Kháng thuốc, thực tế báo động - Thời sự 11 giờ 24/3/2018

(VOH) - Nếu không có những biện pháp kiểm soát hợp lý sử dụng kháng sinh thì kháng thuốc sẽ là “kẻ giết người thầm lặng”, người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong chỉ vì lờn thuốc, không điều trị được.

Bài phân tích của Nhất Hương.

Kết quả khảo sát từ Tổ chức Y tế thế giới tại 52 quốc gia bao gồm nước có thu nhập cao và thu nhập thấp cho thấy tỷ lệ kháng thuốc đang ở mức lo ngại. Nó đang diễn ra rộng khắp không phân biệt nước giàu hay nghèo. Các bệnh nhiễm trùng dù chỉ thông thường thì nay cũng đã kháng thuốc. Như với kháng sinh  Penicillin, loại kháng sinh chủ lực dùng để điều trị viêm phổi đã có mức đề kháng thay đổi từ 0 lên đến 51%. Thêm một kháng sinh phổ biến dùng điều trị nhiễm trùng tiểu do Ecoli là Ofloxacine đã có tỉ lệ đề kháng dao động từ 8 đến 65%.

Tại Việt Nam, đáng ngại hơn khi hiện nay, hầu như các kháng sinh thế hệ 1 và thế hệ 2 đều ít đáp ứng điều trị buộc các bác sĩ phải dùng kháng sinh thế hệ mới. Tuy nhiên, lo ngại hơn nếu kháng sinh thế hệ mới lại tiếp tục kháng thuốc, thì việc điều trị cho người bệnh sẽ gặp rất nhiều thách thức. Thực tế cũng đã có những câu chuyện đau lòng vì bệnh nhân không đáp ứng với các loại kháng sinh điều trị vì thế  bệnh không qua khỏi.

Nghiên cứu của Bác sĩ Hồ Thị Mỹ Châu và cộng sự đến từ Bệnh viện Da liễu Thành phố đã chỉ ra cụ thể việc sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn đến tình trạng lờn thuốc ngày càng cao. Cụ thể với bệnh lậu có nhiều loại kháng sinh mà tỷ lệ kháng thuốc gần 100%, trong đó có Penicillin. Bác sĩ Hồ Thị Mỹ Châu cho biết nghiên cứu hơn 100 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da Liễu, các bác sĩ nhận thấy vi trùng lậu cầu đã kháng với kháng sinh Ciprofloxacin với tỷ lệ ngất ngưỡng 100%, Penicillin là 98% cùng một vài kháng sinh khác. Khi nhìn bức tranh tổng thể có thể thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc phải kể đến như lạm dụng kháng sinh trong kê toa, người dân sử dụng kháng sinh bừa bãi, các nhà thuốc tư nhân tự do bán kháng sinh không được kiểm soát. Đáng nói hơn là tâm lý sính dùng kháng sinh của rất nhiều người, khi đến bệnh viện bác sĩ kê toa không có thì tự ý đi mua kháng sinh vì cho rằng có dùng kháng sinh thì bệnh mới khỏi, mới an tâm.

Chính việc quản lý kê toa trong bệnh viện chưa chặt chẽ, mua bán kháng sinh quá dễ dàng nên người dân có điều kiện tiếp cận, sử dụng kháng sinh như một thói quen, đến khi bệnh nặng, cơ thể không đáp ứng điều trị thì lúc đó việc cũng quá muộn màng. Tìm phương cách để giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng vì chúng ta đều biết rằng, bệnh không có thuốc coi như vô vọng. Vấn đề này cũng đã được Bác sĩ Nguyễn Phú Hương Lan – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố cảnh báo khi trên thực tế kháng sinh thường được kê từ 50 đến 80% là không cần thiết, có những trường hợp không nên kê đơn kháng sinh nhưng vẫn được chỉ định dùng như khi bệnh nhân sốt không kèm nhiễm khuẩn, một số tiêu chảy nhiễm trùng, nhiễm trùng tiểu v.v…

Tình trạng kháng thuốc nếu không kịp thời có những giải pháp từ trong bệnh viện lẫn biện pháp siết chặt trong mua bán kháng sinh thì thực sự sẽ là thảm họa đổ lên người bệnh. Đó là cái dễ thấy nhất bên cạnh các tổn thất khác vì chi phí y tế, chi phí điều trị sẽ ngày càng cao chỉ để tìm ra kháng sinh đáp ứng điều trị. Thảm họa của tình trạng đề kháng kháng sinh theo các chuyên gia ngành dược là có thật, đang xảy ra, vi khuẩn đang gia tăng tính kháng thuốc nhanh chóng trong khi thời gian tìm ra kháng sinh mới thì lại  rất chậm.Để việc giám sát kháng sinh tại các bệnh viện hiệu quả, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ từ rất nhiều bộ phận chủ lực vẫn là  bác sĩ điều trị, dược sĩ, rồi đến bộ phận vi sinh lâm sàng. Bác sĩ không thể tự kê kháng sinh mà phải dựa vào kết quả kháng sinh đồ và tư vấn từ vi sinh lâm sàng. Nhưng quan trọng nhất, làm sao phải kiểm soát được tình trạng mua bán kháng sinh tràn lan cùng thói quen tự ý đến nhà thuốc mua kháng sinh của người dân. Chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn đến thực trạng kháng thuốc ngày càng phổ biến.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo