối để làm sao cho chất lượng đào tạo được nâng lên ở mức cao nhất, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải thay đổi: Đơn cử, đối với chương trình đào tạo thì không chỉ là khung chương trình như vài chục năm trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến khung chương trình. Nhưng hiện nay, quan tâm hơn chính là cái cách để truyền tải nội dung chương trình đến cho sinh viên như thế nào, phải dùng các công cụ của thời đại kỹ thuật số như: phương tiện truyền thông, công cụ giảng bài, phần mềm… tất cả những thứ đó đòi hỏi bản thân giảng viên cũng phải tiếp cận được và áp dụng vào trong bài giảng của mình”. 

Đại học RMIT, sinh viên trải nghiệm công nghệ thực tế ảo. 

Tiến sĩ Nghĩa cũng phân tích thêm, hiện nay trong Cách mạng công nghiệp 4.0, một trong các chỉ số rất quan trọng đó là sự chuyển đổi sinh viên giữa các nước với nhau. Chúng ta có khoảng 130.000 sinh viên đã ra nước ngoài học tập, nhưng số sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học khá ít, mất cân đối, khoảng 20.000 sinh viên, trong đó phần lớn từ hai nước lân cận là Lào và Campuchia. Hiện mới chỉ là giao lưu một chiều từ sinh viên Việt Nam ra nước ngoài. Do đó, giáo dục đại học 4.0 cần phải có những phân tích, chiến lược để cho các trường đại học Việt Nam không chỉ là hoà nhập mà còn có thể theo kịp các trường trong khu vực và những trường tiên tiến nhất trên thế giới.

Thùy Linh

Bình luận

Đọc Báo