Hành trình về với Biển Hồ - Thời sự 5 giờ 30 14/12/2017

Biển Hồ tại Campuchia là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, vào mùa khô Biển Hồ có diện tích xấp xỉ 10.000 km vuông, sâu chỉ từ 1m - 4m.

Vào mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, diện tích của Biển Hồ có thể rộng tới 16.000 km vuông. Đây là nguồn mưu sinh của hàng ngàn hộ dân người Campuchia, người Việt gốc Campuchia và cả những người Campuchia gốc Việt. Cuộc sống của họ lênh đênh trên sóng nước, vất vả, thiếu nhiều điều kiện tối thiểu, trẻ em không được học hành tới nơi tới chốn.

Vừa qua, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM – Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã có chuyến hành trình từ TPHCM đến hai tỉnh Kampongchnang và Pursat để tặng quà cho những hộ dân người Việt sống trên Biển Hồ.

Trước khi đến với Biển Hồ, chúng tôi cũng đã tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên sách báo, phim ảnh để cảm nhận về cuộc sống của những người dân ở nơi ấy. Và được biết rằng, có cả ngàn hộ dân người campuchia gốc Việt sống lay lắt trên hồ, thiếu thốn trăm bề. Mong nhớ quê hương, nhưng cuộc sống nghèo khó quá, đường về trăm nẻo mịt mù. Trò chuyện với họ và biết bao câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc sống tha phương cầu thực mở ra đầy xót xa. 

Ở xã Tà Chí, huyện Kampong Tờ lách, tỉnh Kamphongchnang, dọc bên bờ sông Tonle Sap có khoảng hơn 400 hộ dân người Việt sinh sống bằng nghề đánh cá. Cô Nguyễn Thị Sậy, năm nay 51 tuổi nhưng người nhỏ thó, làn da nhăn nheo như một cụ già 70 tuổi, đôi mắt đùng đục như làn nước biển Hồ. Cô kể, theo ba mẹ qua đây từ nhỏ, rồi ba mất, mẹ trở về với anh chị ở Việt Nam, cô lập gia đình nối nghiệp lưới cá.  Ngày mẹ ra đi, cô đứt từng đoạn ruột nhưng không biết tin tức gì để chịu tang, một tấm ảnh thờ cũng không có. Mấy chục  năm nay, người phụ nữ ấy vẫn một mình trên chiếc xuồng nhỏ như chiếc lá giữa bốn bề sông nước, đi lưới 4-5 ngày mới quay về. Có khi sóng gió quá, thuyền lật, ngư cụ trôi mất trong đêm tối. Trở về lại đi mượn tiền để sắm ngư cụ rồi lại ra khơi.

Nhắc đến quê hương, cô Sậy lại ao ước, giá mà có cơ hội được trở về bản quán một lần là đủ mãn nguyện rồi: "Sống ở đây từ nhỏ tới lớn, mẹ đẻ từ nhỏ tới lớn không bao giờ đi việt nam lần nào, mẹ chết lâu rồi, mình ên ở bên chồng, chồng không kể gì cho nghe. Đi giăng lưới, giăng câu, giăng lưới ngoài sông, giăng lưới trong đồng. Vất vả một thời gian, mỗi ngày kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, đi 4 bữa mới về 1 lần. ước ao về việt nam mà không có được đi. ước gì mình có tiền về Việt nam để kiếm cô chú. Buồn lắm".

Cũng như cô Sậy, sống ở ven bờ sông Tonle Sap, cô Huỳnh Thị Mến cũng không còn nhớ rõ chính xác quê hương của mình. Chỉ biết rằng đó tỉnh An Giang. Cách đây ít năm khi hai vợ chồng còn khỏe, còn giăng lưới kiếm cá được thì cũng đủ tiền đổi gạo. Bây giờ chồng nằm một chỗ, con thì đã dựng vợ, gả chồng nhưng chẳng đứa nào đủ ăn, đủ mặc thì lấy gì lo lại cho ba mẹ. Hai vợ chồng đành nương tựa vào nhau, được đoàn tặng 10 ký gạo thì nhín nhút cũng ăn được 20 ngày. Món nợ hơn 80 triệu đồng để chữa bệnh cho chồng vẫn còn nằm đó, không biết đến bao giờ mới có thể trả được: "Tại vì lúc nào mình không mần được, bao nhiêu của đó cũng bằng mình mần được cả ngàn đô luôn, mừng mà muốn khóc luôn, chồng tui ổng đau hết 4.000 đô mà bây giờ hai vợ chồng già không có con gì nuôi hết".

Rời khỏi tỉnh Kampongchnang, ngày hôm sau đoàn chúng tôi đến tỉnh Pursat để bắt đầu đi sâu vào trong lòng hồ, con thuyền tròng trành rẽ sóng, gió từ sông thổi lên lộng lồng, mênh mông 4 bề sông nước, thỉnh thoảng mới thấy một cái cây nổi lên,  những cánh chim chao liệng trên mặt hồ, còn lại thì không bờ, không bến.  Phải gần 3 tiếng đồng hồ, tàu mới rẽ vào khu đầm lầy với nhiều bụi cây bao bọc, hơn 500 căn nhà bè của những người dân Việt Nam neo đậu ở đây. Khác với những nơi khác, cư dân  làm nhà trên những chiếc thùng phuy hoặc trên những chiếc thuyền, bởi mùa nước lớn còn neo trong đầm được, đến mùa nước ròng, phải kéo nhau ra  cửa Hồ tránh cạn. Những chiếc bè nổi đủ hình thù, to nhỏ khác nhau, đóng và lợp bằng đủ thứ vật liệu, ni lông, ván ép, lá.....con sóng cuộn, nhà cũng dập dềnh theo. Nhiều bè xơ xác, nhìn xuyên cả bên trong, mái thì thủng lỗ chỗ, những người dân chài đem nhẻm, lam lũ, những cô bé, chú bé, chân không, tóc hoe vàng ngồi bệt trên thuyền, mắt chăm chăm nhìn những người lạ. Cô Lê Thị Đáng, 57 tuổi sinh sống bằng nghề bánh bánh mì trên biển Hồ nói, hơn 20 năm ở đây, nhiều lần cũng về lại Kiên Giang để kiếm sống nhưng rồi cô Đáng lại quay về với Biển Hồ, bởi nơi này còn con cái, nhắc tới quê nhà, những giọt nước mắt của cô Đáng  trào ra trên khóe mắt chảy xuống gương mặt nhăn nheo khắc khổ vì nắng gió .

Không giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp, những cư dân bám riết lấy mặt hồ, 6 tháng được kéo cá, 6 tháng còn lại thì đói ăn. Nghe kể, đã từng có những trận bão mấy trăm chiếc bè bị xé tan hoang, nhưng họ chẳng đi đâu được. Có người cả đời chưa bao giờ bước lên đất liền. Khi mất đi, gặp lúc nước lớn phải treo xác tạm lên cây chờ khô rồi đem đi thiêu. Những đứa trẻ sinh ra lớn lên chỉ 13, 14 tuổi đã theo ba mẹ đi đánh cá, lập gia đình ở tuổi còn rất nhỏ, một vòng quay lẩn quẩn không ối thoát. Đứng trước những cảnh này, cộng đồng người Việt ở Campuchia thành lập ra tổng hội để vận động hỗ trợ những người Việt. Bà Phạm Thanh Thủy, Phó chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Tổng hội người Campuchia gốc Việt cho biết: "Nhìn chung, cuộc sống của bà con trên Biển Hồ rất khó khăn, nói chung là nghèo thì đúng hơn, địa vị pháp lý cũng không có, có nhiều người bơi xuồng bơi ghe vào rừng cả tuần để mưu sinh. Mặc dù là chính phủ Việt nam cũng rất quan tâm đến cuộc sống của người dân nơi đây nhưng tôi cũng hy vọng rằng sắp tới đây Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn nữa. Vào đây tôi cũng nghẹn ngào lắm, nhìn xa tắp mù  khơi không biết nhà ở đâu bến ở đâu, tôi có cảm tưởng tôi cũng hòa mình vào cuộc sống của bà con ở nơi đây".

Mới đây,  chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã vận động được gần 400 triệu đồng gồm tiền mặt và một phần quà gồm mền, áo lạnh, sữa và gạo... để tặng cho 520 hộ nghèo ở nơi này. Những đứa trẻ nhem nhuốc chưa một lần nhìn thấy chai sữa, vội vàng đón lấy với niềm vui lấp lánh, ba mẹ bé lấy ngay chiếc áo ấm mới ra khoác vào cho con để tránh những cơn gió lạnh từ mặt hồ, các nhà tài trợ, mạnh thường quân và thính giả của chương trình cảm thấy rất ấm áp.

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM chia sẻ: "Tận mắt nhìn thấy phương tiện và cuộc sống của người dân thì mới thấy, sự khốn khó đang đè nặng trên vai của những người dân ở đây. Và với chuyến đi này thì có lẽ rằng chúng ta cần phải làm sao đó để cộng đồng người việt hiểu hơn và tìm những biện pháp, không chỉ là giải pháp trước mắt tình thế là cứu trợ tạm thời như hiện nay mà cần phải có những tác động của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương tại Campuchia để đảm bảo cho cộng đồng của mình có cuộc sống căn cơ hơn".

Những món quà ấm áp đến với người dân làng bè, và 10 năm nay họ chưa bao giờ được gặp nhiều đồng bào mình đến vậy, có người mừng quá thốt lên, vậy là  có gạo cho bữa cơm chiều nghi ngút khói, áo ấm cho con mặc tết, cái mền tránh cơn gió hun hút từ mặt sông. Nghe mà nao lòng. Sau những giây phút ấy, những chiếc võ lãi, xuồng con cập vào rồi tỏa đi muôn nhánh, họ trở về với công cuộc mưu sinh. Có xuồng chở theo mấy chậu vạn thọ vàng tươi, dấu hiệu của mùa xuân sắp đến, ừ thì cũng sắp hết năm rồi, cái tết cũng đã gần kề. Vẫn còn đó những thông tin không thuận lợi về cuộc sống sau này của họ trên Biển Hồ nhưng đã có biết bao bàn tay chìa ra sẻ chia với họ, lúc ấy chúng tôi hiểu rằng, khi tình nhân ái tỏa sáng thì sẽ không còn một khoảng cách nào về địa lý nữa cả.

Nhật Nam

Bình luận

Đọc Báo