Không dám sửa chữa nhà ở dù đã có giấy phép - Thời sự 5g30 10/7/2018

(VOH) - Bài 2 của loạt bài Loạt bài “Bất cập trong quy hoạch ở TPHCM” với nhan đề “Không dám sửa chữa nhà ở dù đã có giấy phép”, do nhóm Phóng viên VOH thực hiện.

Quyết định 26 năm 2017 của UBND quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được ban hành nhằm giải quyết tạm thời thực trạng các công trình hoặc nhà ở riêng lẻ có sẵn của tổ chức, cá nhân thuộc khu vực có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo và xây dựng công trình hoặc nhà ở riêng lẻ theo đúng mục đích sử dụng đất trước. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trường hợp có giấy phép nhưng người dân không dám xây dựng, sửa chữa nhà ở vì phải cam kết tháo dỡ không được bồi thường dù vì lý do gì!.

Nhà ông Nguyễn Quang Lập, ngụ ở hẻm 488 đường Điện Biên Phủ, diện tích đất dự kiến còn lại của nhà ông sau khi quy hoạch chưa đầy 10 m vuông. Vậy nên nhà bán chẳng ai mua, gia đình ông cứ cầm cự ở trong căn nhà trệt gác gỗ xây hơn 40 năm qua, đến nay đã xuống cấp trầm trọng, cây gỗ, sàn gỗ đã mục nát. Cả gia đình mỗi khi bước lên gác đều phải rón rén lựa thế bởi sợ gác sập bất cứ lúc nào.

Khi biết thành phố ban hành quyết định 26 cho phép người dân sống trong khu quy hoạch được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, ông Lập hồ hởi soạn sẵn giấy tờ nhà với niềm vui thoát khỏi cảnh tạm bợ bao năm qua. Thế nhưng khi nhìn thấy quy định phải ký cam kết tự tháo dỡ, không bồi thường phần công trình theo giấy phép tạm, ông lại rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nhà xuống cấp, để vậy ở thì sợ sập, còn nếu mới xây xong mà giải tỏa liền thì phải đập bỏ, tiền sửa nhà như đổ sông đổ biển. Ông Lập tha thiết được biết về ngày giờ cụ thể thực hiện quy hoạch hoặc quy hoạch đã được bỏ thì cũng thông báo cho người dân ổn định cuộc sống.

Ông Lập cho biết nhà thì càng ngày xuống cấp, người ở càng tăng, hồi trước có mấy người giờ lên tới 10 người, là người lao động ông không có tiền mua nhà mới, mà bán chẳng được bao nhiêu. Cách đây 7-8 năm trước khi ông lên phường hỏi nghe nói quy hoạch để vậy luôn. Cấp phép xây dựng tạm rồi tự tháo dỡ, tiền kiếm từng đồng từng cắc mà tháo dỡ thì phí đi, nhưng mà không sửa biết đổ chừng nào.

Còn ông Phạm Ngọc Thọ, ngụ ở hẻm 488 đường Điện Biên Phủ phường 21 quận Bình Thạnh chia sẻ vì chờ đợi giải tỏa mà ông không dám xây dựng, sửa chữa nhà cửa như yêu cầu của con cái trong gia đình. Vì chán cảnh sống chen chúc trong căn nhà nhỏ, các con của ông đành phải bấm bụng thuê nhà trọ dù ai cũng nghèo.

Ông Thọ cho biết chỉ nghe phong phanh người này nói người kia nói còn thời gian người dân không nắm được, có ý định sửa nhà nhưng từ chỗ nghe có quy hoạch nên không dám làm dù chỉ cất 2 tấm đúc giả đơn giản.

Ở một khu vực ven kênh Bàu Trâu, bà Đỗ Thị Lan ngụ hẻm 154 Tân Hòa Đông, phường 14 quận 6 thuộc diện giải tỏa trắng cho hay, nhà bà bị thấm nước dột tứ bề, mua tôn cũ gắn lại 1, 2 năm lại dột nữa phải thay. Muốn xây sửa nhà cũng phải vay mượn. Vậy mà giờ chỉ cho xây tạm, không biết tháo dỡ khi nào, lại không được đền bù, không khéo xây xong vài ba tháng sau giải tỏa thì coi như ôm nợ. Bà Lan cho biết năm 2015 quận mời dân ở đây lên để nói quy hoạch thì bà cũng trông cho nhanh để kiếm chỗ khác ở cho ổn định.

Bà Phạm Thị Hạnh, ngụ hẻm 154 Tân Hòa Đông, phường 14 quận 6 mới đây đã dùng hết số tiền dành dụm nhờ vào việc bán rau ngoài chợ để sửa nhà làm đám cưới cho con gái. Nhà sửa xong rồi mà vừa ở vừa lo lắng, hồi hộp vì mới tốn tiền sửa chữa, chỉ mong ở lại thêm được ít năm nữa. Bà Hạnh cho biết nhà xuống cấp nhiều lắm phải cố gắng sửa vì ở đâu có được nữa, cứ chờ đợi hoài, sửa cũng hồi hộp lắm mà hổng sửa  thì hổng được. “Trên dột dưới ngập làm sao chịu nổi . Lo mới sửa giải tỏa liền thì tiền bạc hổng có, đã sửa rồi mới mong ở lại thêm vài năm nữa”, bà Hạnh nói.

Do đâu mà hiện nay công tác quy hoạch tại TPHCM lại vướng phải những bất cập như vậy? Trong một hội thảo, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố, nhận định, đối với thành phố HCM trong thời gian qua phát triển rất nhanh và có rất nhiều cái lúng túng trong quản lý do tiếp thu một thành phố không hoàn thiện, vừa làm, vừa xây dựng cho nên gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng quy hoạch của thành phố không hoàn chỉnh, dẫn đến tình trạng “công trường” chỗ thì xây dựng, chỗ thì không như hiện tại.

Từ thực tế này, chính quyền địa phương trong suốt thời gian qua đã có những động thái gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân? Năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 6, Hội đồng nhân dân Thành phố khóa 8 đã thông qua Nghị quyết 16 về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị để rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi và năng lực của nhà đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch của từng dự án có sử dụng đất để xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng dự án “treo”… Sau khoảng thời gian hơn 5 năm, đến cuối năm 2017, theo báo cáo của UBND thành phố cơ bản đã xóa hơn 580 dự án “treo”. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết đã rà soát tất cả các dự án từ năm 2004 đến nay, tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP thu hồi hơn 190 dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân TP với diện tích trên 2.800 ha, từ đó người dân có quyền thực hiện được những hoạt động của mình.

Năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch của tất cả quận, huyện trên địa bàn. Theo đó khi thực hiện việc điều chỉnh này, việc xóa quy hoạch thành đất ở đã giúp cho rất nhiều hộ dân thoát cảnh “bị treo”. Người dân được xây dựng, sửa chữa nhà ở theo ý muốn, ổn định cuộc sống.

Vào đầu năm nay, TPHCM đã bắt đầu điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong quá trình này có nhiều yếu tố mới phải được tính đến và những yếu tố cũ cần được tính toán lại, bởi thành phố hiện tại phải đối mặt với những thách thức về hạ tầng giao thông, đô thị và áp lực dân số tăng vượt dự kiến. Quy hoạch tầm nhìn 10 năm, 20 năm và những năm tiếp theo phải hội đủ các yếu tố thì mới đảm bảo sự ổn định về nhà ở, đất ở cho người dân.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo