Mô hình mới nâng cao tính cạnh tranh ngành Logistics - Thời sự 05g30 19/09/2018

(VOH) - Cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics.

Trong đó, 70% có trụ sở tại TPHCM. 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp logistics nước ta mạnh về số lượng nhưng yếu về thị phần. Phần lớn các công ty nước ngoài đều có thể cung cấp các dịch vụ bên thứ ba và thứ tư trong khi đa số các công ty Việt Nam chỉ có thể cung cấp dịch vụ bên thứ hai. Nguồn nhân lực yếu và thiếu chính là nguyên nhân chính hạn chế tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhân lực ngành logistics thiếu nhiều kiến thức chuyên ngành, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, công nghệ thông tin và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Những nguyên nhân khiến nhân lực ngành logistics Việt Nam còn thiếu chất lượng, là do đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập; chưa được đào tạo chính thống, các môn cơ sở ngành và chuyên ngành bố trí không hợp lý, số lượng sinh viên chưa nhiều; phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ. Sự gắn kết, phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, nguồn nhân lực cho ngành logistics hiện vẫn còn thiếu. Doanh nghiệp đang cần tuyển những chuyên viên logistics có khả năng thiết lập một hệ thống logistics, tuy nhiên, việc tìm kiếm này rất khó, chi phí rất cao. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nguồn tài chính mạnh thì họ có thể tuyển ngay, nhưng với doanh nghiệp cổ phần hóa như Cảng Sài Gòn thì với chi phí khoảng 10 – 15 ngàn đô la Mỹ/ tháng thì không thể. Với thực tế đó, thì mô hình đào tạo kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp là tốt nhất.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, bày tỏ: “Các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài thì họ đã quá quen với vấn đề này, họ sẽ săn được những chuyên gia hàng đầu hoặc những người chuyên làm Logistics. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp nhà nước thì vẫn còn đang tìm tòi trong phương án tiếp cận nguồn nhân lực cho mình. Nếu chúng ta tiếp cận theo kiểu tuyển dụng như trước đây thì sẽ rất khó. Tôi nghĩ rằng, hướng đi hợp tác giữa trường và doanh nghiệp để có nguồn nhân lực sẵn có, ngay khi ra trường có thể làm được là một hướng đi đúng. Với vai trò là một doanh nghiệp tôi hoàn toàn ủng hộ vấn đề này và cam kết cùng với các trường,  tạo điều kiện tối đa cho các sinh viên học cũng như ra trường sẽ có việc làm ổn định và có điều kiện phát triển”

Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics. Doanh nghiệp cũng đang xây dựng một trung tâm đào tạo về logistics tại Quận 7. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019.

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 cũng đã phối hợp với Hiệp hội Logistics Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Về phía nhà trường sẽ sẵn sàng về mặt pháp lý đào tạo, đào tạo các môn cơ sở và cùng với doanh nghiệp biên soạn các nội dung học tập chính. Về phía doanh nghiệp sẽ chủ động kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là với các cảng giúp vận hành nguồn nhân lực ngành logistics một cách thực tế.

Cô Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, cho biết: “Nhiều năm trước, các trường cũng đã đào tạo rồi, tuy nhiên, tên ngành nghề thì không đi vào cụ thể từ Logistics. Ở Việt Nam khi nói về khái niệm Logistics vẫn còn nhiều góc độ khác nhau. Nhưng bây giờ, khi có được dự án, sự hỗ trợ kinh nghiệm từ các nước có kinh nghiệm thì mình sẽ đi vào đào tạo và đi làm bài bản hơn cho hệ thống, ví dụ như hệ thống xuất nhập khẩu theo kịp quốc tế, khoa học hơn, bài bản hơn và đi vào việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, đây là yếu tố quan trọng nhất”

Hiện Hiệp hội Logistics Việt Nam đã xây dựng một Viện Nghiên cứu phát triển logistics Việt Nam, và đang được ủy nhiệm của tổ chức logistics thế giới đào tạo 2 văn bằng chuyên ngành logistics mang tính chất quốc tế. Phát huy vai trò kết nối của tổ chức nghề nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết thêm: “Hiệp hội là cầu nối để nói lên nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp với các dịch vụ cung cấp Logistics, tổ chức đào tạo và với nhà nước. Với tư cách là Hiệp hội nghề nghiệp, chúng tôi hết sức quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực và cũng đang cố gắng cùng với tất cả các tổ chức đào tạo và tổng cục giáo dục nghề nghiệp để làm sao chúng ta tăng được nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho ngành Logistics Việt Nam”

Chính phủ Việt Nam đã xác định, phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu để thúc đẩy phát triển ngành logistics trong thời gian từ nay đến năm 2025. Theo Quyết định 200 của Thủ tướng, mục tiêu phát triển cụ thể của ngành logistics đến năm 2025, là tốc độ tăng trưởng 15 đến 20%, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ 8 đến 10%; tỷ lệ thuê ngoài 50 đến 60%; chi phí logistics tương đương 16 đến 20%; xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia từ 50 trở lên.

Triển khai hiệu quả quyết định này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội đã phối hợp với Chính phủ Úc, thực hiện đề án “Thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải và logistics trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp”. Bước đầu triển khai đề án, nhiều nhà trường và doanh nghiệp tham gia tích cực. Đã có 12 tỉnh thành tổ chức ký kết thỏa thuận gắn kết này. Qua đó, hàng chục ngàn lao động được cam kết sẽ được đào tạo và tuyển dụng.

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội khẳng định: “Cái mà chúng tôi kỳ vọng là thông quan việc đưa mô hình doanh nghiệp dẫn dắt đào tạo nghề vào Việt Nam là chúng tôi muốn nắm nhu cầu thực chất mà doanh nghiệp cần, kể cả về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo mà phía doanh nghiệp Logistics đang có nhu cầu thực sự. Với trách nhiệm quản lý nhà nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ xem phần cung về đào tạo nghề nghiệp của các trường như thế nào, để đào tạo thích ứng với nhu cầu. Và rõ ràng, khi có sự tham gia của doanh nghiệp từ đầu thì chi phí sẽ giảm rất nhiều, hiệu quả cũng cao hơn”.

Việt Nam với điều kiện vị trí địa lý của mình, bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á…vẫn luôn được xem là một quốc gia logistics tiềm năng. Hơn nữa, công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung cả nước và ngành logistics nói riêng. Hy vọng rằng, mô hình mới trong đào tạo nguồn nhân lực sẽ là đòn bẩy, giúp cho ngành logistics tận dụng được lợi thế, tiến xa hơn, không chỉ với vai trò là mắt xích giữa Việt Nam và các đối tác trên thế giới, mà còn là trạm trung chuyển cho dòng lưu thông hàng hoá khu vực và toàn cầu.

VOH

Bình luận

Đọc Báo