Nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu - Thời sự 11g00 17/12/2018

(VOH) - Công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cần chú trọng vào vấn đề lợi ích vì người dân sẽ thay đổi hành vi nếu biết lợi ích của việc thay đổi này.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị sơ kết công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể người dân và tiến tới thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, trong thời gian qua thì công tác tuyên truyền đã triển khai hầu hết đến các nhóm đối tượng từ cán bộ công chức, học sinh các cấp, sinh viên các trường đại học, các hộ gia đình, kể cả lực lượng công nhân tạm trú trên địa bàn từ các nơi khác đến. Đối với truyền thông trên báo đài, thì Sở gắn kết với các báo lớn của thành phố, cũng như Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố để thực hiện các chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn tăng cường hình thức tuyên truyền nơi công cộng như treo băng rôn, phát cẩm nang tuyên truyền… trong các sự kiện thường niên của thành phố và thế giới.

Để công tác truyền thông bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu đạt hiệu quả hơn thì bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh đề xuất: "Công tác này cần được các địa phương, các sở ngành, các đơn vị tiếp tục chú trọng tăng cường triển khai, duy trì thường xuyên, lâu dài và liên tục. Đồng thời phải có sự đánh giá hiệu quả công tác truyền thông trên địa bàn, bên cạnh đó cũng cần đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển rác, tăng cường các tiện ích về vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, song song với việc tuyên dương, vinh danh các gương điển hình trong bảo vệ môi trường tại địa phương mình".

Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, ông Đỗ Trung Tín - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cho hay, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố trong thời gian qua được sự hưởng ứng và thực hiện tích cực từ các tổ chức tôn giáo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho chức sắc tôn giáo trên địa bàn, tổ chức tọa đàm giải pháp tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong đồng bào các tôn giáo. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cũng đã vận động đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo không đốt, rải vàng mã trong đám tang, lễ hội… Ông Đỗ Trung Tín đề xuất một số việc cần làm trong thời gian tới: "Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong chức sắc và cộng đồng tôn giáo, công việc là phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo để tham gia bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Thứ hai tiếp tục phối hợp tuyên truyền để phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, trang bị kỹ năng ứng phó với những rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra. Công việc thứ ba sẽ hỗ trợ các tôn giáo tiếp tục  khảo sát xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm. Công việc thứ tư đó là tiêp tục vận động phát huy vai trò của chức sắc, nhà tu hành, các tín đồ tôn giáo trong tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, quy định pháp luật trong việc xử phạt, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường".

Một trong những giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường là tăng cường xử phạt những hành vi vi phạm. Đối với vấn đề này, bà Đào Thị Thúy Vân, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh cho biết, quận đã xây dựng Cẩm nang hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 155 và triển khai rộng rãi đến 20 phường trên địa bàn quận. Đồng thời, bà Đào Thị Thúy Vân cho biết thêm: "Quận Bình Thạnh xác định bên cạnh việc tuyên truyền mình phải thực hiện tăng cường các biện pháp để xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào thông tin phát hiện của lưc lượng chức năng khi tuần tra trên địa bàn thì kết quả được vẫn còn hạn chế, từ thực tế đó, lãnh đạo quận đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng một phần mềm để mà làm sao công tác quản lý của mình thuận lợi hơn, nhờ vào phần ứng dụng này thì sẽ tạo cho việc trao đổi thông tin, việc tương tác giữa lãnh đạo quận với người dân, thông qua ứng dụng này sẽ làm tăng trách nhiệm của người dân trong việc chung tay cùng chính quyền xây dựng đô thị văn minh sạch đẹp".

Theo một số chuyên gia, trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cần chú trọng vào vấn đề lợi ích, người dân sẽ thay đổi hành vi nếu biết lợi ích của việc thay đổi, đồng thời có điều kiện thuận lợi để thực hiện, có giải pháp để làm và có ý thức trong hành vi, bên cạnh đó cần có chế tài xử lý những đối tượng không thực hiện. Đơn cử như việc người dân có thói quen vứt rác bừa bãi vào những nơi đặt biển cấm vì họ thấy thuận tiện và không có nơi chứa rác tập trung. Để thay đổi, cần dọn dẹp sạch sẽ vị trí thường bị xả rác, đồng thời bố trí các thùng rác công cộng ở vị trí thuận tiện cho người dân.

Bá Nam

Bình luận

Đọc Báo