Kiểm tra giám sát chặt nguồn thực phẩm vào thành phố - Thời sự 11g 22/01/2018

(VOH) - Thời điểm cận Tết nhu cầu hàng hóa, thực phẩm phục vụ người tiêu dùng rất lớn vì thế cũng tiềm ẩn nguy cơ hàng gian, hàng giả, thực phẩm kém chất lượng tuồn vào thị trường.

Kiên quyết mạnh tay với thực phẩm bẩn, trong đó xử phạt và tiêu hủy tại chỗ là quan điểm mà PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP nêu rõ. Bên cạnh đẩy mạnh thanh kiểm tra thì công tác tuyên truyền về thực phẩm sạch cũng được chú trọng.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: anninhthudo

*VOH: Thưa bà, từ đây đến tết Nguyên đán tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng trà trộn vào thị trường sẽ có nguy cơ rất là lớn. Vậy thì Ban An toàn thực phẩm TP sẽ chủ động giám sát, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn như thế nào?

- PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Từ đây cho đến tết Nguyên đán, chúng tôi đã thành lập các đoàn thanh tra kiểm tra, kể cả kiểm tra theo kế hoạch cũng như kiểm tra đột xuất theo tin nhắn của người dân và anh em đang vào cuộc hết sức quyết liệt cùng với đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện chúng tôi vừa qua cũng bắt được 2 vụ việc tương đối  là đáng kể, điều này cho thấy rằng chúng ta rất cố gắng, rất quyết liệt nhưng thị trường vẫn còn lắm phức tạp đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa. 

Chúng tôi sẽ tập trung tại các cửa ngõ, các chợ đầu mối tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa lấy mẫu để test nhanh để xem thử là có chất cấm hay không. Bản thân tôi cũng được biết ngay tại các siêu thị và chợ đầu mối cũng có hệ thống tự kiểm tra.

Tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn đặc biệt là các cơ sở kinh doanh cũng sẽ được tăng cường kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào kho lạnh, các nơi tập kết hàng chuẩn bị Tết, rồi các cơ sở chế biến phục vụ Tết như mứt, bánh kẹo, thực phẩm chế biến như giò, chả, xúc xích…  tất cả những thực phẩm đó liên quan đến chất phụ gia... vì thế phải được tăng cường.

*VOH: Là cơ quan chịu trách nhiệm chính với UBND TP về quản lý an toàn thực phẩm, trong năm nay việc thanh kiểm tra sẻ có sự khác biệt như thế nào so với mọi năm?

- PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Những năm trước cũng có thanh kiểm tra nhưng hệ thống tổ chức có khác, chủ yếu là đoàn thanh kiểm tra liên ngành của các quận, huyện và mỗi sở có lực lượng thanh kiểm tra riêng. Đối với Ban, chúng tôi tổ chức lại, nhập 3 sở lại nên con số thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm lên đến con số gần 250.

Chúng tôi đưa về cho các đội liên ngành quận, huyện để như vậy ngay tại chỗ ở quận, huyện cũng có lực lượng của Ban phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương trong mọi công tác về an toàn thực phẩm.

Chúng tôi còn lo chuyện xử lý ngộ độc, xử lý lấy mẫu, test, kiểm nghiệm, tuyên truyền giáo dục tập huấn tất cả cùng phối hợp với địa phương vì mô hình liên ngành ở địa phương đi sâu đi sát nắm tình hình nhưng có nhược điểm là thiếu người có chuyên môn thì như vậy gặp nhiều hạn chế.

Bây giờ đội an toàn thực phẩm về quận, huyện là thành viên trong ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của quận, huyện như vậy cùng nhau xây dựng kế hoạch, tránh chồng chéo, và phụ được cho nhau, cùng nhau đi thanh kiểm tra tại cơ sở.

Ví dụ như vừa rồi khi phát hiện ra các vụ việc vi phạm về thực phẩm bẩn tại Hóc Môn  thì rõ ràng phải có sự phối hợp với địa phương là lực lượng quản lý thị trường, là công an để xử lý vụ việc kịp thời nhất.

*VOH: Quan điểm của bà như thế nào trong vấn đề kiên quyết xử lý những hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm bẩn?

- PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Có thể nói, hệ thống pháp lý của chúng ta cũng còn nhiều khó khăn trong xử lý và những đối tượng vi phạm cũng lợi dụng vào đó để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, hay gọi là lách luật.

Vì vậy, các cơ quan chức năng phải phối hợp với nhau sao cho vừa đúng luật vừa xử lý mang tính răn đe. Thay vì áp dụng cái khung của an toàn thực phẩm phải lưu mẫu rồi bắt đầu lấy mẫu kiểm nghiệm, lưu trong kho thì có thể nhờ quản lý thị trường áp dụng cho tiêu hủy ngay vì là hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng gian hàng giả.

Vấn đề là áp dụng khung nào cho đúng luật, đây là một bài học và chúng tôi cũng đang hết sức phối hợp với các ngành.

*VOH: Bên cạnh đẩy mạnh thanh kiểm tra thì chúng ta phải thực sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm sao cho người dân biết được thực phẩm an toàn - đó cũng là việc cần khuyến khích.

Vào ngày 25/1 tới đây, Ban sẽ tổ chức Hội chợ Xanh đây cũng là dịp để người dân TP có cơ hội tham quan, tiếp cận và sử dụng thực phẩm tham gia chuỗi an toàn của Thành phố. Nhân đây bà có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa, mục đích của Hội chợ Xanh lần này?

- PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Có thể nói công tác chống thực phẩm luôn đi kèm, song song với xây thực phẩm sạch và để xây thực phẩm sạch, chúng tôi làm nhiều hoạt động trong đó có phát triển chuỗi thực phẩm an toàn.

Không riêng gì Ban an toàn thực phẩm, các ngành khác đặc biệt bên nông nghiệp cũng có những chuẩn về thực phẩm tươi sống đạt chuẩn an toàn như VietGap, Global Gap... rồi những doanh nghiệp xuất khẩu, chuẩn hội nhập... rất nhiều. Phát triển là một việc nhưng việc thứ hai làm sao tìm đầu ra và cho người dân tin dùng hơn nữa.

Một trong những tiêu chí để đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có thành công hay không thì phải nhìn vào tỷ lệ người dân dùng thực phẩm sạch. Thế thì chúng tôi có nhiều hoạt động làm sao phải khuyến khích phát triển hơn nữa những kênh phân phối hiện đại, kênh phân phối truyền thống thì phải nâng chất lên, rồi có những động thái để tăng cường tiêu thụ những thực phẩm sạch ở nơi tiêu thụ nhiều như các bếp ăn tập thể cho công nhân, rồi tại trường học, rồi nhà hàng khách sạn nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt chuẩn càng tốt.

Chúng tôi cũng đã có chương trình tăng cường chất lượng bữa ăn cho hệ thống giáo dục. Một trong những sự kiện chúng tôi cũng hướng đến tổ chức là các hội chợ để người dân nhìn tận mắt, sờ tận tay, thấy để nhận biết thực phẩm sạch, cũng là một kênh và là dịp để người dân chuẩn bị thực phẩm sạch đón Tết.

*VOH: Cảm ơn bà.

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo