Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở (P2) - Thời sự 05g30 24/04/2019

(VOH) - Tiếp tục nội dung toạ đàm "Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở", mời quý vị nghe Kỳ 2, nhan đề "Cần chính sách nhất quán trong sử dụng lao động qua đào tạo"

Cơ cấu nguồn nhân lực cần thiết cho quốc gia phát triển thường có tỷ lệ người tham gia trực tiếp quá trình sản xuất là lực lượng số đông chiếm 50-70%. Nếu lực lượng này được đào tạo tay nghề tốt sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. 

Tiếp tục nội dung toạ đàm "Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở", mời quý vị nghe Kỳ 2, nhan đề "Cần chính sách nhất quán trong sử dụng lao động qua đào tạo" với sự tham gia của các khách mời: 

• Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo;

• Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức;

• Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10.

---

 

* VOH: Thưa Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp việc liên thông giữa trường trung cấp và các bậc học khác cần được thực hiện như thế nào?

- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chúng ta rất mong có cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp, nhất là nguồn nhân lực xuất thân được đào tạo nghề bài bản và sớm. Theo tôi, mong muốn của người học là muốn học tiếp lên hay được công nhận... không quan trọng bằng chúng ta có một chế độ chính sách một cách toàn diện trong việc sử dụng lao động. Chúng ta phải xác định và phải tiến tới luật hoá việc sử dụng lao động. Ví dụ, một người lao động giản đơn sản xuất hàng hoá là thức ăn thực phẩm. Nếu họ tự cung tự cấp thì không cần đào tạo, nhưng nếu đã có kinh doanh thì phải được chuẩn hoá, quy định trong luật. Điều này sẽ giúp cho mọi ngành nghề có bước đầu đào tạo tốt.

Thứ hai, chúng ta cũng phải quy định về chuẩn hoá tiền lương. Tiến sĩ mà làm ở những nơi không phù hợp sẽ khó khăn cho đơn vị tuyển dụng lao động. Như vậy, nếu phân hoá theo công tác sử dụng lao động thì tự nhiên công tác phân luồng sẽ thuận lợi. Tôi cũng mong rằng phải có nhiều người có trình độ tốt, tham gia học nghề từ sớm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta không hi vọng phân khúc theo kiểu những em học không nổi lên THPT mới rẽ vào lĩnh vực học nghề. Như vậy, nguồn nhân lực chổ này rất yếu 

* VOH: Cám ơn Thạc sĩ Lê Duy Tân, còn Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát có ý kiến gì về vấn đề này?

 - Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10:

Chỉ ở Việt Nam mới có những người không học gì xách giỏi đi làm nail. Chưa chắc người ta am hiểu về đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ: họ sẽ sử dụng lại kềm  bấm cho nhiều người, sẽ lây lan bệnh. Hoặc làm việc nhà, ai xi vô làm cũng được. Đúng ra học phải được đào tạo. Những người nghèo nhất Bộ LĐTB&XH sẽ bỏ tiền ra lo cho người đó đi học. Khi đó, mọi người sẽ làm việc rất chuyên nghiệp.    

- Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức:

Cần buộc các doanh nghiệp khi sử dụng lao động phải có chứng chỉ hành nghề, những người đó phải qua đào tạo. Đơn củ, hành nghề lái xe nâng thì anh phải có chứng chỉ qua lớp đào tạo lái xe nâng. Một người giữ trẻ nhóm trẻ gia đình, bảo mẫu cũng phải qua lớp đào tạo. Tức là mọi người khi sử dụng lao động thì buộc lao động đó phải qua đào tạo. Có thể khoá đào tạo đó ngắn hạn hay dài hạn là tuỳ theo ngành nghề. Mặc dù hiện nay mình đã có nhưng để buộc các doanh nghiệp phải sử dụng người lao động đã qua đào tạo thì vẫn còn bỏ ngõ.

* VOH: Trong một hội thảo góp ý cho luật Giáo dục, các diễn giả đã nhắc đến các mô hình trường trước 1975, loại hình trường Trung học kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp như trường Cao Thắng, Nông Lâm Súc là mô hình trường học có chuẩn đầu vào rất cao và được nhiều người học lựa chọn. Học sinh tốt nghiệp được cấp bằng tú tài kỹ thuật, được quy định ngạch bậc trong hệ thống quản lý nhà nước nếu đi làm. Ngoài ra, các em còn có nhiều hướng lựa chọn cho tương lai như có thể sử dụng bằng tú tài kỹ thuật, tú tài nông lâm súc thi vào bất cứ đại học nào kể cả trường Y. Xin hỏi các vị khách mời đánh giá như thế nào về các mô hình trường học này? Có gặp khó khăn gì nếu triển khai trong giai đoạn hiện nay?

- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo:

Các mô hình trường Cao Thắng, Nông Lâm Súc trước giải phóng là mô hình trường học rất phù hợp trong giai đoạn bối cảnh lúa bấy giờ. Sau giải phóng chúng ta cũng có những mô hình tương tự như trường vừa học vừa làm... Tuy nhiên, bất cứ mô hình nào cũng phải đặt trong bối cảnh đào tạo nguồn nhân lực ở giai đoạn đó. Bản thân trường Cao Thắng ngày nay vẫn đào tạo nghề rất tốt do trường đã có sự chuyển biến và thay đổi rất tích cực. Việc học tập các mô hình trước đây hoặc mô hình các nước trên thế giới phải nghiên cứu thật sâu, thật kỹ theo điều kiện, cơ chế, chính sách và nền tảng sử dụng lao động hiện nay của Việt Nam.

 - Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức:

 Cần nghiên cứu và ban hành khung chương trình về văn hóa phổ thông phù hợp để người học có đủ kiến thức nền tảng nhằm tiếp thu tốt các kiến thức chuyên ngành ở trình độ trung cấp và đủ khả năng làm việc, học tập lên trình độ cao hơn.

Ngoài ra, cần quy định về việc công nhận văn bằng tốt nghiệp của loại hình đào tạo này trong hệ thống giáo dục quốc dân.

* VOH: Công tác phân luồng được nhiều quốc gia triển khai khá hiệu quả. Tại nhiều nước trên thế giới như Singapore chỉ có 60% học sinh vào học đại học, 40% học sinh chọn hướng học nghề. Để công tác phân luồng học sinh hiệu quả hơn, cần làm gì? Xin mời Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát

- Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10:

Phần lớn các nhà quản lý đánh giá các trường THCS có hoàn thành nhiệm vụ hay không căn cứ vào tỷ lệ học sinh vô lớp 10 đạt bao nhiêu % mà không đánh giá trường này đã hướng dẫn được bao nhiêu học sinh vô học nghề. Cho nên việc đánh giá các trường THCS cần xét thêm tiêu chí định hướng cho các em vô trường nghề.  

+  Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức: 

Tôi nghĩ cần phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trình độ đào tạo từ trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc sao cho phù hợp với cơ cấu trình độ, ngành nghề của nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế xã hội. Tăng cường đầu tư mọi mặt cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chúng ta đang góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi để xây dựng Luật Giáo dục với một hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp thống nhất. Đặc biệt chú ý đến công tác liên thông giữa các loại hình trường học. Ví dụ: loại hình trường có yếu tố nước ngoài, các trường dạy nghề thuộc các ngành, các bộ khác nhau, các loại hình trường công lập ngoài công lập áp dụng các mô hình chương trình tiên tiến của các nước và chương trình phổ thông hiện hành. Vấn đề liên thông đóng vai trò quyết định để người học dù chọn lựa bất cứ điểm xuất phát hay ngã rẽ nào cũng có thể bước vào lao động nghề nghiệp với chất lượng tốt hoặc có thể tiếp tục học tập phát triển lên cao mà không gặp khó khăn.

Ngoài ra, không bỏ qua việc xây dựng xã hội học tập. Chúng ta xác định có trung tâm học tập cộng đồng cấp phường xã, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp cấp quận huyện, cấp TP. Đây chính là môi trường giúp cho việc đào tạo nghề song song với hệ thống đào tạo nghề chuyên nghiệp, để người dân có thể học tập suốt đời, tham gia lao động với trình độ theo yêu cầu, trong từng giai đoạn phát triển và giúp người lao động được cập nhật kiến thức liên tục. Điều này, sẽ giúp các trường nghề phát triển tốt hơn và sẽ giúp trả lời cho phụ huynh một cách tự tin hãy mạnh dạn đưa con tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp.  

*VOH : Xin cám ơn các vị khách mời.

Mục đích chính của việc học là nhằm tạo dựng nền tảng kiến thức, năng lực cần thiết cho nghề nghiệp, góp phần xây dựng phát triển xã hội. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp từ bậc trung học phổ thông là con đường hiệu quả. Vì vậy, việc tháo gỡ những vướng mắc từ tâm lý xã hội đến các chính sách nhà nước cần được quan tâm thực hiện. 

Tuyết Nhung 

VOH

Bình luận

Đọc Báo