Ngành thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ đô la Mỹ - Thời sự 17g 17/1/2017

(VOH) - Năm 2017, ngành thủy sản nước ta đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 8 tỷ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.

Để duy trì và hướng đến con số 10 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu thủy sản vào năm 2020, từ năm nay, ngành cần giải quyết một số vấn đề.

Trong số hơn 8 tỷ đô la Mỹ giá trị xuất khẩu thủy sản, với 4 thị trường chính. Đứng đầu là Liên minh Châu Âu, gần 1,5 tỷ đô la, tăng 21% so với năm 2016, tiếp đến là thị trường Mỹ 1,4 tỷ; Nhật Bản 1,3 tỷ và Trung Quốc gần 1,3 tỷ.

Trong những năm qua, khai thác đánh bắt thủy hải sản đạt khoảng trên 3 triệu tấn/năm và hàng năm nước ta vẫn phải nhập thêm gần 1 tỷ đô la Mỹ nguyên liệu thủy hải sản để chế biến xuất khẩu.

Với một thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất, vừa qua, khi Liên minh Châu Âu đưa ra cảnh báo thẻ vàng, nếu nước ta không đáp ứng các yêu cầu về chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ bị nâng lên mức thẻ đỏ.

Khi đó, xuất khẩu thủy sản nước ta không chỉ gặp khó ở thị trường Liên minh Châu Âu mà còn với nhiều thị trường khác. Do vậy, trước tiên chúng ta cần thực hiện nhanh theo các yêu cầu từ phía Liên minh Châu Âu để xóa bỏ thẻ vàng.

Hiện nay, các cơ quan có liên quan như ngành nông nghiệp, biên phòng, kiểm ngư, thú y... đang tuyên truyền, xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, các tàu cá đánh bắt xa bờ phải có định vị, ghi nhật ký, khai báo sản lượng khai thác, ngư trường, loại ngư cụ khai thác...

Yêu cầu đặt ra phải ngăn chặn được tình trạng các tàu đi đánh bắt cá trái phép, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý làm sao truy xuất được xuất xứ thủy sản đánh bắt, đánh cá theo đúng các quy định về vấn đề bảo vệ nguồn lợi. Các đội tàu đánh bắt hướng vào những đối tượng thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Qua đây để minh chứng sự minh bạch, rõ ràng, có nguồn gốc thủy hải sản đánh bắt. Bên cạnh đó, một hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thủy sản cũng sẽ được vận hành để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm vấn đề truy xuất nguồn gốc cả trong đánh bắt, khai thác và nuôi trồng.

Tiếp đến là bảo đảm chất lượng hàng thủy sản, đặc biệt với mặt hàng tôm. Hiện con tôm là mặt hàng chính trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 và dự báo tăng lên 75% trong tương lai.

Trong những năm qua, ngành tôm đã có những bứt phá về sản lượng, cơ cấu, đa dạng loại hình tôm nuôi, đã được đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, có nguồn nhân lực tốt, tạo ra sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, trở ngại với con tôm vẫn còn ở vấn đề nhiễm kháng sinh và tạp chất, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản xuất khẩu.

Thời gian qua, các cơ sở vi phạm tôm bơm tạp chất đã bị xử phạt nhưng tình trạng này chưa chấm dứt. Tình trạng lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm vẫn còn. Do vậy, các đơn vị liên quan của các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần tiếp tục theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm khắc với những hành vi vi phạm bơm chích tôm tạp chất.

Bên cạnh đó, cũng liên quan đến vấn đề tồn dư hóa chất, kháng sinh, nông dân nuôi trồng thủy sản cần được hỗ trợ từ các cơ quan liên quan. Không chỉ về nghiên cứu các dịch bệnh mà còn cần có các giải pháp, quy trình kỹ thuật, sản phẩm hiệu quả trong phòng, trị các bệnh cho tôm nước lợ, cá tra. Mục tiêu, tôm cá khỏe mạnh, môi trường tốt sẽ không cần hóa chất, kháng sinh. Từ đó sẽ giúp nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vấn đề nữa là gia tăng giá trị cho các sản phẩm thủy sản, nhất là khai thác tốt các phụ phẩm trong quá trình chế biến. Hiện đang có một số doanh nghiệp như Thuận Phước Đà Nẵng, Vĩnh Hoàn, Hùng Hậu Đồng Tháp... đang gia tăng sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng từ tôm, cá tra như sản xuất Collagen, bánh Snack từ da cá tra, thực phẩm tôm, cá chế biến sẵn.... Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp có được những sản phẩm giá trị cao, cạnh tranh tốt, thu được nguồn ngoại tệ nhiều hơn so với trước đây khi các doanh nghiệp chủ yếu xuất thô hàng thủy sản.

Mới đây, ngành nông nghiệp và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức buổi lễ xuất khẩu lô hàng thủy sản xuất khẩu đầu năm 2018. Có 3 lô hàng 3 container tổng cộng hơn 60 tấn gồm tôm đông lạnh, cá tra phi lê và cá biển, trị giá gần 600.000 đô la Mỹ đã được đưa lên tàu hàng để đến thị trường Canada, Anh Quốc và Mỹ.

Đây là sự kiện được đánh giá có dấu ấn tốt để ngành thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

VOH

Bình luận

Đọc Báo