Nghệ sĩ hai miền Nam Bắc hội tụ trong vở cải lương “Thầy Ba Đợi” - Thời sự 5g30 22/04/2018

(VOH) - Ngày 28/4 tới, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ cho ra mắt vở cải lương “Thầy ba Đợi”.

Đây là Dự án kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương, cũng nhằm để tôn vinh những đóng góp to lớn của nhạc sư Nguyễn Quang Đại. 

Vở do NSƯT - Đạo diễn Triệu Trung Kiên – PGĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam khởi xướng và nhận được sự tán thành của nhiều nghệ cả 2 miền Nam  - Bắc. Khan hiếm tư liệu trong quá trình triển khai kịch bản cũng như gặp nhiều khó khăn khi kết hợp phong cách ca diễn của cả 2 miền, nhưng cả ekip đang cố gắng để cho ra đời 1 tác phẩm mà ở đó khán giả có thể hiểu hơn về cuộc đời cũng như những cống hiến cho nghệ thuật cải lương của vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Ngay sau đây, phóng viên Ngọc Thu có ghi nhận cảm xúc của các nghệ sĩ trước ngày vở chính thức ra mắt.

Trong những ngày qua, không khí tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhộn nhịp hẳn lên vì sự có mặt của nhiều nghệ sĩ trong Dự án cải lương “Thầy Ba Đợi”. Vì còn khoảng 1 tuần nữa, vở cải lương này sẽ chính thức công diễn. 

“Thầy Ba Đợi”, 1 kịch bản được ấp ủ từ khá lâu, Nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ chấp bút và Soạn giả Hoàng Song Việt – Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương. Đó là cuộc đời thăng trầm của thầy Ba Đợi (tên thường gọi nhạc sư Nguyễn Quang Đại) – người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương. Khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và lưu đày sang châu Phi, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã mang theo di sản lễ nhạc, nhã nhạc cung đình Huế vào Nam và góp công phổ biến trong dân gian, làm nền tảng cho sự phát triển của nhạc tài tử mà sân khấu cải lương thừa kế sau này. Thông qua hình tượng thầy Ba Đợi, vở diễn còn phản ánh một giai đoạn lịch sử bi hùng của đất nước cũng như bày tỏ quan điểm của những người “giữ hồn nhạc”, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước những biến động thời cuộc.

Đạo diễn NSUT Triệu Trung Kiên - Người khởi xướng dự án và là Tổng đạo diễn của vở cho biết, trong 120 phút sẽ không thể chuyển tải hết về sự nghiệp, cuộc đời của ông, chỉ mong sẽ gửi đến khán giả yêu cải lương 1 cái nhìn khái quát nhất về những  đóng góp mà nhạc sư đã dành cho bộ môn nghệ thuật này. Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ thêm: “Với kịch bản này, chúng tôi không tham vọng nói được chi tiết sự nghiệp của ông, đặc biệt là chi tiết về hệ thống di sản mà ông đã để lại, cái đó chúng tôi xin được để dành lại cho 1 kịch bản khác… 100 năm mới lại có một lần nên chúng ta hãy làm hết mình để khán giả thêm tin yêu chúng ta”.

Vai nữ chính của vở là tiểu thư Ái Hoa được trao cho NSƯT Quế Trân. Người con gái có mối lương duyên dang dở với nhạc sư Nguyễn Quang Đại, yêu mến ông bởi tài hoa và đức độ, 1 vai diễn khó và là 1 kịch bản hoàn toàn mới nên Quế Trân cũng đang gặp không ít áp lực. Làm sao để tìm thêm đất diễn và nội tâm cho nhân vật này? NSƯT Quế Trân cho biết: “Trân cũng rất mong muốn là mình sẽ góp một chút gì đó bằng niềm đam mê của mình để làm nên 1 nhân vật. Dù chỉ là 1 nhân vật trong 1 giai đoạn thôi, nhưng Trân cũng thấy rất hạnh phúc khi được chung tay góp sức cùng các anh chị nghệ sĩ của cả 2 miền … Trong những ngày trên sàn tập, cách phân tích nhân vật từ đạo diễn, rồi kịch bản hay, chuyển thể hay, văn chương cũng quá hay làm cho Trân thêm thương nhân vật này nhiều hơn”.

Vai Nhạc sư Nguyễn Quang Đại được chia đều cho 4 nghệ sĩ của cả 2 miền gồm: nghệ sĩ trẻ Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam), NSƯT Lê Tứ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), NSƯT Xuân Vinh (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và NSƯT Thanh Tuấn. Sự phân vai này sẽ làm cho vai diễn và vở diễn thêm phần hấp dẫn vì khán giả sẽ được nghe và chiêm nghiệm 1 vai diễn trải qua nhiều lứa tuổi, từ lúc nhạc sư Nguyễn Quang Đại mới vào Nam cho đến ngày ông trút hơi thở cuối cùng trên đất Phương Nam. Nghệ sĩ Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ nhiều cảm xúc về lần tham gia trong 1 kịch bản cải lương đặc biệt như thế này: “Trong kịch bản lần này, Quang Khải được giao nhiện vụ biểu diễn vai thầy Ba Đợi giai đoạn đầu. Mình thấy hạnh phúc lắm nhưng áp lực cũng rất lớn khi tham gia biểu diễn trong 1 tác phẩm sân khấu lớn với nhiều nghệ sĩ đã là những danh ca nổi tiếng … Quang Khải cũng sẽ cố gắng để làm sao thực hiện tốt nhất vai diễn, hòa chung sự kiện kỷ niệm 1 thế kỷ Sân khấu cải lương”.

Lần này thì kép đẹp Võ Minh Lâm lại được giao cho 1 vai phản diện, hoàn toàn khác với những gì mà Minh Lâm đã thể hiện trước đây, vai công tử Hiến đầy mưu mô. Minh Lâm cho biết, bản thân cũng thấy vừa hào hứng, vừa lo lắng vì đây là lần đầu tiên Minh Lâm vào 1 vai phản diện xuyên suốt 1 vở dài: “Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cải lương ra đời, nghệ sĩ của 2 miền Nam, Bắc, đã cùng hội tụ về đây để cùng làm nên 1 tác phẩm cho ngành sân khấu. Lâm cho rằng, đây là 1 điều vô cùng đáng quý. Riêng Lâm thì Lâm vào 1 vai diễn hoàn toàn mới mẻ với mình, vai phản diện… Lâm mong  mọi người sẽ có góc nhìn khác về Lâm và đón nhận vai diễn mới này của Lâm”.

Vở cải lương đặc biệt mừng 100 năm sân khấu cải lương Thầy Ba Đợi sẽ ra mắt khán giả TPHCM vào tối 28/4 và 1/5 tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1) và đến với khán giả Long An – tại đình Vạn Phước, huyện Cần Đước, nơi đang đặt linh vị của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại vào tối 29/4 tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (TP.Tân An).

Ngoài ra, góp phần nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển 100 năm nghệ thuật cải lương, vào sáng 28/4, tại TPHCM, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam: những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Hội thảo sẽ đi sâu phân tích những góc độ khác nhau của tiến trình 100 năm sân khấu cải lương; chỉ ra những khó khăn, thách thức, định hướng phát triển cải lương cho nhiều năm tới.

Ngọc Thu 

Bình luận

Đọc Báo