Gỡ nút thắt để mô hình bác sĩ gia đình được lan rộng - Thời sự 5g30 14/8/2018

(VOH) - Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, hoạt động bác sĩ gia đình tại TPHCM còn nhiều khó khăn, rào cản.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, hoạt động bác sĩ gia đình tại TPHCM còn nhiều khó khăn, rào cản.

Là đơn vị tiên phong đưa y học gia đình triển khai vào hệ thống y tế, cũng là đơn vị đảm nhận đào tạo bác sĩ gia đình tại TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Phòng Khám bác sĩ gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người đã cất công đi học mô hình này từ các nước phát triển cũng như được đào tạo y học gia đình rất căn cơ đã có những kiến nghị cụ thể, phải nhanh chóng gỡ nút thắt để mô hình bác sĩ gia đình được lan rộng, mời quý vị nghe Phóng viên VOH phỏng vấn PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:

mô hình bác sĩ gia đình

Ảnh minh họa: baocongly

 VOH: Qua ghi nhận thực tế chúng tôi đã phản ánh về thực tế người dân vẫn còn chưa hài lòng sau khi khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế khi cơ số thuốc tại trạm thiếu, bệnh nhân phải lên bệnh viện quận rất bất tiện cũng như về quy trình chuyển viện trong hệ thống bác sĩ gia đình đến nay vẫn chưa liên thông?

    PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Điều này rất bất hợp lý và chúng ta phải cải tổ điều này. Một bệnh nhân tin tưởng bác sĩ tại cơ sở nhưng thuốc phải lên tuyến trên lãnh rất bất tiện cho bệnh nhân, làm sao chúng ta phải đưa thuốc về để người dân được cung ứng tại chỗ. Thậm chí có thể liên thông danh mục bảo hiểm  y tế với nhà thuốc đạt chuẩn GPP để người dân có thể đến bất kỳ nhà thuốc nào trong hệ thống của mình để lấy thuốc như mô hình nước ngoài đã làm. Đó mới là đúng tinh thần đem dịch vụ đến tận người dân để người dân không cần đi đâu xa hết được giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại chỗ.

    VOH: Như chúng ta được biết để phủ rộng mạng lưới bác sĩ gia đình thì rất cần hệ thống phòng khám tư vào cuộc. Vậy điểm “nghẽn” trong việc cấp chứng chỉ phòng mạch tư khám bác sĩ gia đình cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ?

    PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Để có thể hoạt động được trong lĩnh vực bác sĩ gia đình theo Luật khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình. Việc cấp chứng chỉ hành nghề này trước đây theo thông tư 14 của Bộ Y tế với loại hình đào tạo 3 tháng, các sở y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ này dựa trên cơ sở họ đã có kinh nghiệm thực hành lâm sàng từ 18 tháng trở lên. Tuy nhiên, hiệu lực của thông tư này đến nay chưa được xem xét để cấp trở lại tiếp tục, do vậy có rất nhiều đối tượng đã học nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề!

    VOH: Nếu muốn vực dậy y tế cơ sở thì phải thiết lập lại trật tự khi những bệnh thông thường phải được khám tại cơ sở, tránh dồn ứ lên tuyến trên. Trong bối cảnh này, khi mô hình tiến hành thành công thì bác sĩ gia đình đóng vai trò then chốt ở đây phát huy tại tuyến y tế cơ sở. Vấn đề này theo ý kiến của ông như thế nào?

    PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Việc này đầu tiên phải bắt đầu từ liệt kê ra những vấn đề sức khỏe, mô hình bệnh tật, những bệnh thường gặp ngoại trú mà bác sĩ gia đình có thể làm tốt được và phải huấn luyện bác sĩ gia đình làm thuần thục tất cả những vấn đề này. Trên cơ sở đó bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ ở y tế cơ sở không thanh toán nếu họ vượt tuyến lên tuyến trên điều trị những bệnh thông thường mà những kỹ thuật này đã quy định phải làm ở y tế cơ sở. Lúc đó, bệnh viện tuyến trên chỉ làm chuyên khoa và lấy giá đúng chuyên khoa, bệnh nhân cũng được thanh toán theo quyền lợi nhưng với danh mục y tế cơ sở làm được đã thống nhất với bảo hiểm y tế thì không thanh toán khi bệnh nhân vượt lên tuyến trên. Phải phân luồng được mặt bệnh quản lý giữa y tế cơ sở và tuyến trên để bệnh nhân biết và đi theo đúng luồng như vậy! Phải thiết lập lại trật tự quản lý phân luồng mặt bệnh và bệnh nhân.

VOH: Nếu làm tốt những gì như ông vừa nêu thì chắc chắn công tác khám chữa bệnh chúng ta sẽ đi vào quỹ đạo một cách căn cơ, bền vững nhất là mình sẽ quản lý tốt nguồn quỹ bảo hiểm y tế chứ không phải như hiện nay, bảo hiểm y tế lúc nào cũng đối mặt với bội chi, vỡ quỹ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Có thể trong giai đoạn đầu chúng ta nói với người dân về thế mạnh của y tế cơ sở của chúng tôi, và hãy đến y tế cơ sở sử dụng dịch vụ thậm chí mình quy định bệnh nhân sẽ được miễn phí 2 lần bác sĩ gia đình mà họ chọn theo cách thuận lợi nhất cho họ và người dân họ sẽ chọn sử dụng dịch vụ này. Và khi đến họ sẽ được bác sĩ gia đình sẽ lập hồ sơ theo dõi sức khỏe liên tục cho họ và hướng theo dự phòng. Trong giai đoạn đầu, nếu mình hình dung tất cả các bệnh nhân bảo hiểm y tế họ chọn sử dụng dịch vụ này thì quỹ ban đầu có thể sẽ tăng nhưng về lâu dài theo hướng bác sĩ gia đình là dự phòng thì sẽ tránh các bệnh nặng trong tương lai. Mười, hai năm mươi sao nguồn lợi sẽ rất lớn cho bảo hiểm xã hội và quốc gia vì bảo hiểm y tế sẽ không tốn chi phí tốn kém cho điều trị bệnh tật khi mình đã làm tốt dự phòng.

VOH: Để thúc đẩy giải quyết nhanh những điểm vướng mắc như chúng tôi đặt ra từ đầu thì ông có kiến nghị cụ thể như thế nào với vai trò là đơn vị tiên phong trong thực hiện và đào tạo bác sĩ gia đình tại TPHCM?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Chúng ta cần có những chính sách thu hút cho sự phát triển của bác sĩ gia đình cụ thể với người cung ứng dịch vụ y tế cũng như khách hàng của mình đó là bệnh nhân. Hệ thống y tế mang tính chất hỗ trợ để bác sĩ gia đình tác nghiệp chuyên môn cụ thể để có thể đem khách hàng cho bác sĩ gia đình, đem bảo hiểm y tế cho bác sĩ gia đình, hỗ trợ chuyển tuyến, hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ hội chẩn từ xa. Những phác đồ điều trị mới nhất được cập nhật kiến thức tại y tế cơ sở qua hệ thống đào tạo từ xa của các trường đại học. Như vậy người bác sĩ gia đình ở tuyến cơ sở sẽ rất đủ tự tin, đủ điều kiện để chăm lo sức khỏe cho người dân của mình.

VOH: Cảm ơn ông.

Nhất Hương 

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo