Những ký ức không quên về đồng chí Đỗ Mười - Thời sự 17g00 07/10/2018

(VOH) - Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong ký ức những người từng gặp gỡ, tiếp xúc quả thật là một tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị,...

Trong ký ức của những người từng có may mắn gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông hiện lên với hình ảnh một người lãnh đạo hội đủ những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đầy quyết đoán nhưng cũng vô cùng giản dị, gần gũi, rất ham học hỏi và học tập suốt đời.

Nhắc về những kỷ niệm với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Vũ Chí Kiên – Trưởng Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn pháo binh 28 vẫn còn nhớ như in những ngày tháng được tiếp xúc, gần gũi với gia đình nguyên Tổng Bí thư, lúc đó còn là Bộ trưởng Bộ Nội Thương. Bố của ông, cụ Vũ Tiến Liễu - nguyên Chánh Văn phòng tổng hợp của Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật giá (Bộ Nội Thương) - cũng là một trong những cán bộ thường xuyên được làm việc cùng ông Đỗ Mười. Khi đó, gia đình hai bên qua lại rất thân tình, vì ông Đỗ Mười và vợ ông - bà Tạ Thị Thanh rất quý mến các cháu nhỏ của gia đình cụ Vũ Tiến Liễu, thường xuyên đến thăm nom và chơi đùa cùng các cháu. Ông Vũ Chí Kiên khi ấy còn nhỏ, nhưng cũng cảm nhận được sự ấm áp, giản dị toát ra từ ông Đỗ Mười.

Ông nhớ lại, bố ông và ông Đỗ Mười thường bàn công việc rất say sưa, quên cả giờ giấc. Có khi chợt nhớ ra điều gì cần bàn bạc, nhắc nhở, ông Đỗ Mười lại chạy sang nhà riêng của gia đình ông Kiên để cùng thảo luận với người cấp dưới của mình, dù đêm hôm cũng không ngại. Sau này khi trở thành Tổng Bí thư, ông vẫn giữ nguyên tác phong xông xáo, quyết liệt đó. Có khi bàn việc hăng say quá, ông lại nói sang sảng, khiến cảnh vệ phải vội vàng chạy lên nhắc: "Ông Mười và bố tôi thường xuyên gặp gỡ để bàn bạc, tìm ra giải pháp cho những công việc của Đảng và Nhà nước. Tác phong của ông rất giản dị, khi bàn việc thì rất năng nổ, cương quyết, nói rất lớn. Khi ông lên làm Tổng Bí thư, sang nhà bàn chuyện đôi lúc nói lớn quá, đồng chí cảnh vệ phải chạy lên nhắc ông nói nhỏ thôi để còn giữ bí mật. Nhưng tác phong của ông vẫn thế thôi, ngồi chưa được bao lâu thì ông lại đứng lên, đi đi lại lại trong phòng và nói rất say sưa về những suy nghĩ của mình".

Là người từng nắm những cương vị quan trong nhất của đất nước, nhưng cuộc sống riêng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lại rất giản dị. Ông cũng là một người rất ham đọc sách và đọc rất cẩn thận. Trên bàn của ông lúc nào cũng đầy sách, dấu gạch đỏ chi chít. Ông có đặc điểm là 4 giờ sáng đã dậy đọc sách, sức đọc và tinh thần học tập của ông là vô cùng đáng ngưỡng mộ. Có thể nói việc tự học lý luận của ông Đỗ Mười thì không mấy ai bằng. Ông Vũ Chí Kiên nhớ lại, trên bàn làm việc của ông Đỗ Mười có hàng chồng sách về những vấn đề lý luận và khoa học xã hội từ những tác phẩm của Bác Hồ, những sách về chủ nghĩa Mác – Lênin, về xây dựng Đảng và Nhà nước, về các trào lưu học thuật phương Tây, đến các tạp chí lý luận chính trị, từ sách báo chính diện đến phản diện. Ông đọc ngoài giờ làm việc và đọc không biết mệt. Ông có thể bàn luận với bất cứ ai quan tâm, kể cả cán bộ chuyên lý luận về những vấn đề đã đọc, bàn luận say sưa không kém gì bàn về thực tiễn chính trị, kinh tế và quản lý, về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, về công nghiệp khai khoáng... Đối với cấp dưới, ông đối xử chan hòa, gần gũi nhưng cũng rất thẳng thắn, nghiêm khắc: "Đối với các cán bộ của mình đồng chí Đỗ Mười đặt ra những yêu cầu cụ thể, bắt buộc phải giải quyết nhanh, gọn không được lề mề, chậm trễ. Luôn luôn nhắc nhỡ đôn đốc kiểm tra kỹ lưỡng".

Sau này, trước khi lên đường nhập ngũ năm 17 tuổi, ông Vũ Chí Kiên đã đến chào từ biệt người chú đáng kính của gia đình. Ông Đỗ Mười khi đó rất xúc động, nắm chặt tay ông Kiên và căn dặn: “Cháu đi chuyến này là rất chính xác. Chú chúc mừng cháu, hy vọng cháu chiến đấu tốt, mang về thành tích cho Đảng và Nhà nước!”. Những lời dặn dò chân tình đó đã là niềm động viên, khích lệ rất lớn cho chàng trai trẻ Vũ Chí Kiên vác ba lô lên đường vào Nam để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Còn với Đại tá Hoàng Thương – nguyên Chính ủy Lữ đoàn pháo binh 368, cả ba lần gặp gỡ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều để lại ấn tượng sâu sắc trong ông về một người lãnh đạo gần gũi với quần chúng nhân dân, một con người của hành động và hành động quyết liệt. Khoảng năm 1966 – 1967,  lần đầu tiên đến thăm và kiểm tra Sư đoàn 304 cùng đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Đỗ Mười đã hỏi thăm rất tỉ mỉ, trực tiếp xuống gặp gỡ nhân viên cấp dưỡng để xem bữa ăn của bộ đội có đủ tiêu chuẩn không, có ngon miệng không, vì khi ấy ông đang chịu trách nhiệm về phân phối lương thực thực phẩm trong quân đội. Trong chuyến thăm đó, ông ăn mặc vô cùng giản dị, lại rất khiêm tốn, chân tình hỏi han anh em chiến sĩ để khắc phục những thiếu sót trong việc phân phối nhu yếu phẩm. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn giữ một tác phong giản dị, ân cần, không hề tỏ vẻ quan cách, lại hết sức cần kiệm. Đại tá Hoàng Thương kể lại: "Về sau khi hòa bình lập lại, tôi có gặp anh Đỗ Mười, khi đó đã là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Anh vẫn chào, chúc sức khỏe, vẫn chân tình và nhắc về những kỷ niệm ngày xưa với anh em. Anh là một con người hết sức giản đơn, hết sức tiết kiệm. Đến đơn vị, anh không dùng rượu bia gì cả mà chỉ xin một cốc nước trà. Anh cũng không uống nước suối đâu vì anh nói nước suối đắt tiền lắm, cứ pha cho anh cốc nước trà uống tốt hơn!".

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong ký ức những người từng gặp gỡ, tiếp xúc quả thật là một tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân, tinh thần rèn luyện, phấn đấu đi lên từ gian khổ, không bao giờ mảy may nghĩ đến bản thân, dù là một việc nhỏ. Ông đã nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của một người cộng sản cho đến phút cuối cùng, xứng đáng là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quỳnh Anh

Bình luận

Đọc Báo