Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 - Sức hấp dẫn của kịch xã hội hóa - Thời sự 5g30 21/4/2018

(VOH) - Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 đã đi hơn nửa chặng đường với hơn 20 vở diễn.

Đa dạng đề tài, phong phú trong biểu diễn, dàn dựng, mỗi đơn vị đã mang đến cho khán giả TPHCM nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều điều để suy ngẫm, để hy vọng và mong đợi. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại có thể thấy, kịch của các đơn vị xã hội hóa, hay nói cụ thể hơn là các vở kịch ở phía Nam hoàn toàn áp đảo và để lại nhiều nét chấm phá đẹp tại liên hoan này. 

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018

Vở 'Kiều'.  ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VN

Không thể phủ nhận thế mạnh trong các đề tài chính luận mà các đơn vị kịch công lập chọn dự thi tại liên hoan năm nay, đa phần là các đơn vị kịch ở phía Bắc. Kịch bản có cái tứ chắc, cách dẫn dắt câu chuyện, đặt vấn đề khá tốt. Phần thoại kịch của diễn viên cũng là lợi thế vì hầu như diễn viên nào cũng phát âm đẹp, trong từng câu, từng chữ có độ sâu, độ sắc nét, có ngữ điệu rõ ràng. Xem phong cách kịch của phía Bắc khán giả dễ dàng nhận ra điểm chung là sự chỉnh chu, an toàn, mạch lạc trong nhịp kịch, nhất là độ thâm trầm, sự trải đời và triết lí nhân sinh.

Và từ đầu mùa liên hoan tới giờ, các đơn vị này chọn khá nhiều câu chuyện về cách mạng, về người lính, về các gia đình xưa như để khẳng đinh thêm 1 lần nữa thế mạnh và độ bền của mình trong các đề tài này.

Tuy nhiên cũng cần nhìn thẳng 1 thực tế là một số vở vẫn còn lẫn quẫn trong 1 số thủ pháp dàn dựng của những năm trước, tạo hình nhân vật vẫn làm người xem thấy đó là kịch chứ chưa dẫn dắt họ về đời thực. Trong diễn xuất còn cường điệu hóa, cả hình thể lẫn mạch cảm xúc. Nhưng tiêu chí ngay từ đầu liên hoan này hướng đến là tìm sự mới mẻ, hấp dẫn, làm sao để kịch đến gần với công chúng chứ không phải đẩy công chúng ra xa. Nếu chịu đầu tư, làm mới mình, lắng nghe hơi thở của cuộc sống thì dù là đề tài nào, công chúng vẫn sẽ “mê”, dẫn chứng 1 số vở nhận được nhiều thiện cảm của khán giả tại liên hoan như: “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát kịch Việt Nam, “Khi con tốt sang sông” của Nhà hát kịch nói quân đội, “Tình đồng đội” của Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn… Cùng nhìn nhận vấn đề này, từ góc độ chuyên môn, Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát đã theo dõi suốt kỳ liên hoan bày tỏ : "Theo tôi thì đa số các vở diễn ở miền Bắc có được sự sâu sắc trong phần nội dung kịch bản, nhưng về biểu diễn thì vẫn còn hơi cứng…Nếu như nhặt sạn thì hầu như vở nào cũng có sạn nhưng mà  ít nhất là thấy được sự đầu tư , nhất là các đạo diễn đã chú tâm tạo được dấu ấn của mình trong những vở diễn đó".

Với TPHCM thì kịch xã hội hóa là 1 món ăn luôn mới, luôn hấp dẫn và luôn tạo được sức hút với công chúng. Điều đó được thể hiện khá rõ nét trong suốt những ngày thi vừa qua. Hầu như vở kịch nào của đơn vị xã hội hóa đều làm cho khán giả thấy nao nức, minh chứng cụ thể là luôn thiếu chỗ mỗi khi các đơn vị này dự thi. Sẽ khó mà đem ra so sánh với những đơn vị công lập, nhất là các đơn vị phía Bắc vì mỗi sân khấu có một phong cách làm việc khác nhau, có lượng khán giả riêng và có đời sống riêng. Nếu kịch phía Bắc thâm trầm, sâu lắng và triết lí thì kịch phía Nam lại dung dị, đời thường, dễ chạm vào tâm thức người xem. Những lát cắt cuộc sống mà mỗi người chi ít từng trải qua cứ nhẹ nhàng len lỏi vào trái tim khán giả qua diễn xuất, qua cảnh trí, qua âm nhạc và qua cách bố cục câu chuyện hợp tình hợp lí. Có thể kể  đến 1 số kịch bản hay và tạo được dấu son đẹp tại liên hoan của các đơn vị xã hội hóa như: Hiu hiu gió bấc (Sân khấu Buffalo), Lũ quỹ sống - viết lại từ kịch bản Mẹ Yêu (Sân khấu kịch Gia Bảo), Mua chồng 30 vạn (Sân khấu thế giới trẻ), Đàn bà dễ có mấy tay ( Sân khấu Hồng Vân), Tiếng giày đêm ( Sân khấu Ngôi sao xanh của nghệ sĩ Ngọc Trinh) và vui nhất chính là sự thành công của các đơn vị xã hội hóa lại ghi dấu của nhiều  đạo diễn và nghệ sĩ còn rất trẻ. Đạo diễn trẻ Minh Nhật sinh năm 1988 vừa tạo nên sự đột phá trong Hiu Hiu gió Bấc bày tỏ niềm vinh dự và sự nao nức khi lần đầu đến với liên hoan. Dù là diễn viên kịch dày dạn nhưng đây là lần đầu Gia Bảo đến với liên hoan với vai trò đạo diễn trong 1 kịch bản mà trước đó đã từng gây tiếng vang với những đạo diễn nổi tiếng - Gia Bảo xem đây là thử thạc, là cơ hội để tìm thêm khán giả cho kịch nói, tìm thêm cái mới cho kịch và cho chính bản thân mỗi diễn viên:“Những năm gần đây game show thống trị rất nhiều cho nên là các sân khấu kịch cũng khó hoạt động hơn lúc trước…  làm sao để khán giả ngày càng yêu kịch nói, không làm mai một bộ môn nghệ thuật này”

3 năm mới lại có một kì liên hoan, và công chúng có sự mong đợi đòi hỏi cao hơn một chút đối với các sân khấu là điều dễ hiểu. Và rõ ràng các sân khấu đã rất nổ lực và cố gắng để mang đến cho công chúng 1 mùa liên hoan nhiều màu sắc. Nhưng trong tình hình khó khăn chung của các loại hình nghệ thuật, kịch nói cũng không ngoại lệ, thì đôi khi có những hạn chế tồn tại trong 1 số vở thi là điều hoàn toàn có thể thông cảm. Giám đốc sân khấu ước mơ xanh – xuất hiện với cả vai trò diễn viên và đạo diễn tại liên hoan – nghệ sĩ Ngọc Trinh cho rằng: “Trinh thấy tiếng nói sân khấu của các nghệ sĩ ngoài Bắc rất là tốt nên thích hợp với nhiều vai diễn có sự khắc khoải bên trong…phong cách diễn của nghệ sĩ miền Nam nó gần gũi”.

Là 1 đạo diễn khó tính, đang là giảng viên tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM, Đạo diễn Thái Kim Tùng đồng hành cùng các nghệ sĩ trong những ngày qua cho biết cảm nhận: “Người ta hay phân biệt sân khấu Bắc , Nam nhưng theo Tôi thì nó là một …  thường mỗi khi xem xong 1 vở nào thì tôi đều thăm dò ý kiến của các đồng nghiệp, nhất là các nghệ  sĩ ở phía Bắc thì họ đều rất thích và quý kịch của miền Nam”

Cùng nhìn lại cho đến thời điểm hiện tại của liên hoan, Đạo diễn NSUT Trần Minh Ngọc, Trưởng ban lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhận định: “Sân khấu phải đồng bộ chứ không chỉ 1 khâu ...  làm sao để hấp dẫn, lôi kéo được khán giả ra khỏi nhà”.

Thi thố cùng nhau, nhìn ra những điểm mạnh, điểm hạn chế của nhau để cùng học tập và khắc phục để làm sao kịch nói hấp dẫn khán giả hơn, đó cũng là mục đích mà liên hoan lần này đặt ra. Vì chỉ khi nào có khán giả thì sân khấu mới có thể tồn tại. Như vậy thì để tìm và giữ chân khán giả thì không có cách nào khác là các sân khấu phải tự đổi mới, phải có những kịch bản thật hay, những đạo diễn thật giỏi và những diễn viên thật yêu nghề.

Ngọc Thu

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo