Những lời tiễn biệt trên sổ tang cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Thời sự 5g30 22/3/2018

(VOH) - Trong 2 ngày 20 và 21/3, tang lễ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã được tổ chức trọng thể cấp quốc gia.

Hàng trăm đoàn đại biểu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xếp hàng lần lượt vào viếng trong không khí trang nghiêm, xúc động. Nhiều vị Tổng Lãnh sự các nước cho biết, trong mối quan hệ với Việt Nam ngày càng bền vững, sâu sắc có sự đóng góp tích cực của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Người dân cả nước đến viếng và tiễn biệt vị Thủ tướng đáng kính, xuất thân từ vùng đất thép Củ Chi trong tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi. Ghi nhận của Phóng viên Hữu Nghị.

Trong dòng người đến viếng, tiễn biệt cố Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương mà có cả những phái đoàn ngoại giao của nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Không chỉ lãnh đạo và người dân Thành phố mà có cả bà con đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước. Có cả những người cùng thời, từng tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng thời có cả những thế hệ hậu sinh biết đến hình ảnh cố Thủ tướng qua những gì mà ông đã làm được cho quê hương, đất nước.

Trong số những người từng tiếp xúc, trò chuyện với cố Thủ tướng, ai cũng có đôi điều nuối tiếc muốn lưu lại trong cuốn số tang đặt trang trọng ở phòng tang lễ. Dòng lưu niệm của Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Nguyễn Thị Thu Hà đó là những kỷ niệm với cố Thủ tướng Phan Văn Khải về bữa cơm thân mật cùng những lời dặn dò ân cần, chu đáo: "Trong lần tiếp xúc đó tôi cảm thấy rất xúc động vì thấy chú nguyên là Thủ tướng Chính phủ nhưng khi về hưu cũng rất giản dị, gần gũi. Lúc ăn cơm, những món ngon chú cũng gắp cho tôi ăn và bảo rằng, ăn để lấy sức khỏe tiếp tục công tác, phục vụ cho Đảng, cho nhân dân. Chú cũng trao đổi những kinh nghiệm với trách nhiệm là Bí thư Quận ủy, tôi phải tập trung những công tác gì để xây dựng Quận Bình Thạnh trong sạch, vững mạnh".

Những dòng chữ đầy ắp cảm xúc như thế dày lên trong cuốn sổ tang, như thay cho những nén nhang thơm mà dòng người đưa tiễn cố Thủ tướng Phan Văn Khải về với cõi vĩnh hằng. Có nét chữ đã rung rung, xiêu vẹo của lớp người cùng thế hệ, có cả những nét chữ nắn nót của học sinh tiểu học. Ngoài tiếng Việt, sổ tang của cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: tiếng Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Dù bằng ngôn ngữ nào đi nữa, đó đều là những tình cảm kính trọng, những lời trân quý cuối cùng mà những người đang sống muốn gửi theo người quá cố. 

Cẩn thận từng nét chữ trên cuốn sổ tang, dòng chữ của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bước như đong đầy “Trước linh cữu của chú Sáu, chúng con rất xúc động, bồi hồi nhớ lại những lần chú Sáu về thăm Trường Mẫu giáo Bông Sen 2 (nay là Trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2). Chúng con rất hãnh diện và tự hào và nguyện cố gắng hết sức để làm tốt hơn nữa công việc trồng người trên quê hương đất thép Củ Chi. Nhắc lại tình cảm của mình đối với cố Thủ tướng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bước xúc động "chúng tôi hay dùng từ thân thương là Anh Hai. Anh Hai thường hay nói “Củ Chi là nơi đầu sóng ngọn gió, đã được nhân dân cả nước đồng tình góp sức đánh đuổi giặc. Do đó, chúng ta phải làm thế nào để xứng đáng với con cháu Bác Hồ. Các anh bộ đội có công đánh giặc thì chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn đất nước, xây dựng đất nước như lời Bác nói là “tốt đẹp hơn 10 lần xưa” như đúng sự mong muốn ấy. Chúng tôi nguyện khắc ghi luôn luôn phải làm tốt, xứng đáng với những gì mà Anh Hai đã nhắc nhở chúng tôi. Có nghĩa là Trường Mẫu giáo Bông Sen 2 luôn làm tốt việc chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu, được phụ huynh và nhân dân tín nhiệm".

Cặm cụi từng dòng chữ ghi lại trong cuốn sổ tang, nguyên cán bộ lão thành cách mạng Trần Đức Nhạ cũng hết sức cảm phục một bậc đàn anh đáng kính về đức độ, phong cách, sự liêm khuyết như cố Thủ tướng Phan Văn khải. Ông Trần Đức Nhạ kể lại: "Chia buồn với gia đình cũng như tất cả nhân dân. Chúng ta đã có một người anh, người bạn, người đống chí, người lãnh đạo, một Thủ tướng hiếm có như thế. Những công lao to lớn của anh. Hôm nay, tôi cũng kể thật, trước khi ra đi Anh Sáu có kể với tôi rằng - “Tôi được anh em quan tâm, tặng cho một ngôi nhà ở ngoại thành để những ngày Chủ nhật rảnh rỗi thì ra nghỉ, nhưng mà bây giờ mình đã quyết định về Trung ương nên trao lại căn nhà này”. Tôi nghĩ hiếm có được người nào như anh, hiếm có những chuyện như vậy. Tôi mới nói rằng, cơ quan đã trao cho anh thì anh cứ giữ và trao cho các cháu ở, nhưng Anh Sáu bảo lại “Không được! Mình phải gương mẫu”. Tôi rất khâm phục anh ở điểm này".

Lễ truy điệu cố Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ bắt đầu từ 7h30 phút sáng 22/3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng sẽ bắt đầu lúc 11h cùng ngày tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM.

VOH

Bình luận

Đọc Báo