Kỳ 2: Khi thần tượng của học trò – chính là thầy hiệu trưởng! - Thời sự 11g ngày 3/7/2018

(VOH) - Để trở thành thần tượng trong lòng mỗi học sinh của mình, chắc chắn đó phải là một người thầy đặc biệt.

Chưa dừng lại ở đó, người thầy còn là hình mẫu chuẩn về tấm gương đạo đức sư phạm mà mỗi giáo viên trong trường hướng đến. Nói về ông, mọi người nhắc ngay đến những cụm từ: mạnh dạn, đổi mới, gần gũi…

Người thầy mà chúng tôi muốn nhắc đến, đó là thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM)

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM).

Từ khi về làm quản lý tại trường đến nay gần hai năm, vị hiệu trưởng ấy ngày nào cũng làm một công việc quen thuộc: đến trường thật sớm, cúi đầu chào học sinh, phụ huynh ở cổng trường.

“Thầy là người nhiệt tình, vui vẻ và hòa đồng với học sinh và phụ huynh. Thầy có những hoạt động ở trong trường rất hay. Những ngày mình chở con đi học hay gặp thầy đứng ở ngoài cổng trường để thầy chào học sinh” –phụ huynh Nguyễn Thị Dạ Thảo chia sẻ.

Chắc hẳn không chỉ riêng với phụ huynh Nguyễn Thị Dạ Thảo, có con đang học lớp 10A2 tại trường, mà hầu hết phụ huynh đều cảm thấy vững tâm khi gửi gắm con mình vào một môi trường có người đứng đầu như vậy. Hành động ấy đã lan tỏa và hình thành nên văn hóa chào hỏi giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên ngay trong trường.

Còn đối với học sinh, người hiệu trưởng ấy đã làm “tan chảy” bao trái tim của học trò với biết bao hành động đứng về phía các em, vì các em. Đối với nhiều học sinh, thầy Huỳnh Thanh Phú mới là thần tượng của mình.

Học sinh Minh Anh, lớp 10A15, ấn tượng đầu tiên về thầy, đó là: “Ngày đầu tiên em vào trường là buổi họp giữa thầy Phú và phụ huynh. Chính hôm đó gây cho em và cả bố mẹ em ấn tượng về cách mà thầy nói chuyện với mọi người. Em học thầy ở cái cách thầy lãnh đạo rất thân thiện, thầy tạo được mối quan hệ gần gũi giữa thầy cô và học sinh. Điều đó làm em thần tượng thầy, muốn học ở thầy”

Ở trường, học sinh có thể gặp thầy hiệu trưởng bất cứ lúc nào để trình bày về việc học, hay về trường, về lớp. Khi học sinh lên kế hoạch hoạt động ngoại khóa, hoạt động Đoàn, thầy lắng nghe, tiếp thêm sức mạnh để các em thực hiện nó một cách thăng hóa nhất. Mỗi đầu tuần chào cờ, thầy biến nó trở thành một buổi nói chuyện chủ đề kỹ năng với những câu chuyện gần gũi. Đặc biệt, điều khiến học sinh thích thú là mỗi tuần học sinh đều có một tiết đọc sách tại thư viện để phát triển văn hóa đọc. Hàng loạt câu lạc bộ trong nhà trường như bóng đá, bóng rổ, nhảy….cho học sinh tham gia phát triển toàn diện.

Với Trần Gia Huy, học lớp 11A6, những gì mà thầy làm học sinh đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng các em: “Từ lúc thầy về đây, thầy tổ chức cho tụi em rất nhiều trò chơi. Ví dụ, thứ 2 đầu tuần trước khi thầy về chỉ là buổi chào cờ, lên lớp nên rất nhàm chán đối với tụi em. Còn thầy, thứ 2 đầu tuần thầy đều kể câu chuyện về bài học cuộc sống, mẩu chuyện về Bác Hồ….Thầy rất tuyệt vời!”

Với giáo viên, người làm công tác quản lý như ông lại có một quan niệm là sẽ đảm bảo chăm lo tốt nhất cho giáo viên, với điều kiện giáo viên phải chăm lo tốt nhất cho học sinh và vì học sinh. Với phương châm đó, trường tạo mọi điều kiện cho giáo viên dạy và học, tiếp cận những phương pháp giáo dục mới. Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm… là những cụm từ xuất hiện ngay trong ý nghĩ của mỗi giáo viên khi nhận xét về người quản lý của mình.

Giáo viên Nguyễn Tường Thịnh, dạy môn Lý, cho rằng: “Thầy Phú có rất nhiều ý tưởng và sự sáng tạo trong việc thực hiện đổi mới. Tất cả mọi ý tưởng của thầy đều để phục vụ cho học sinh để các em học tốt nhất, để trường THPT Nguyễn Du đúng nghĩa trở thành trường hội nhập tiên tiến. Khi thầy Phú về trường trong vòng 2 năm thôi, mọi thứ đã thay đổi theo đúng quy trình của một trường học hội nhập tiên tiến”

Làm thế nào mà về trường mới có hai năm, người hiệu trưởng ấy lại “lấy lòng” được hết thảy từ cán bộ nhân viên, giáo viên, rồi đến học sinh và nhất là phụ huynh – một cách chân thành như vậy? Mang bao sự tò mò thú vị đến gặp ông, và cũng rất thú vị khi được ông chia sẻ rằng, tất cả là ở tấm chân tình. Ông từng làm giáo viên, tổ phó, tổ trưởng chuyên môn, rồi đến chủ tịch công đoàn, trợ lý thanh niên, hiệu phó…..hầu hết các vị trí trong một môi trường giáo dục ông đều kinh qua, vì vậy mà ông biết suy nghĩ, tâm lý, mong đợi của học sinh, giáo viên và kỳ vọng của ban giám hiệu như thế nào.

Đối với công tác chuyên môn là giảng dạy, ông đã truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo trong dạy và học bộ môn Hóa của mình đến với giáo viên và học sinh.

Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Thành phố đánh giá, ấn tượng về thầy Huỳnh Thanh Phú, có lẽ là vì một người hiệu trưởng mà hầu như hoạt động tập thể nào do ngành giáo dục TP tổ chức, ông cũng đều có mặt cùng các giáo viên của mình. Thầy Huỳnh Thanh Phú là một trong những cán bộ quản lý trưởng thành từ cán bộ công đoàn. Xuất phát từ tấm lòng của người hiệu trưởng từng là cán bộ công đoàn, ông luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đội ngũ giáo viên. Bằng sự nhạy bén của mình, ông đã tháo gỡ những trăn trở của giáo viên.

Chính điều này đã tạo nên tình đoàn kết nội bộ nhà trường, đó là thành công đầu tiên của người làm lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Gái nhận xét: “Chính sự tâm huyết, truyền lửa của thầy Phú đến với đội ngũ, nhất là giáo viên trẻ, tôi thấy rất hiệu quả. Từ đó, thầy đã gieo vào đội ngũ giáo viên của mình một niềm tin về sự đổi mới và những mong muốn trong đổi mới giáo dục. Bởi vì trường THPT Nguyễn Du là một trong những mô hình trường Sở GD-ĐT xây dựng theo hướng tiên tiến hiện đại. Do đó, tôi thấy những nội dung, ý tưởng về sự đổi mới tại trường này, tôi nghĩ thầy Huỳnh Thanh Phú đã thành công khi gieo niềm tin cho đội ngũ”

Là thần tượng trong lòng mỗi học trò, là hình mẫu để các giáo viên phấn đấu. Còn hình mẫu trong lòng thầy Huỳnh Thanh Phú chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ, cả cuộc đời Bác là một bài học rất lớn để chúng ta soi rọi vào đó mà phấn đấu suốt đời.

“Tôi học Bác ở việc ngày giờ công: đi sớm, về trễ, làm hết việc chứ không hết giờ. Thứ hai là yêu thương: yêu thương học trò, yêu thương thầy cô, nhân viên của mình, quan tâm đến từng con người chứ không nói chung chung. Những tiểu tiết nhưng lại không hề nhỏ đâu. Chúng ta đừng nghĩ ở cương vị làm quản lý chúng ta chỉ lo cái lớn, điều này không đúng, mà chúng ta phải chăm chút từng sự việc, từng con người chúng ta phải nâng niu. Anh em người ta sẽ cảm nhận được, mình phải làm bằng cái tấm lòng của mình”

Nghe ông nhắc đến những điều nhỏ nhất, chợt nhớ đến chuyện nhà vệ sinh cho giáo viên nữ - một dự án nho nhỏ mà ông tâm huyết. Cơ sở vật chất tiện nghi, không gian rộng rãi, có phòng tắm, phòng thay đồ, đặc biệt là bố trí bàn trang điểm rất to..…..để phục vụ các giáo viên nữ. Để ý từ cái chuyện nhỏ nhặt như vậy, thì đã thấy cái “tình” trong phong cách một người lãnh đạo rồi.

Thùy Linh

VOH

Bình luận

Đọc Báo