Liên hoan sân khấu toàn quốc - Cánh cửa đến với tài năng trẻ và công chúng - Thời sự 5g30 15/9/2018

(VOH) - Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc đang có những ngày tràn ngập niềm vui và phấn khởi với phần thi diễn của 25 đơn vị nghệ thuật trên khắp cả nước.

Đến thời điểm này, liên hoan đã đi hơn nửa chặng đường, để lại nhiều dấu ấn và niềm tin cho những người làm nghề cũng như cho hành trình tiếp theo của sân khấu cải lương. Phần nào mở ra cánh cửa đến gần hơn với công chúng cũng như tài năng trẻ. Điều đó đã hiện diện trong từng vở diễn, trong khán phòng  và trong sự đón nhận của khán giả trong suốt  2 tuần qua tại liên hoan. 

Lâu lắm rồi mới có 1 kỳ liên hoan hội tụ nhiều gương mặt trẻ, điều mà nhiều kỳ liên hoan, hội diễn trước đây hiếm thấy. Vì để đảm bảo “an toàn” không sự cố cho 1 vở diễn với tâm lý đi thi, nhiều đơn vị sẽ chọn những ghệ sĩ gạo cội của đơn vị đảm nhiệm những vai chính, còn nghệ sĩ trẻ chỉ làm dàn bao, đóng  những vai không quan trọng. Dần dần qua nhiều kỳ liên hoan, 1 số đoàn đã bị già hóa lực lượng. Nhưng liên hoan năm nay đã là 1 gam màu khác. Hầu như đơn vị nào cũng  giao  tuyến nhân vật chính cho các nghệ sĩ trẻ, riêng những nghệ sĩ tên tuổi chỉ làm vai trò giữ mối cho vở diễn với những vai phụ. Chính điều này đã làm cho ngày hội năm nay thêm nhộn nhịp, tươi mới và căng tràn sức sống hơn.

Poster vở cải lương "Người đồng bằng".

Poster vở cải lương "Người đồng bằng".

Đơn cử như Đoàn Văn công Đồng Tháp  - với kịch bản “Người đồng bằng” (Tác giả: Huỳnh Thanh Tuấn), đạo diễn đã chọn 2 vai đào kép chính cho 2 diễn viên rất trẻ, vừa đầu quân vào đoàn chưa lâu, tuổi đời chưa đến 30 nhưng ca diễn rất tốt. Và chính vì sự trẻ trung đó, các bạn đã mang thêm hương sắc, sự hấp dẫn, trong 1 câu chuyện về nông thôn mới được cho là kén người xem. Hay trong kịch bản “Rạng ngọc Côn Sơn” tác giả Xuân Phong của sân khấu Kim Tử Long, có nhiều diễn viên trẻ bước ra từ các cuộc thi Chuông vàng, bông lúa vàng, đường đến danh ca vọng cổ được NSUT Kim Tử Long  tạo cơ hội để tỏa sáng trong những vai  vừa sức. Như vai Hà Lâm của NS trẻ Minh Trường -  quán quân chuông vàng vọng cổ 2011 bày tỏ: “Là 1 nghệ sĩ trẻ nên khi được tham gia các kỳ liên hoan hội diễn thì đó là cơ hội để bản thân Trường được học hỏi, trải nghiệm, trao dồi và học tập thêm về nghề của mình. Nên khi nhận lời mời của NSUT Kim Tử Long để tham gia kỳ hội diễn ,Trường rất vui, rất phấn khởi, háo hức để phục vụ khán giả và tham gia kỳ hội diễn lần này”.

Hấp dẫn, chỉnh chu, hoành tráng và chịu đầu tư về kinh phí để có 1 tác phẩm thật và đẹp là  điều mà nhiều đơn vị cải lương đã làm tại mùa liên hoan này để mong tìm được cánh cửa đến gần hơn với công chúng, nói về điều này NSUT Kim Tử Long - đạo diễn của vở “Rạng ngọc Côn Sơn” trải lòng: “Đây là 1 áp lực rất lớn khi Long phải dựng lại 1 vở diễn để làm sao phù hợp với cuộc sống, cách nhìn của khán giả mộ điệu cải lương trong thời điểm này. Vì vậy nên Long đã cố gắng đầu tư làm sao để thể hiện được 1 vở diễn vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính giải trí. Vì như các bạn biết, khi chúng ta dựng 1 vở đề tài lịch sử sẽ rất khó khăn về sự chọn lựa của khán giả. Khi khán giả nghe đến đề tài lịch sử họ sẽ có sự đắn đo, cân nhắc khi đến rạp xem, Long mong muốn rằng, dù đây là 1 vở diễn về đề tài lịch sử nhưng sẽ có nhiều điểm hấp dẫn để khán giả đến xem và khán giả không còn ý tưởng rằng, khi đến xem vở lịch sử sẽ khô, sẽ cứng, sẽ không hấp dẫn. Hy vọng với vở “Rạng ngọc Côn Sơn” này, những anh em nghệ sĩ mà Long đã chọn sẽ có được 1 sân chơi, 1 sự thể nghiệm để làm sao chúng ta  ựng được nhiều vở cải lương đề tài lịch sử hơn”.

Tác giả Xuân Phong, cha đẻ của kịch bản “Rạng Ngọc Côn Sơn” cũng xúc  động khi xem lại bản dựng này sau  hơn 30 năm và ông hoàn  toàn tin vào lớp trẻ: “Tôi tin rằng không làm thì không có, nhưng nếu đã làm thì phải ra, tôi tin các anh em trẻ, tôi đặt nhiều hy vọng, vai nào ra vai nấy, tất nhiên là anh em diễn viên còn trẻ nên có 1 số điều vẫn còn chưa kinh nghiệm bằng người lớn. Tuy nhiên đây là 1 tín hiệu tốt cho sân khấu cải lương. Bởi vì thật ra là vở mới không có, nên khi dựng lại vở cũ, cái khó là anh chọn con đường, anh đi như thế nào để không thấy dấu chân của người trước và người sau là như nhau.”

Hay như trong kịch bản “Những con sóng vô hình” (Tác giả: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể Phạm Văn Đằng, Nguyễn Hồng Dung) câu chuyện  về những người chiến sĩ hải quân do đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng lại mang đến cho khán giả những cảm xúc khác, nhất là các bạn trẻ. Vở diễn là 1 lát cắt về cuộc sống, sự gian khổ nhưng tinh thần luôn lạc quan của những chiến sĩ  hải quân, có những người rất trẻ. Cuộc sống tuy có khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng những chàng trai trẻ, khoác lên mình màu áo của biển,  quyết bám biển để giữ từng tấc đất, từng khoảng trời thiêng liêng của tổ quốc. Võ Minh Lâm là 1 điểm nhấn đẹp với vai An, 1 chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết. Từng đạt được nhiều huy chương tại nhiều kỳ liên hoan hội diễn, Võ Minh Lâm đến với ngày hội lớn lần này trong 1 tâm thế khá thoải mái: “Đây cũng là dịp Lâm cũng may mắn khi có được 1 vai diễn hay trong vở “Những con sóng vô hình” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Đây cũng là dịp để Lâm có thêm cơ hội học hỏi, cùng đồng hành với các đồng nghiệp, có được 1 ngày hội rất ý nghĩa. Mong rằng sẽ có được những điều hay để Lâm học thêm từ hội diễn lần này”

Cũng sau 30 năm, vở “Thái hậu Dương Vân Nga” (tác giả: Trúc Đường, chuyển thể: Hoa Phượng – Chi Lăng – Hoàng Việt – Thể Hà Vân) của sân khấu xã hội hóa Lê Hoàng do đạo diễn NSUT Hoa Hạ dàn dựng lại cho mùa liên hoan năm nay. Có thể nói Hoa Hạ đã khoác 1 chiếc áo mới cho kịch bản “Thái hậu Dương Vân Nga”, đẹp và gần gũi với công chúng trẻ.  Chưa nói đến những điều khác, chỉ riêng việc 1 đơn vị xã hội hóa bỏ thời gian, tâm huyết, công sức và kinh phí lớn cho 1 kịch bản lịch sử trong 1 kỳ kiên hoan như thế này đã là điều đáng quý. Nói về việc chọn nhiều gương mặt trẻ cho 1 vở diễn đã rất nổi tiếng - NSUT Hoa Hạ muốn mang cải lương đến công chúng trẻ và xem việc đào tạo lớp trẻ là 1 việc cần làm: “Hoa Hạ và toàn thể các anh chị trong vở diễn Thái Hậu Dương Vân Nga rất hạnh phúc vì nhìn xuống khán phòng đa số là khán giả trẻ. Và đó cũng chính là mục đích mà chúng tôi muốn dựng lại vở Thái hậu Dương Vân Nga cũng nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương để dành cho giới trẻ ở TPHCM, dành cho những người mộ điệu những tác phẩm hay ngày xưa của chú Chi Lăng và anh Hoa Phượng. Đó là tấm lòng của hậu bối đối với hậu bối trong nghề. Hôm nay thì chúng tôi đạt được thành công khoảng 90% còn lại 10% chúng tôi không chủ động được vì cơ sở hạ tầng. Giá như chúng tôi có được 1 nhà hát cho riêng mình, chúng tôi là 1 đội ngũ thật sự đoàn kết, chúng tôi chỉ biết ăn sống và làm nghề thôi. Quả thật là tuyệt vời”

Về phần khán giả, mỗi người có 1 cảm xúc riêng, nhưng chung quy tất cả đều rất chờ đợi và bị hấp dẫn bởi các vở diễn tại liên hoan năm nay: “Mình thấy đạo diễn đã thổi những cái mới vào cải lương, tuồng tích vẫn như vậy nhưng dàn dựng thì mới hơn … cải lương sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu sân khấu cải lương này”

Đã 3 năm rồi mới lại có 1 kỳ hội nô nức cho cải lương, cho công chúng yêu sân khấu với nhiều sắc màu, nhiều câu chuyện hấp dẫn mà các đoàn cải lương mang đến. Cũng chính từ liên hoan này mà nhiều giọng ca trẻ, tài năng đã dần lộ diện, nhiều đạo diễn đã mang những sáng tạo mới lạ, tươi mới vào công tác dàn dựng. Khi nghệ sĩ hết lòng, làm bằng cái tâm, bằng đam mê, khi kịch bản hay, diễn viên bay bổng, dàn dựng công phu, sân khấu đẹp sang trọng, mượt mà, trữ tình đúng “chất” của cải lương thì ngại gì không có khán giả. Đó là điều mà mà các nghệ sĩ đã mang đến trong suốt 2 tuần qua tại liên hoan cải lương toàn quốc. Mong ngọn lửa này, tình yêu này của các nghệ sĩ sẽ còn tiếp tục trên các chặng đường làm nghề tiếp theo chứ không chỉ đọng lại ở 1 kỳ liên hoan sân khấu.

 Ngọc Thu

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo