Kỳ vọng sức bật ở các Đặc khu - Thời sự 5 giờ 30 ngày 21/5/2018

(VOH) - Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là Đặc khu) sẽ được trình lên Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Dự luật vừa được Ban soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện lấy ý kiến. Đây là đơn vị hành chính kinh tế mới, được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới khi ưu tiên nhiều chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Làm thế nào để mô hình, thể chế ở các Đặc khu vừa đảm bảo vai trò đầu tàu trong sự phát triển như kỳ vọng nhưng cũng không mâu thuẫn với mô hình chính quyền các địa phương, với các Luật, Hiến pháp của nước nhà là điều phải cân nhắc rất nhiều. Kỳ vọng và thách thức đặt ra với mô hình các Đặc khu kinh tế không phải nhỏ. Mời quý vị nghe kỳ 1 của Loạt Phóng sự 3 kỳ: Đặc khu và cú hích để phát triển kinh tế đất nước do Phóng viên Hữu Nghị thực hiện, nhan đề: Kỳ vọng sức bật ở các Đặc khu.

Nói về sự cần thiết của việc ra đời các Đặc khu kinh tế trong thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là quyết định cần thiết để tạo sức bật mới cho cả nền kinh tế trước mắt và trong tương lai, khi mà mô hình các Khu kinh tế, Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao đã hoàn thành vai trò dẫn dắt và định hướng nền kinh tế trong gần 25 năm qua. Bà Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho rằng thời gian này chúng ta đã có đủ điều kiện về cơ sở chính trị, pháp lý và có cả quá trình nghiên cứu về mô hình này. Nếu không ban hành pháp luật kịp thời, có thể Việt Nam sẽ mất đi nhiều cơ hội kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với những nơi làm điểm chỉ đạo phát triển kinh tế, nhất là trong thời đại chúng ta đang hội nhập sâu rộng. Tôi nghĩ, xây dựng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế Việt Nam, tạo chính sách mới, động lực mới, vượt trội với bộ máy chính quyền gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung tối đa quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu.

Đặc khu kinh tế và dự thảo luật này đang trong quá trình hoàn thiện khung thể chế nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này cho thấy những thành công bước đầu khi lựa chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để thực hiện mô hình Đặc khu.

Mở cửa, thu hút nhà đầu tư đến với các Đặc khu như thế nào là điều khá cân nhắc vì đây được xem như điểm tựa kinh tế của toàn vùng, mà trung tâm sẽ là 3 địa phương thí điểm: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Để hướng đến mục tiêu đó, dự luật đề ra những quy định đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược vào các Đặc khu. Nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện về tiềm lực nhất định, như: Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển có quy mô vốn ít nhất 6.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của các công ty thuộc danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới có quy mô vốn đầu tư ít nhất 6.000 tỷ đồng, cùng với những quy định về thời điểm giải ngân nhất định. Tiến sĩ Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là những tiền đề để các Đặc khu bứt phá. "Về vị trí, 3 vị trí chúng ta đã lựa chọn là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cũng đều có vị trí hết sức thuận lợi, kết nối dễ dàng với quốc tế kể cả hàng không, đường biển. Lấy ví dụ như Vân Đồn, chỉ cần 3 giờ bay thôi chúng ta đã tiếp cận được đất nước có quy mô dân số 3 tỷ dân. Hay như Phú Quốc - trung tâm của ASEAN. Vân Phong hiện cũng có cảng nước sâu lớn nhất nằm trên trục vận chuyển hàng hải quốc tế. Ngoài ra, các khu vực này cũng có tiềm năng, lợi thế hết sức tốt cho phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, công nghệ cao, giáo dục đào tạo và tài chính thương mại…" - Tiến sĩ Trần Duy Đông nói.

Chính bởi việc triển khai muộn nên trách nhiệm đặt lên vai các đặc khu kinh tế cũng rất nặng nề. Đó là phải cạnh tranh không chỉ với các khu vực khác trên lãnh thổ mà còn phải khác biệt, hấp dẫn hơn các Đặc khu đã thành công trong khu vực và trên thế giới. GS.TS Đặng Hùng Võ, nêu dẫn chứng Đặc khu là địa bàn mà trên đó, chúng ta có thể kêu gọi các nước vào sinh sống, phát triển, làm thương mại, đầu tư, mang công nghệ mới tới, mang trung tâm tài chính tới. Trong điều kiện hoạt động có lợi, họ sẽ mang tới, có nghĩa khi đó, Việt Nam sẽ có những điểm, giống như những trung tâm thu hút cực mạnh, để trên cơ sở đó nó tự phát triển. Đồng thời, nó lại là một trung tâm tác động vào phần không phải là Đặc khu để các địa phương khác phát triển theo.

Có thể thấy, 3 khu vực được chọn làm Đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có những lợi thế riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Trên thực tế, cả 3 khu vực này đã nổi lên ở khía cạnh thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Phú Quốc. Điều này là một trong những ưu điểm thu hút các nhà đầu tư chiến lược lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đi liền với đó cũng không ít khó khăn đặt ra với mô hình các Đặc khu, trong đó đặc biệt là mô hình thể chế quản lý nhà nước, chế độ ưu đãi đầu tư. Điều khiến không ít chuyên gia băn khoăn, hàng loạt ưu đãi chưa có tiền lệ đã được đề xuất cho Đặc khu nhưng sự chuẩn bị cho các ngành nghề của tương lai như công nghệ cao, hầu cần, bán lẻ, y tế còn quá mờ nhạt ở các mô hình như thế này.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo