Mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện đại - Thời sự 11g00 11/12/2018

(VOH) - Khá nhiều sự việc liên quan đến cách xử sự không phù hợp giữa người dạy và người học đã tạo nên những ấn tượng xấu về hình ảnh người giáo viên cũng như thực trạng giáo dục trong nước.

Kỳ 1: Mối quan hệ một chiều đã không còn phù hợp

Mối quan hệ giữa thầy và trò, người dạy và người học hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Xung quanh chủ đề này, chương trình hôm nay có toạ đàm "Mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện đại", với sự tham gia của các khách mời: Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TP; Tiến sĩ Phạm Thị Thuý, Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở TPHCM; Giáo viên Phạm Thư Tùng, Trường THPT Ten lơ man. Mời quý vị nghe Kỳ 1: “Mối quan hệ một chiều đã không còn phù hợp”, qua phần đề dẫn của Phóng viên Tuyết Nhung:

VOH: Xã hội phát triển, nhiều mối quan hệ trong gia đình và xã hội cũng khác xưa. Mối quan hệ giữa thầy, trò, người dạy và người học cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thay đổi theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn hay theo chiều hướng ngược lại thầy chẳng ra thầy mà trò cũng chẳng ra trò đang là vấn đề có nhiều tranh cãi. Thực trạng thay đổi trong mối quan hệ người dạy người học hiện nay diễn ra như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục

Gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi chứng kiến một sự thay đổi rất rõ rệt trong mối quan hệ thầy trò. Thế hệ của chúng tôi và hơn 10 năm trước, khoảng cách giữa thầy và trò khá rõ ràng. Trong đó, có những quan niệm như: "mỗi thầy cô là một tấm gương", "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", .. được xã hội Việt Nam xem là kim chỉ nam trong mối quan hệ của thầy và trò.

Thời gian gần đây, khi xã hội chúng ta tiếp cận nhiều với thế giới bên ngoài, mọi người cho rằng hình ảnh của người giáo viên tốt, hiệu quả là người có thể gần gũi, hướng dẫn, giúp cho người học học được, chứ không phải hình ảnh xa xôi. Hình ảnh người thầy- người cô rất là khác biệt so với trước đây.

Giáo viên Phạm Thư Tùng, Trường THPT Ten-lơ-man.

Cái vấn đề của giáo viên là không hiểu được học sinh đang nghĩ gì. Mình phải làm sao cho học sinh đến gặp mình, chia sẻ... Người giáo viên chủ nhiệm như mình có thể là người đứng giữa chia sẻ, là cầu nối giữa học sinh với các thầy cô khác. Ngoài ra mình còn đóng vai trò là một nhà tư vấn tâm lý. Cái đó thực sự là vai trò tay ngang thôi, rút tỉa từ những kinh nghiệm của mình, nhưng học sinh rất cần. Học sinh ngày nay dậy thì hơi sớm. Các em có rất nhiều vấn đề tâm sinh lý, mình cần hướng dẫn cho các em con đường đúng đắn.

Việc giáo dục học sinh ở hiện tại theo mình không chỉ là truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn truyền cho các em niềm hứng khởi khi học tập, tạo cho các em tư duy logic, giúp các em trở nên thành người hơn chứ không phải là một người giỏi vật lý.

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý, Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở  TPHCM

Cái thuận lợi lớn nhất của người thầy là sự gần gũi, hoà đồng với học trò. Chúng ta có cơ hội trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với trò với một sự bình đẳng, tự do hơn, thoải mái hơn và gần gũi hơn. Cái thuận lợi nữa là việc đề cao về giảng dạy, giáo dục hiện nay trong xã hội theo xu hướng muốn người học tiếp cận đa chiều. Phụ huynh cũng muốn giáo viên khơi cho các em sự sáng tạo, chủ động, tự tin, chứ không chỉ là điểm cao nữa. Đó vừa là thuận lợi cũng vừa là khó khăn với giáo viên. Quan điểm của tôi, khi làm người thầy, quan trọng nhất phải tạo cơ hội bình đẳng để mọi học sinh được tự do là chính các em, với sự tư tin, tự lập tự chủ, một con người có phẩm giá theo cách các em muốn, được là chính mình.

VOH: Nếu trước đây người thầy chính là kênh truyền thụ tri thức duy nhất cho người học thì ngày nay sự đa dạng và nhanh chóng của thông tin, học sinh không chỉ tiếp nhận kiến thức từ người giáo viên mà có thể qua báo chí, mạng internet... Điều này có tác động như thế nào đến vị trí người giáo viên?

Giáo viên Phạm Thư Tùng, Trường THPT Ten-lơ-man.

Facebook, Google, Youtube, các kênh e-learning tạo ra cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người. Nhưng vấn đề trong lớp học hiện tại vẫn là   1 thầy đứng trên bục giảng, học sinh ngồi dưới ghi ghi chép chép. Điều đó không còn phù hợp với xu thế hiện tại. Người ta đang yêu cầu sự sáng tạo của học sinh nhiều hơn.

