Mỹ tăng ngân sách quốc phòng, một thông điệp mới - Thời sự 5g30 ngày 17/08/2018

(VOH) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký đạo Luật Ngân sách quốc phòng trị giá hơn 716 tỷ đô la cho năm tài khóa 2019.

Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều “bực bội”, bởi đạo luật lần này có rất nhiều điểm mới. Tác động của đạo luật này đến mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc như thế nào?

Được đặt theo tên Thượng nghị sĩ John McCain, Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ dài gần 800 trang, tập trung vào các điều khoản tăng cường sức mạnh cho quân đội Mỹ. Cụ thể, Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 đã tăng thêm hơn 10% so với năm tài khóa 2018 và đạt hơn 716 tỷ đô la Mỹ. Ngoài tăng cường một số hoạt động viễn chinh ở Afghanistan, Syria, Irak, Somali và hiện đại hóa lực lượng quân sự, Trung Quốc được cho trở thành đối tượng chính nhắm đến trong Luật Ngân sách quốc phòng mới của Mỹ.

Tờ WashingtonFree dẫn phân tích của Nhà báo Bill Gert cho rằng, Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ có rất nhiều điểm khiến người ta chú ý. Đó là mục tiêu kiềm chế hành động bành trướng quân sự của Trung Quốc. Thứ nhất, Luật Ngân sách quốc phòng 2019 cho phép Mỹ mở rộng bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận chung với lực lượng quốc phòng Đài Loan, một điều mà Trung Quốc luôn cực lực phản đối.

Thứ hai, Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ kêu gọi Bộ Quốc phòng Mỹ không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương có quy mô lớn nhất thế giới và được tổ chức hai năm một lần, chừng nào Trung Quốc không rút hết vũ khí quân sự khỏi Biển Đông và Trung Quốc phải chứng minh được thiện ý tham gia ổn định khu vực trong suốt bốn năm trước khi được mời tham gia cuộc tập trận này.

Thứ ba, Luật Ngân sách quốc phòng 2019 yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ công bố nhiều hơn hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và những nơi khác. Thứ tư, Luật Ngân sách quốc phòng 2019 cũng trao cho quân đội Mỹ quyền được phản công đáp trả các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hoặc Iran. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ còn được yêu cầu đánh giá khả năng chiến tranh điện tử với Trung Quốc và Nga.

Vẫn theo Luật Ngân sách quốc phòng 2019, Mỹ có thể tự lập kế hoạch hành động 5 năm và xác định các lực lượng cần thiết nhằm ổn định vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây là một thông tin rất đáng chú ý bởi nó cho thấy Nhà Trắng đang nỗ lực đẩy mạnh hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương rộng mở mà Tổng thống Trump đề ra năm ngoái.

Luật Ngân sách quốc phòng mới năm 2019 được cho là một mũi tên nhắm trúng nhiều đích của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước hết, nó là bước hiện thực hóa Chiến lược quốc phòng của Mỹ công bố hồi tháng 1 đầu năm nay và Chiến lược an ninh quốc gia công bố ngày 18/12 năm ngoái. Theo giới quan sát, không giống như người tiền nhiệm Barack Obama tập trung vào trấn áp khủng bố và ổn định tình hình Trung Đông, Tổng thống Donald Trump tập trung vào chiến lược an ninh - quốc phòng mới “so kè” với các đối thủ lớn ngang tầm. Đối sách này không nằm ngoài phương châm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump, khi mọi giải pháp đều đem lại lợi ích mọi mặt về cho nước Mỹ. Trong bối cảnh chính sách kinh tế đang giúp ông Trump “ghi điểm” với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ cao nhất từ trước đến nay, đây chắc chắn sẽ là những điểm cộng cho cá nhân ông Trump trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng tại Mỹ vào cuối năm nay.

Bằng chứng là, đạo Luật Ngân sách quốc phòng lần này là dự luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, được thông qua và ký ban hành với một tốc độ được đánh giá là “suôn sẻ” và nhanh chưa từng thấy. Ngoài ra, đạo luật mới có trị giá lên tới 716 tỷ đô la Mỹ cũng đang làm hài lòng cả ngành công nghiệp quốc phòng vốn được coi là “cánh tay phải” của đảng Cộng hòa.

Tất nhiên, Trung Quốc và nhiều đối trọng khác của Mỹ, trong đó có Nga ngay lập tức đã phản ứng đặc biệt gay gắt với đạo Luật Quốc phòng của Mỹ. Chỉ một ngày sau khi Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 được thông qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối đạo luật và cho rằng nó nhằm “chống lại” Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: "Trung Quốc đã liên tục nêu rõ quan điểm của mình và trao công hàm phản đối chính thức tới Mỹ", đồng thời kêu gọi Mỹ từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và quan niệm "trò chơi được ăn cả ngã về không", cũng như khách quan xem xét lại quan hệ với Trung Quốc. Trước đó, Mỹ thường cáo buộc các công ty công nghệ Trung Quốc luôn tìm mọi cách thâu tóm công nghệ, trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Bởi thế, đạo Luật Quốc phòng mới cũng đã quy định Quốc hội Mỹ có quyền kiểm soát các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Mỹ-Trung đang bước vào cuộc chiến thương mại với những màn đấu khẩu gay gắt, giới quan sát cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang sử dụng đồng loạt các con bài quan trọng trong cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, nhằm tăng sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi theo hướng có lợi cho nước Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc có chịu “ngồi yên” hay không là điều chưa ai dự đoán được. Theo giới phân tích, không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ có những bước đi mới nhằm điều chỉnh chính sách an ninh - quốc phòng của mình để ứng phó với Mỹ.

Cũng còn một yếu tố nữa phải tính đến, đó là khả năng cuộc đua vũ trang giữa các cường quốc lại trở lại sau quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục của Mỹ. Theo Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga ông Igor Korotchenko, đây thực sự là khoản ngân sách lớn, thể hiện rõ ý muốn của Washington trong việc giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Do đó, những đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga sẽ khó có thể làm ngơ. Với chuyện Trung Quốc và nay là Mỹ tăng ngân sách quốc phòng, thế giới đang nổi lên một nhóm nước - đối thủ quân sự cạnh tranh nhau gay gắt. Điều này đồng nghĩa, bối cảnh an ninh chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà cả 3 nước Mỹ - Trung - Nga đang muốn tăng cường sự hiện diện và vai trò của mình, vì thế sẽ càng trở nên nóng bỏng.

Nguyệt Minh

Bình luận

Đọc Báo