Phải “phủ sóng” trí tuệ nhân tạo từ bậc phổ thông - Thời sự 05g30 21/03/2019

​​​​​​​(VOH) - Trí tuệ nhân tạo – gọi tắt là AI là lĩnh vực nghiên cứu mới và được các quốc gia trên thế giới chạy đua phát triển một cách mạnh mẽ.

Hiểu đơn giản, AI là cách sử dụng dữ liệu một cách thông minh và hiệu quả. Riêng tại TPHCM, với mong muốn đến năm 2030, TP trở thành trung tâm dữ liệu khu vực Đông Nam Á. Để phát triển theo hướng này, song song với các định hướng chiến lược, hoạch định chính sách, hành lang pháp lý…..thì việc đầu tư vào giáo dục AI là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo nguồn nhân lực AI hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đào tạo về AI không chỉ dừng lại ở bậc đại học chuyên ngành mà còn phải mở rộng ở tất cả các ngành, thậm chí phải đưa cả kiến thức về AI vào các bậc học phổ thông. Có như vậy, mới đảm bảo nguồn nhân lực lĩnh vực AI cho VN trong tương lai. 

Trí tuệ nhân tạo

Ảnh minh họa: techtalk

Để phát triển AI tại VN thành công, ba yếu tố là con người, công nghệ và khởi nghiệp phải song hành với nhau. Từ chính trong môi trường đại học, là nơi khơi gợi đam mê, ý thức tìm tòi, sử dụng AI để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP cho hay, thông qua những cuộc thi liên quan đến AI dành cho học sinh sinh viên, chúng ta biết được AI ở TPHCM đang phát triển như thế nào, chúng ta có bao nhiêu nhóm, doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đang hoạt động hướng vào mảng AI này:

“Với mảng khởi nghiệp, đối tượng học sinh sinh viên, đây là cơ hội lớn, rất nhiều bài toán kinh tế, xã hội của TP cần các em, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào để chúng ta thông minh hóa những giải pháp hiện hữu, những chương trình mà chúng ta đã có trong vài ba năm gần đây rồi, đã được ứng dụng, thì giờ mình có thể làm nó thông minh hóa hơn”

Tại ĐHQG TPHCM, mỗi năm đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Hàng năm các doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu nhân lực phải am hiểu về blockchain, về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên để sinh viên ra trường đáp ứng các kỹ năng đó thì đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi về chương trình đào tạo cũng như giảng viên phải cập nhật kiến thức mới. Nhớ lại những ngày đầu thành lập Trường, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQG-HCM, nhà trường đã có môn học về trí tuệ nhân tạo nhưng thời điểm đó vẫn chưa được xem là quốc sách. Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây, AI cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc rất nhiều, buộc Trường cũng phải chuyển động theo:

 “Chuyển đổi chương trình đào tạo để đưa trí tuệ nhân tạo vào tất cả các ngành, đặc biệt 2 ngành có liên quan trực tiếp đến AI: Khoa học dữ liệu tuyển sinh từ 2018 chỉ tiêu tối thiểu là 50, Khoa học máy tính bao trùm tất cả những gì liên quan đến AI, tuyển sinh từ 200 – 250 sinh viên. Đối với Khoa này thì chúng tôi có lớp cử nhân tài năng. Với lớp này, chúng tôi đào tạo đặc biệt để sinh viên đáp ứng được yêu cầu vừa nghiên cứu, thành những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu. 100% họ có việc làm trong 6 tháng đầu tiên”

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chiến lược đào tạo chuyên gia về AI. Đơn cử, Hàn Quốc có kế hoạch đến năm 2022 đào tạo ra 5.000 chuyên gia về AI, trong đó có 1.600 người làm về khoa học dữ liệu, còn lại là chuyên gia phân tích các dữ liệu. Còn tại VN, đào tạo về AI mặc dù được một số trường đại học triển khai từ lâu, nhưng nên tính đường dài:

“Tôi nghĩ là chương trình đó phải được đào tạo rộng rãi hơn, để mọi người ở những ngành nghề khác nên được giới thiệu về AI. Bởi vì, AI thực chất là dùng dữ liệu trong hoạt động của mình. Thứ hai, giáo trình về AI cũng phải thay đổi, AI thay đổi nhanh nên kiến thức phải được cập nhật. Nếu đi đường dài, chúng ta cũng cần đưa kiến thức AI xuống những cấp học thấp hơn như từ bậc phổ thông”

Đánh giá về năng lực đào tạo lĩnh vực AI tại Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng, hiện nay năng lực đào tạo của chúng ta còn rất giới hạn. Nhiều năm qua, chỉ tiêu các trường về ngành đào tạo này không tăng. Trong khi đó, nhìn sang Đại học Quốc gia Singapore, những năm gần đây họ tăng 5 lần từ quy mô ban đầu 300 chỉ tiêu tăng lên 1500 chỉ tiêu. Dù tăng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Theo lý giải của Trường bạn, bởi vì công nghệ thông tin hiện nay là lĩnh vực rất hấp dẫn, và tuyển được nhiều sinh viên giỏi. Trong khi đó, chúng ta đã hạn chế về chỉ tiêu nhưng cũng còn giới hạn trong đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực AI. Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân nhận định:

“Hiện nay số lượng chuyên gia về trí tuệ nhân tạo được đào tạo bài bản hiện vẫn còn hạn chế. Do đó, cách để mở rộng là các trường đại học chủ động mở các khoá học cho sinh viên học online, trên nền tảng mở để các giáo sư uy tín, chuyên gia hàng đầu về AI trên thế giới dạy. Nhưng phải chấp nhận rằng, nếu các em học và lấy được tín chỉ đó thì mình phải công nhận tín chỉ đó. Nếu làm theo cách này, mình không bị áp lực bởi chuyện phải cần có đội ngũ chuyên gia giỏi, hai là sinh viên có nhiều sự lựa chọn hơn”

Đối với việc đưa AI vào đào tạo ở bậc phổ thông, ông Quân cho rằng trong công nghệ thông tin có nhiều cách để đưa kiến thức này vào, ngoài hình thức đào tạo chính khoá thì có thể đưa vào ngoại khoá, vào những giờ học tăng cường. Chương trình đào tạo có thể do các giáo sư ở những trường đại học biên soạn, tạo nền tảng học sinh phổ thông tiếp cận những kiến thức ban đầu về AI.

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo