Lợi ích từ chương trình đào tạo chuyên gia trong công nghiệp hỗ trợ - Thời sự 11g00 29/10/2018

(VOH) - Mới đây, tại TPHCM, Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức khóa đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đây là các chương trình đào tạo tư vấn viên đầu tiên được thực hiện tại khu vực phía Nam nhằm cung cấp chuyên gia tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam thuộc lĩnh vực này.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa chương trình đào tạo này và nhiều chương trình khác đó là nội dung đào tạo được xây dựng gắn liền với thực tế và hiện trạng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Qua những cơ hội thực hành và tiếp xúc tại doanh nghiệp, các học viên được hướng dẫn đến từng chi tiết và thao tác nhỏ để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xung quanh nội dung này, phóng viên VOH phỏng vấn ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.

Lợi ích từ chương trình đào tạo chuyên gia trong công nghiệp hỗ trợ - Thời sự 11g00 29/10/2018

Ông Trương Thanh Hoài. Ảnh: Vietnamnews

*VOH: Ông cho biết rõ hơn đâu là lý do  Bộ Công Thương phối hợp với tập đoàn Samsung tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia tư vấn viên là người Việt Nam trong thực hiện cải tiến doanh nghiệp công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ?

- Ông Trương Thanh Hoài: Trong quá trình phối hợp với Samsung để phát triển các nhà cung cấp nội địa và trao đổi với Samsung Việt Nam thì chúng tôi nhận thấy việc để các chuyên gia của Samsung trực tiếp đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam thì tính lan tỏa rất thấp. Vì số lượng chuyên gia của Samsung rất là hạn hẹp. Vì vậy chúng tôi có trao đổi với tập đoàn Samsung sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đào tạo tư vấn viên người Việt Nam để thay thế cho các chuyên gia đào tạo tư vấn viên của Samsung. Và như vậy chúng ta sẽ đào tạo chuyên gia tư vấn viên nhiều hơn và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chiếm hơn 97% số lượng doanh nghiệp của cả nước cho nên số lượng tư vấn viên sẽ cần rất là nhiều. Theo chương trình chúng tôi sẽ dự kiến khoản đào tạo trên 200 tư vấn viên.

*VOH: Theo ông, việc làm này có phải nhằm góp phần gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có tập đoàn Samsung?

- Ông Trương Thanh Hoài: Rõ ràng ở đây phải nói là yêu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có 3 yếu tố rất quan trọng: chất lượng, giá cả, tiến độ giao hàng. Cả 3 yếu tố này để các doanh nghiệp Việt Nam đạt được thì rất là khó khăn. Vì vậy chính những chương trình mà chúng tôi hiện nay đang phối hợp với Samsung cũng như chương trình công nghiệp hỗ trợ mà Chính phủ phê duyệt thì sẽ khắc phục các điểm yếu này của các doanh nghiệp Việt Nam. Vậy thì ở đây khâu đầu tiên là phải chất lượng và tiến độ thì rõ ràng các doanh nghiệp phải có lực lượng tư vấn viên để cải tiến sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất để nhằm đáp ứng tiến độ và chất lượng cho tập đoàn Samsung nói riêng và các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.

*VOH: Ông kỳ vọng gì từ khóa học này đối với sự phát triển của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ?

- Ông Trương Thanh Hoài: Trên thực tế, sau khi khóa học thứ nhất kết thúc, các học viên khóa 1 đã thực tập tại 5 doanh nghiệp. Tại buổi lễ tổng kết, chúng tôi đã trao đổi với CEO của 5 doanh nghiệp và họ khẳng định chương trình này cực kỳ hiệu quả. Ở những góc độ chỉ với những cải tiến rất đơn giản của các học viên thực nghiệm với sự hỗ  trợ của các chuyên gia Hàn Quốc thì năng suất lao động của họ tăng đến 20%-30% trong khi đó chưa phải đầu tư một chi phí gì hết. Ví dụ như thay đổi chổ ngồi, sắp xếp dây chuyền sản xuất là đã tăng 20% rồi. Ở đây cũng phải nói rằng, chương trình tư vấn viên này thì sẽ thay đổi về ý thức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa. Các doanh nghiệp của chúng ta có xuất phát điểm rất thấp cho nên cần phải làm những căn bản đầu tiên. Tôi nghĩ chương trình này với 200 học viên sẽ được đào tạo sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi nhận thức trong quá trình sản xuất. Mà đó là cái quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.

*VOH: Bộ Công Thương sẽ nhân rộng các khóa học này ở  các địa phương khác để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ?

- Ông Trương Thanh Hoài: Hiện nay Bộ Công Thương chúng tôi đang chủ trì thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2017. Trong các nội dung của chương trình này thì có chương trình đào tạo các tư vấn viên. Và chúng tôi sẽ triển khai ở một số vùng kinh tế trọng điểm  ví dụ như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực miền Trung. Bên cạnh các chương trình hợp tác với Samsung thì Bộ Công Thương cũng có những chương trình hợp tác với Bộ kinh tế Nhật Bản sắp tới sẽ có những chương trình tương tự như vậy. Ngoài việc đào tạo tư vấn viên thì chúng tôi cũng thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia khác tại Việt Nam.

*VOH: Cảm ơn ông!

Mỹ Trang

Bình luận

Đọc Báo