Nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Australia – Thời sự 5g30 19/10/2018

(VOH) - Nếu Thủ tướng Scott Morrison quyết tâm hiện thực hóa tuyên bố chuyển đại sứ quán Australia từ Ten Aviv về Jerusalem, có lẽ Australia sẽ “mất” nhiều hơn là “được”.

Chính quyền Australia những ngày qua đang vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của các quốc gia Hồi giáo, A-rập và cả khu vực Trung Đông khi đầu tuần này, Thủ tướng Australia Scott Morrison bất ngờ tuyên bố có thể xem xét chuyển Đại sứ quán từ thủ đô Tel Aviv đến Jerusalem. Điều này cũng đồng nghĩa, Australia có thể sẽ thuận theo quan điểm với Mỹ để công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - vấn đề mà cộng đồng quốc tế phản đối suốt thời gian qua. Theo giới quan sát, đằng sau bước đi chính trị được cho là “mạo hiểm” này, Thủ tướng Australia đang tính toán nhiều điều. Nhưng giới phân tích nhận định khả năng nhà lãnh đạo Australia sẽ “mất nhiều hơn được”.

Tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Australia Scott Morrison cho thấy một sự thay đổi lớn so với các chính quyền tiền nhiệm. Bởi dù là đồng minh của Mỹ nhưng các đời Thủ tướng Australia đều tỏ ra thận trọng trong vấn đề Jerusalem.

Tuy nhiên ngay sau khi Australia có chính quyền mới dưới thời Thủ tướng Scott Morrison, quan điểm này đã bắt đầu thay đổi. Thủ tướng Scott Morrison từng khẳng định rằng “vấn đề qui chế của Jerusalem luôn bị coi là nhạy cảm trong các cuộc tranh luận; nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải đương đầu và giải quyết nó”. Chưa dừng lại ở đó, Thủ tướng Morrison còn cho biết, Australia dự kiến sẽ bỏ phiếu phản đối việc công nhận đại diện Palestine là Chủ tịch của Nhóm G77 gồm các nước đang phát triển tại Liên hợp quốc.

Không ít nguyên nhân đã được chỉ ra đằng sau tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Australia. Trước hết, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử bổ sung sắp diễn ra tại vùng Wentworth, nơi có đông các cử tri Do thái đang sinh sống. Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Tự do cầm quyền ở nơi này đang ở thế bất lợi. Bởi thế, tuyên bố của Thủ tướng Australia được cho là tạo cú hích để thu hút các lá phiếu của cử tri Do thái. Bởi nếu ứng cử viên của đảng Tự do cầm quyền thất bại, điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Scott Morrison sẽ dễ mất đa số ghế trong quốc hội Australia.

Một lý do nữa cần phải nhắc tới, đó là chính sách của Australia dưới thời Thủ tướng Scott Morrison đặc biệt đề cao liên minh Mỹ - Australia. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách của Australia kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8, Ngoại trưởng Australia Marise Payne mới đây nhấn mạnh, quan hệ đồng minh giữa nước này với Mỹ chưa bao giờ quan trọng như hiện nay, khi căng thẳng không ngừng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bởi thế, cũng không quá khó hiểu khi Australia chọn lựa “đứng về phía Mỹ” trong vấn đề gây tranh cãi là Giêrusalem.

Tính toán là vậy, nhưng Thủ tướng Australia có lẽ chưa thể lường trước được phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với tuyên bố của ông. Dù vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhưng việc ông Scott Morrison tuyên bố xem xét chuyển đại sứ quán Australia tại Israel về Jerusalem đã khiến dư luận Trung Đông cũng như các quốc gia Hồi giáo dậy sóng. Đầu tiên là Palestine, nước này nhấn mạnh, Australia đang quá mạo hiểm đồng thời muốn đi ngược lại các quy tắc và nghị quyết của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Đại sứ 13 nước A-rập tại Australia ngay lập tức có cuộc gặp tại thủ đô Can-bê-ra, bày tỏ lo ngại việc Ausatralia cân nhắc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem có thể hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông. Bày tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, Indonesia thậm chí còn cảnh báo có thể xem xét đình chỉ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước này vừa ký với Australia để phản đối tuyên bố của Thủ tướng Australia.