Theo như 8 loại hình trí thông minh, thì mỗi người có thể loại thông minh khác nhau. Nhiệm vụ của người giáo viên  không chỉ đứng trên lớp truyền thụ kiến thức 1 chiều, mà phải là người suy nghĩ, tổ chức các hoạt động như thế nào để 8 loại hình trí thông minh đó trong 40-50 học sinh của mình đều phát huy được.

Trong các tiết học Lý của mình, các em có tư duy logic tốt, thì mình mời các em đó ra, bồi dưỡng thêm và là đội tuyển Olympic. Trên lớp mình cho những bài khó hơn mời các em này lên giải cho các bạn. Các em mạnh về khả năng nói và tư duy ngôn ngữ thì các em sẽ có những bài thuyết trình. Vật lý thiên về thực hành, mình có một số các bạn học trung bình thôi, nhưng lại chế đồ rất hay.  Mình cho học sinh cái quyền được sai. Các em được sai khi thực hiện các công đoạn đó và mình là người sửa chữa. Mình trao cho các em niềm tin, cũng cố bản lĩnh, điều đó tốt hơn cho các em.

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý, Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở  TPHCM

Tôi mới tham vấn cho một em lớp 11, trong một trường tư TPHCM. Mẹ em ấy nhờ tôi giúp em vì em ấy đang đòi chuyển trường. Em ấy chê giáo viên rất nhiều, chê thầy chủ nhiệm lạc hậu, bảo thủ, chê cô giám thị khắt khe, bạo lực. Và tôi mới thấy đúng là bây giờ học sinh đủ hiểu biết và cũng đủ tự tin, mà cũng có những cái hơi tự do quá để đánh giá rất khắt khe theo cách mà các em nhìn nhận về giáo viên. Từ câu chuyện cụ thể đó, chúng ta thấy rằng cái đòi hỏi đối với một giáo viên đứng lớp bây giờ khó lắm. và tôi thấy rằng em học sinh đang gặp tôi để than thở, em nó không thích kiểu áp đặt.

Câu chuyện thứ hai, giáo viên bắt học sinh tát một bạn trong lớp tổng cộng  231 cái và em phải nhập viện, ở Quảng Bình. Chúng ta thấy cách hành xử của giáo viên theo kiểu áp đặt và bạo lực với học sinh, trước đây nghĩ là tốt, thậm chí nhiều giáo viên vẫn nghĩ mình có quyền làm điều đấy, đã không còn phù hợp. Và quan trọng hơn mình không phải kỷ luật theo cách truyền thống, mà mình phải có cách kỷ luật tích cực, làm sao cho các em nhận ra lỗi của mình nhưng các em vui vẻ thay đổi. Đây là điều không hề dễ đối với giáo viên.

VOH: Thời gian qua có những nơi, những lúc mối quan hệ thầy trò không được như mong muốn, thậm chí mang đến những cái nhìn tiêu cực cho xã hội. Bà suy nghĩ như thế nào về  những biểu hiện tiêu cực của mối quan hệ thầy trò?

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục

Đứng ở góc độ nhà nghiên cứu chúng tôi thường nhìn vào những con số, dựa vào những quan sát cũng như tiếp cận với các đối tượng khác nhau, từ những kênh thông tin khác nhau. Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu nhìn khái quát hoá thì cái mảng tiêu cực không hề nhỏ. Vấn đề là chúng ta đặt người thầy ở đúng vị trí của họ, làm sao giúp cho người thầy có thể thực hiện được  những tiêu chí người thầy phải có. Cho nên, bao giờ trong quá trình sư phạm cũng đòi hỏi xử lý những tình huống sư phạm. Nhìn theo hướng tích cực, tôi thấy xã hội, nền giáo dục đang đi theo hướng nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng chúng ta có những cai sai đó, chứ không phải tô hồng mọi thứ. Chúng ta cần những cái rõ ràng minh bạch, chúng ta cũng thẳng thắn để hiểu rằng chúng ta đang thiếu cái gì và thực hiện cái gì. Càng ngày, cuộc sống phong phú nó được công nhận chứ không phải nhìn một chiều như trước đây. 

VOH: Cám ơn những chia sẻ của TS Nguyễn Kim Dung!    

Giáo dục nước ta đang có những thay đổi sâu sắc, hướng dần đến hội nhập. Học sinh - những công dân tương lai phải là người tự chủ, chủ động, có đầy đủ năng lực phẩm chất, sáng tạo dám nghĩ dám làm... Điều này sẽ khó đạt được nếu chúng ta vẫn giữ quan hệ thầy trò theo kiểu cũ. Trong Kỳ 2 của toạ đàm Mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện đại các vị khách mời sẽ có những định hướng cụ thể trong phát triển mối quan hệ này. Mời quý vị đón nghe trong chương trình thời sự ngày mai.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo