Mỹ, Iran tiếp tục vòng xoáy bất ổn mới - Thời sự 5 giờ 30 ngày 10/8/2018

(VOH) - Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước cộng hòa Hồi giáo này, nhằm buộc Iran phải từ bỏ Thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Dư luận quốc tế đã chỉ trích hành động của Mỹ đồng thời cho rằng động thái này sẽ khiến tình hình quốc tế thêm căng thẳng. Trong một diễn biến mới nhất, giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức kỷ lục. Liệu tình hình Iran và mối quan hệ Mỹ - Iran, Mỹ với các đồng minh EU sẽ đi về đâu sau quyết định vừa nêu. Nhà báo Hồ Điệp có bài nhận định xung quanh vấn đề này.

Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp đặt trở lại với Iran nhằm vào các giao dịch mua đô la Mỹ, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm công nghiệp. Từ ngày 5/11 tới, Mỹ dự kiến sẽ áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.

Thực ra, bước đi này của Tổng thống Trump nhằm hiện thực hóa các tuyên bố chính thức mà ông đưa ra hôm 8/5/2018, về chuyện nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Trump từng nhiều lần nhắc lại quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, với tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện, là thỏa thuận "tồi và một phía".

Về lý thuyết, mục đích của các biện pháp trừng phạt này được Mỹ lý giải là khiến nền kinh tế Iran tê liệt, buộc phải ngừng hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố và đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran. Cũng còn một mục đích khác, đó là Mỹ muốn thông qua sức ép kinh tế và chính trị, nhằm tiến tới thay đổi chế độ ở Iran. Tuy vậy, đến thời điểm này, ý đồ của Mỹ chưa thể thành hiện thực bởi đề nghị gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani “không kèm điều kiện tiên quyết” của Tổng thống Trump đã bị chính quyền Iran thẳng thừng từ chối.

Ngay lập tức, kinh tế Iran đã bị tác động nặng nề. Đồng Rial của Iran đã lao dốc so với đồng đô la Mỹ, mất đến hơn 2/3 giá trị trong vòng chưa đầy 1 năm, kéo theo lạm phát và các cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài. Hôm 5/8,  tờ Thời báo Anh cho biết Iran đã phải công bố các biện pháp khẩn cấp để ngăn đồng nội tệ sụp đổ trong bối cảnh một làn sóng biểu tình mới nổ ra liên quan đến mức sống của người dân sụt giảm. Cũng có thể nói rằng, những đòn trừng phạt kinh tế Mỹ vừa tái áp đặt  sẽ kéo theo nhiều hệ lụy chính trị nguy hiểm đối với chính quyền Iran.

Vấn đề đặt ra hiện nay, là những động thái này sẽ tác động đến tình hình quốc tế sẽ ra sao?

Trước hết, mối quan hệ Mỹ-Iran sẽ bước vào trạng thái căng thẳng hơn trước do các lệnh trừng phạt mới sẽ “siết chặt” những mũi nhọn của nền kinh tế Iran. Trước thời điểm Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran, quan hệ Mỹ-Iran đã trong tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bởi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử 2015. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran liên tục khẩu chiến với các tuyên bố đe dọa trả đũa lẫn nhau, khiến dư luận từng nghĩ tới những kịch bản xấu nhất.

Thứ hai, bất ổn từ kinh tế và sức ép ngày càng đè nặng lên vai Tổng thống Râu-ha-ni với các cuộc biểu tình lan rộng càng đẩy thế đối đầu Mỹ-Iran vào tình trạng căng thẳng hơn. Theo giới phân tích, Iran dường như đã chuẩn bị sẵn một kịch bản xấu nhất, với tình huống trả đũa về kinh tế và quân sự. Hồi tuần trước quân đội Iran đã khởi động chuỗi tập trận hải quân trên Eo biển Hormuz, củng cố giả thuyết rằng nếu các biện pháp trừng phạt cứng rắn tiếp tục nhằm vào Iran, thì Iran sẽ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở eo biển này, nơi kiểm soát hầu hết các hoạt động vận tải quốc tế. Bình luận về tình hình hiện nay ở Iran, đài RFI (Pháp) cho rằng “tình trạng căng thẳng phản ánh thực tế Mỹ -Iran đang sẵn sàng trả đũa lẫn nhau”.

Thứ 3 là những tác động xấu đến kinh tế thế giới. Với nhan đề "Giá dầu tăng khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran" bài trên tờ Thời báo phố Uôn cho biết, chốt phiên giao dịch cuối ngày 8/8, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 đã đạt mức 69,47 đôla/thùng. Còn trên sàn giao dịch New York, giá dầu thô Brent tăng lên 74,76 đôla/thùng, thậm chí 100 đôla/thùng vào cuối năm nay, đẩy thị trường năng lượng thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Theo chuyên gia kinh tế Mỹ John Kilduff, rõ ràng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã có những tác động nhất định tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Và hiện, các nhà quan sát thị trường đang chờ đợi dữ liệu chính thức từ OPEC vào tuần tới về lượng dầu Ả-rập Xê-út bơm vào thị trường nhằm duy trì ổn định, tránh việc giá dầu bị đẩy lên cao.

Ở một góc nhìn khác, động thái trừng phạt của chính phủ Mỹ cũng đã gây tổn hại không ít đối với EU. Mặc dù Liên minh châu Âu đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động của các lệnh trừng phạt này, tuy nhiên, giới phân tích đều nhận định, đây chỉ là động thái mang ý nghĩ chính trị chứ không có tác dụng thực chất. Bởi về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, một thẩm phán Mỹ vẫn có đầy đủ quyền lực để phong toả tài sản hiện diện trên đất Mỹ của các công ty châu Âu có quan hệ kinh tế với Iran.

Việc chính phủ Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran không chỉ khiến Iran đối mặt với nhiều nguy cơ, mà còn đẩy tình hình quốc tế đứng trước sự bất ổn. Hàng loạt các quốc gia, trong đó có không ít các đồng minh của Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động của Mỹ. Một mặt trận đối đầu mới giữa Mỹ và Iran, kéo theo các quốc gia khác cuốn vào vòng xoáy lại tiếp tục bắt đầu. Dư luận lo ngại sau động thái tái trừng phạt Iran, cục diện địa chính trị quốc tế những ngày tới sẽ có thêm nhiều bất ổn.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo