Hiểm họa người tâm thần sống chung với cộng đồng - Thời sự 11g00 19/12/2018

(VOH) - Nhiều vụ án nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do người tâm thần gây ra đối với người thân cũng như cộng đồng làm dấy lên nỗi lo về người tâm thần chưa được quản lý đúng mức.

Nhiều cuộc gọi của thính giả về đường dây nóng Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM bày tỏ bức xúc về nhiều trường hợp bị người tâm thần vô cớ tấn công. Mời quý vị nghe bài 1 của loạt bài “Quản lý người tâm thần tại cộng đồng còn nhiều khoảng trống” do nhóm phóng viên đường dây nóng thực hiện, nhan đề: Hiểm họa người tâm thần sống chung với cộng đồng:

Đường dây nóng Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM nhận được cuộc gọi của chị Vầy Thị Mộng Tuyền ngụ tại phường Phú Trung, quận Tân Phú kể về câu chuyện đau lòng xảy ra với con trai 6 tuổi bị Hoàng Nhất Giang bảo vệ dân phố ở phường 5, quận 11 sát hại. Khi vụ việc xảy ra, gia đình chị mới biết là Hoàng Nhất Giang từng phát bệnh tâm thần phân liệt đã điều trị tại bệnh viện Tâm thần TPHCM. Khi bệnh tình ổn định, Giang được cho về nhà điều trị ngoại trú rồi được làm bảo vệ tổ dân phố trong khi vẫn phải uống thuốc điều trị bệnh. Chị Mộng Tuyền kể trước đây con trai chị cũng hay qua lại chốt bảo vệ nơi Hoàng Nhất Giang làm việc để chơi vì nhà ở gần đó và Giang cũng hay qua nhà chị xin nước uống. Rồi đến tháng 11 năm ngoái thì Hoàng Nhất Giang sát hại con chị. Gần đây, gia đình chị chỉ nhận được tờ thông báo, vụ án ngưng điều tra vì Hoàng Nhất Giang bị bệnh tâm thần. Nỗi đau đớn của một người mẹ mất con chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng. 

Không chỉ có con của chị Mộng Tuyền là nạn nhân của những người tâm thần sống chung tại cộng đồng mà thính giả Trần Văn Vinh và những người hàng xóm của ông luôn ám ảnh về cái tên Tâm khùng. Người này lúc tỉnh lúc mê, hàng xóm lúc nào cũng lo né bởi anh này suốt ngày đi lang thang ngoài đường, gặp ai cũng dọa đánh và có lần vợ của ông đã bị đánh trọng thương.

Thính giả Nguyễn Văn Mười bức xúc kể tình huống bị người tâm thần tấn công. Đó là lần anh chạy xe đạp từ nhà đến chợ, dựng xe đạp cặp quán thì bị chủ quán không cho dựng xe tại đây và hai bên cự cãi nhau. Lúc này người tâm thần tên Lũy đứng gần đó nói hỏi rằng, sao lại cãi nhau, anh Mười chưa kịp trả lời thì đã bị Lũy cầm bình trà trên bàn trong quán cà phê đập vào đầu gây thương tích. Gia đình Lũy có phụ tiền thuốc cho anh Mười số tiền bảy trăm ngàn đồng.

Trên đường phố, trong khu dân cư có khi chúng ta thấy những người tâm thần đi lang thang, ăn mặc kì dị, nói năng lảm nhảm, chực chờ gây tai họa khiến nhiều người xung quanh phải dè chừng, khiếp sợ. 

Theo phân biệt của tổ chức y tế thế giới, bệnh tâm thần có hơn 300 loại khác nhau, do đó, không chỉ có tâm thần phân liệt, điên khùng như dân gian vẫn thường gọi mà rối loạn hành vi, rối loạn về cảm xúc, lo âu, trầm cảm, rối loạn dạng cơ thể, cũng là những bệnh rối loạn về tâm thần. Thậm chí hiện nay, có nhiều người nghiện ma túy sử dụng liều cao, pha trộn với các loại ma túy khác hoặc dùng cùng với rượu bị ảo giác nặng dẫn đến chứng cuồng sát khiến dư luận hoang mang. Thế nhưng rất nhiều người vẫn sống chung với cộng đồng, bởi gia đình không muốn hoặc không thể đưa vào trại cai nghiện tập trung. Chính vì sự tự quản những bệnh nhân tâm thần này mà đã có không ít vụ việc đau lòng diễn ra mà nạn nhân chính là người thân ruột thịt trong nhà./.

VOH

Bình luận

Đọc Báo