Giới quan sát nhận định, ngoài việc làm hài lòng đồng minh Mỹ, dường như Thủ tướng Scott Morrison đang đánh cược liều lĩnh sinh mệnh chính trị để đổi lấy các mục tiêu chính trị nội bộ ngắn hạn. Việc xây dựng quan hệ đối tác tiềm năng Indonesia là một ví dụ. Việc ông Scott Morrison thực hiện chuyến công du Indonesia ngay sau khi nhậm chức ký kết hàng loạt hợp đồng kinh tế hấp dẫn, đã phần nào lấy lại hình ảnh của đảng Tự do cầm quyền vốn đang sụt giảm nghiêm trọng sau các cuộc đấu tranh nội bộ. Việc đạt được Hiệp định thương mại tự do - FTA với Indonesia cũng đã tạo được dấu ấn cá nhân và gia tăng uy tín chính trị của Thủ tướng Scott Morrison. Tuy nhiên, với tuyên bố về Jerusalem, những nỗ lực và thành quả này của Thủ tướng Australia có thể sẽ “đổ xuống sông xuống bể”.

Theo giới quan sát, việc đứng về phía Mỹ và thay đổi sứ mệnh ngoại giao về tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ khiến cho Australia tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế. Bởi tất cả các quốc gia hồi giáo trên thế giới đều coi Jerusalem là địa điểm tôn giáo linh thiêng của mình. Với tuyên bố này, một điều chắc chắn, tiếng nói và vị thế của Australia trong các hồ sơ quốc tế nóng, đặc biệt là vấn đề hòa bình Trung Đông vì thế cũng suy giảm nghiêm trọng.

Xin nhắc lại rằng, từ trước đến nay, chủ quyền tại Jerusalem luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel coi Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Lật lại lịch sử, năm 1947, khi Israel lập quốc, LHQ đã đề xuất trao 56,47% lãnh thổ Palestine để thành lập nhà nước Do Thái và 43,53% để thành lập nhà nước Ả rập, còn Jerusalem nằm dưới sự quản lý của LHQ. Tuy nhiên, người Palestine đã không chấp nhận đề xuất này và do đó, Jerusalem luôn trở thành tâm điểm tranh chấp giữa các bên cho đến khi Israel chiếm hoàn toàn Jerusalem sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Có thể nói, Jerusalem chính là tâm điểm xung đột giữa các tôn giáo lớn khi Israel đại diện cho Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo trong khi Palestine đại diện cho thế giới Hồi Giáo. Trong khi Israel tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ Jerusalem, thì Palestine luôn coi Jerusalem là thủ đô của mình. Chính vì thế, Jerusalem được coi là vấn đề gai góc nhất trong các hồ sơ Trung Đông.

Trở lại với chính trường Australia, dù đây chưa phải là quyết định cuối cùng, nhưng báo chí Australia đã dùng cụm từ “ngạc nhiển, thất vọng và giận dữ” để mô tả phản ứng của dư luận Australia đối với tuyên bố của nhà lãnh đạo quốc gia. Với hàng tít lớn “Australia đang tự cô lập mình”, tờ Thời báo Syned buổi sáng lược thuật lại phản ứng thất vọng của người dân Australia đồng thời cảnh báo rằng Thủ tướng Scott Morrison đang mạo hiểm tương lai quan hệ của nước này với phần còn lại của thế giới, các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo.

Vì thế, nếu Thủ tướng Scott Morrison quyết tâm hiện thực hóa tuyên bố chuyển đại sứ quán Australia từ Ten Aviv về Jerusalem, có lẽ Australia sẽ “mất” nhiều hơn là “được”. Bởi nếu có giành được sự ủng hộ của cử tri Do Thái và chiếc ghế nghị sỹ tại Sydney, đảng Tự do cầm quyền cũng không vì thế mà cải thiện được hình ảnh lâu dài của mình. Còn nếu tuyên bố về Jerusalem chỉ là bước đi thăm dò phản ứng của người dân, thì đây có lẽ là thời điểm để chính quyền Australia dừng lại đúng lúc.

VOH

Bình luận

Đọc Báo