Ngăn chặn khai thác trái phép để phát triển ngành thủy sản bền vững - Thời sự 5g30 12/9/2018

Trong những năm qua, báo động tình hình tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của ngư dân.

 Đồng thời ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo báo cáo Cục Kiểm ngư, nếu như từ năm 2010 đến năm 2014 tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm thì từ năm 2015 đến nay lại liên tục tăng nhanh và diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu chính thức kéo dài cảnh báo thẻ vàng hải sản tới tháng 1/2019. Đây là hệ quả của việc không thể kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của ngành khai thác thủy sản hiện nay.

Xoay quanh nội dung này, Đài TNND TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Ngăn chặn khai thác trái phép để phát triển ngành thủy sản bền vững” do Minh Phước và Hoàng Lĩnh thực hiện. Các vị khách mời: ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam; và Ông Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TPHCM. Mời quý vị nghe kỳ 1 tọa đàm qua đề dẫn của Phóng viên Hoàng Lĩnh:

VOH: Thưa quý vị và các bạn, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bị cản trở không phải là do chất lượng sản phẩm, mà là do cách thức đánh bắt. Trước hết xin mời ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Vasep có ý kiến đánh giá về tình hình kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp IUU của ngành khai thác thủy sản hiện nay?

Ông Trương Đình Hòe: Châu Âu là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn và quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch riêng với sản phẩm khai thác là từ 350 đến 400 triệu đô la Mỹ/năm. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của quản lý nghề cá có trách nhiệm, Việt Nam đã chủ động và tích cực ban hành các văn bản, để điều chỉnh và hướng dẫn các thủ tục nhằm đáp ứng các quy định của Châu Âu. Việc luôn tuân thủ và ưu tiên thực hiện tốt các quy định thị trường nói chung và châu Âu nói riêng đã được các nước ghi nhận và giúp duy trì việc xuất khẩu hải sản vào châu Âu tăng trưởng trong những năm qua.

Sau khi bị cảnh báo thẻ vàng vào tháng 10/2017, có thể thấy một khối lượng công việc khá lớn để không chỉ giải quyết các khuyến nghị của châu Âu mà còn bao gồm sự chủ động của Chính phủ, Bộ NN-PTNT trong việc tái cơ cấu vì sự phát triển bền vững của nghề cá. Đặc biệt là việc tập trung nguồn lực để cải thiện, sửa đổi khung pháp lý. Việc kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động khai thác, đánh bắt bất hợp pháp đã có nhiều tiến triển. Số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm sang khai thác các vùng biển quốc đảo Thái Bình Dương gần như chấm dứt sau gần 1 năm thực hiện công điện 732 của Thủ tướng. Công tác xác nhận, chứng nhận theo yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng khai thác cũng đã có sự chung tay và điều chỉnh ngày càng phù hợp hơn.

VOH: Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội nghề cá đánh giá những giải pháp mạnh tay này thời gian qua đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Đánh giá chung, tình hình đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam là giảm đáng kể. Theo số liệu năm 2016 thì có 113 vụ đánh bắt ở vùng biển nước ngoài gọi là bất hợp pháp. Năm 2017 thì chỉ còn 50 vụ và 92 tàu, thì có nghĩa là đã giảm gần 50%. Tuy nhiên, lại có vùng biển Thái Bình Dương, các quốc đảo như Solomo, một số nước khác thì lại tăng lên, đó cũng là vấn đề.

Tại sao thẻ vàng vừa rồi chưa được rút, đến 1/1/2019 là phải đi kiểm tra lại. Là vì trong hồ sơ đánh bắt cá của chúng ta chuyển qua nước ngoài để gọi là hợp pháp thì cộng đồng châu Âu kiểm tra thấy rằng không chuẩn. Người ta đánh giá rằng là còn phải làm tiếp tục, mạnh hơn. Trong đó có rất nhiều khuyến cáo. Vì vậy tôi cho rằng cơ bản sự quyết liệt của Chính phủ đã có hiệu quả, giảm đi tình hình đánh bắt bất hợp pháp nói chung, chứ không phải chỉ riêng đánh bắt nước ngoài không. Chỗ này trong thống kê chúng ta phải rất cẩn thận, vì có vùng đánh bắt chồng lấn, giữa 2 bên phân định chưa rõ, cho nên nhân dân chúng ta có lúc qua bên kia, có lúc trở về, có lúc lại bị bắt. Thêm nữa cần phải lưu ý, những vùng biển đánh cá truyền thống của nước ta, thuộc đặc quyền kinh tế của ta, chúng ta đi đánh mà vẫn bị bắt. Còn đánh giá chung, biện pháp của chúng ta còn phải mạnh mẽ hơn nữa.

 VOH: Không chỉ riêng ở góc độ quy định nhập khẩu thủy sản từ Ủy ban châu Âu, hoạt động đánh bắt bất hợp pháp còn dẫn tới việc vi phạm nhiều quy định phát luật quốc tế cũng như tại các quốc gia có vùng biển bị xâm lấn trái phép. Xin mời ông Ngô Hữu Phước –Đại học Luật TPHCM chia sẻ thêm về vấn đề này:

Ông Ngô Hữu Phước: Hoạt động đánh bắt bất hợp pháp rất rộng, thứ nhất là vi phạm đến việc bảo vệ bảo  tồn các nguồn lợi thủy sản, và đa dạng sinh thái biển theo quy định của Liên hợp quốc, của Tổ chức Nông lương thực thế giới và của Liên minh châu Âu, cũng như pháp luật của các quốc gia. Ví dụ như đánh bắt các loài trong danh mục quý hiếm cần được bảo tồn, đánh bắt các loài kích thước quá nhỏ, đánh bắt trong mùa sinh sản hay sử dụng các ngư cụ không được pháp luật công nhận, theo kiểu tận diệt cũng là bất hợp pháp. Thứ hai là vi phạm các quy định của WTO nhằm mục đích gian lận thương mại. Thứ ba, nhìn ở góc độ công pháp quốc tế, hành vi đánh bắt bất hợp pháp là sang các vùng biển của các quốc gia khác để đánh bắt. Nếu đánh bắt trong vùng tiếp giáp lãnh hải, trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia trong khu vực, đó là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó.

VOH: Về phía ngư dân, đặc biệt những người tham gia đánh bắt xa bờ thì bà con có suy nghĩ, tâm tư gì về thực trạng này. Chúng tôi xin nghe ý kiến từ ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề Cá?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Toàn bộ vấn đề đánh bắt bất hợp pháp là vấn đề rất lớn. Chúng ta đang nói nhiều về đánh bắt xa bờ, đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước khác, phía Hội Nghề cá chúng tôi, cũng như bà con ngư dân chúng ta, một lực lượng rất đông, 110 ngàn tàu mà, 33 ngàn tàu đánh bắt xa bờ, thì không bao giờ chấp nhận việc vi phạm pháp luật của nước khác, cũng như vi phạm pháp luật của mình. Tuy nhiên, chúng ta lên án là lên án ông chủ tàu, ông thuyền trưởng và lực lượng môi giới để có hành động này, và có thái độ nghiêm khắc với nhóm người này.

Còn bà con ngư dân của chúng ta đi thì có thể là nạn nhân. Tàu vi phạm có thể bị đánh chìm, như Indonesia, có loại bị tù, có loại bắt trả về, thì coi như tàu đó gọi là sạt nghiệp. Bà con ngư dân chúng tôi vẫn phải cưu mang, quyên góp, ủng hộ để giúp đỡ những ngư dân trở về. Chính phủ vẫn phải bỏ tiền để đưa ngư dân trở về. Những cái đấy có thể thông cảm, đồng cảm. Tuy nhiên, vẫn không tán thành việc tổ chức đánh bắt ở nước ngoài trái phép như thế.

VOH: Việc tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân kiến thức, quy định pháp luật trong nước, quốc tế cũng như một số quốc gia có vùng biển lân cận về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp được nhắc đến rất nhiều. Tuy vậy, để giúp bà con hiểu luật, nắm luật thì đòi hỏi cơ quan tuyên truyền phải có cách thức cụ thể phù hợp. Thưa ông Ngô Hữu Phước, một chuyên gia về luật thì ông có thể chia sẻ kinh nghiệm hoặc đưa ra kiến nghị nào để công tác này được chú trọng hơn và được thực hiện một cách tốt hơn hay không?

Ông Ngô Hữu Phước: Trước hết phải khẳng định việc ngăn chặn và tiến tới loại bỏ việc đánh bắt bất hợp pháp là cần thiết.

Để thực hiện tốt việc tuyên truyền, ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp theo tôi cần thực hiện 5 nhóm vấn đề. Thứ nhất là Bộ NN-PTNT cần phải nhanh chóng, khẩn trương ban hành một cẩm nang để trang bị và phát miễn phí cho ngư dân, trong đó có những quy định là các hành vi sau đây bị coi là đánh bắt bất hợp pháp, và có những hình ảnh minh họa cụ thể.

Chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho người dân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, những quy định rất căn bản về đánh bắt cá.

Ngoài ra thì chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ về tài chính, về chuyên môn nghiệp vụ để ngư dân lắp đặt các thiết bị, đặc biệt là thiết bị định vị để các cơ quan có thẩm quyền biết ngư dân đánh bắt vị trí đó là thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Lỡ khi xảy ra sự cố trên biển, chúng ta có cơ sở pháp lý để đấu tranh với các cơ quan chấp pháp của các quốc gia trong khu vực.

Thứ tư, chính quyền địa phương, các bộ ngành phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị gần đây nhất của Chính phủ về việc khắc phục thẻ vàng của châu Âu.

Thứ năm, chúng ta có các vùng biển đặc quyền kinh tế chưa phân định rạch ròi. Chính vì vậy, tôi cho rằng giải pháp mang tính chất vĩ mô, ở cấp độ quốc gia, là Nhà nước cần khẩn trương, nhanh chóng đàm phán với các quốc gia trong khu vực, phân định xong, dứt điểm các vùng biển bị chồng lấn. Đó là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để chúng ta đấu tranh, chống lại hành vi của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các quốc gia trong khu vực trong việc bắt giữ, đánh đắm tàu, xử lý ngư dân của chúng ta đang khai thác trên vùng biển rất hợp pháp. Lúc đó, hoạt động đánh bắt cá nói riêng và quyền chủ quyền, quyền tài phán, cao nhất là chủ quyền quốc gia trên biển mới được đảm bảo.

VOH: Xin cảm ơn ông Ngô Hữu Phước!

Quý vị vừa nghe kỳ 1 của Tọa đàm “Ngăn chặn khai thác trái phép để phát triển ngành thủy sản bền vững” nêu thực trạng, hiệu quả từ những công tác đã và đang triển khai. Chương trình thời sự sáng mai, chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị kỳ 2 của tọa đàm xung quanh về những giải pháp quyết liệt để thủy sản Việt Nam không chỉ khắc phục thẻ vàng, mà còn hướng đến phát triển bền vững.

Minh Phước - Hoàng Lĩnh

VOH

Bình luận

Đọc Báo