Giữ vững bút sắc lòng trong – Thời sự 5g30 19/06/2019

(VOH) - Trên mặt trận tư tưởng, công tác đối phó với luận điệu xuyên tạc của kẻ thù không phải là việc làm một sớm một chiều mà đòi hỏi tính liên tục và bền vững.

Trong đó, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng khi phải đồng thời phản biện ý đồ xuyên tạc chống phá từ bên ngoài, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, và cũng phải lên án những biểu hiện xa rời quần chúng của đảng viên, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, báo chí còn phải thực hiện chức năng biểu dương khen ngợi, tuyên truyền sâu rộng gương người tốt việc tốt nhằm tạo hiệu ứng xã hội tốt, tạo năng lượng tích cực trong nhân dân. 

Về công tác tuyên truyền chống tự diễn biến, tự chuyển hóa của các cơ quan truyền thông hiện nay, mời quý vị nghe bài 1 “Giữ vững bút sắc lòng trong” trong loạt bài “Cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ với phòng chống quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” do phóng viên Ngọc Bích Minh Phước thực hiện:

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Gần 95 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng nội dung, phong phú và đa dạng về hình thức, góp phần rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin cũng như định hướng dư luận, đấu tranh với các luận điệu sai trái của thế lực thù địch. Trong tình hình hiện nay, khi mà các trang mạng xã hội còn đưa những thông tin sai lệch, xuyên tạc thì báo chí Cách mạng càng thể hiện rõ vai trò tuyên truyền, định hướng của mình, đặc biệt với mảng đề tài chính trị, chống diễn biến, chống suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trú Thông Tấn xã Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết về công tác tuyên truyền chống diễn biến, chống suy thoái của báo trong thời gian qua: “Các cơ quan báo chí nước ta nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thì cũng đã tập trung tuyên truyền rất mạnh về lĩnh vực này. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các nội dung thông tin theo tôi là đa dạng và phong phú, đặc biệt là các tuyến bài mang tính phản bác, hoặc bình luận chuyên sâu thì ngày càng được đầu tư hơn với sự tham gia của các nhà bình luận, của các chuyên gia, của các nhà báo vững tay nghề để mà phản bác lại. Qua đó mà xây dựng tuyến tin này mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong công tác thông tin tuyên truyền. “

Với sự bùng nổ của công nghệ, ngoài việc người dân thừa hưởng những thành tựu của khoa học thì những tiêu cực hạn chế cũng nảy sinh. Các tin tức từ mạng xã hội lan truyền nhanh chóng khi chưa được kiểm chứng, sàng lọc đang thách thức báo chí cách mạng Việt Nam phải thể hiện được vai trò định hướng và phát triển của mình. Hai câu thơ "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu luôn là chân lý bất di bất dịch cho người cầm bút. Cá nhân các nhà báo với ý thức “bút sắc lòng trong”, phải bản lĩnh trong bài viết, luận cứ chính xác để chống lại sự xuyên tạc của thế lực thù địch trên trang báo và ngay cả trên mạng xã hội. Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của người cầm bút: “Hiện nay có một số nhà báo, trên mặt báo thì viết đúng đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước. nhưng khi họ viết facebook hoặc viết trên mạng xã hội thì bày tỏ quan điểm cá nhân của họ trái với quan điểm của đảng, pháp luật của nhà nước và ngay cả không đúng với những gì mà họ từng viết trên mặt báo. Tôi cho rằng như thế là thái độ hai mặt. Như vậy họ làm cho người đọc, khán giả cảm thấy rằng thì anh theo quan điểm nào. Tôi cho rằng làm báo phải nhất quán một quan điểm thôi. Tôi nghĩ rằng chuyện này cần sự khắc phục của bản thân mỗi nhà báo. Mà chính báo đài cũng cần phải chấn chỉnh việc này cho đúng.”

Thực tế cho thấy, dưới sự định hướng của Đảng và Chính quyền các cấp, không chỉ có báo in, báo điện tử mà đài phát thanh tuyền hình luôn chủ động xây dựng chuyên mục, tuyến bài thời sự giới thiệu người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động, sáng tạo. Lấy cái đẹp lấn át cái xấu, lấy tích cực làm mờ tiêu cực, đó là điều mà cơ quan báo chí luôn muốn đồng hành cùng người đọc, người nghe của mình. Có lẽ không có điều gì cản được bước chân của các nhà báo khi họ mang trong mình trái tim của nhiệt quyết, nỗi thấu cảm và sự sẻ chia. 

Tiếp bước anh hùng của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) 44 năm qua luôn song hành việc phê phán cái ác cái xấu trong xã hội với tuyên truyền nêu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến. Ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài chia sẻ về thành công mà chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – một trong những chương trình được thành phố tuyên dương là gương điển hình tiên tiến: “Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, tập trung quan tâm cho các địa phương, gia đình và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và những mảnh đời cần sự giúp đỡ mà chúng tôi đã làm một cách âm thầm, kiên trì, bền bỉ. Qua việc làm đó đã từng bước đem lại kết quả cụ thể, tạo nên gam sáng. Đây cũng là cách để chúng ta phối hợp với nhiều hướng khác nhau, để làm sao tuyên truyền được người tốt, việc tốt, gương sáng như là quan điểm của thành phố đã từng chủ đạo là lấy cái đẹp dẹp cái xấu, và lấy cái sáng để tất cả mọi người lấy đó làm điểm tựa. Và chúng ta cùng chung tay xây dựng thành phố.”

Theo bà Nguyễn Thị Tô Châu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy thì báo chí thời gian qua đã phản ảnh được sự vật, hiện tượng xã hội. Qua đó động viên, khích lệ cũng như nhân rộng những gương điển hình tốt, các mặt tích cực đời sống xã hội. Đồng thời cũng cảnh tỉnh, đấu tranh, lên án những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, trước dấu hiệu một bộ phận người cầm bút chuyển biến tư tưởng tiêu cực, bị lôi kéo vào những lợi ích cá nhân dẫn đến việc tạo ra luồng thông tin trái chiều, kích động dư luận, bà Nguyễn Thị Tô Châu nhấn mạnh: “Đòi hỏi vai trò quản lý của chúng ta hiện nay làm sao các loại báo khi đưa đến công, chúng người ta đọc, người ta thấy đó là sự thật, phản ánh được hiện tượng khách quan và phản ảnh được tích cực xã hội, cũng như đấu tranh phê phán những vấn đề tiêu cực hiện nay mà xã hội cần lên án và loại bỏ. Như vậy chúng ta thấy, công tác tuyên truyền với công tác báo chí, mà đặc biệt là chống diễn biến tư tưởng, suy thoái cần phải đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Và các nhà báo phải có trách nhiệm với từng bài viết của mình.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Người khẳng định báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng, “cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Rõ ràng, từ lời dạy của Bác cho đến cơ sở thực tiễn hiện nay cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của báo chí mà trước hết, phải vì công lý, vì lợi ích tổ quốc, nhân dân. Nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái đạo đức luôn rình rập, không có giới hạn và không chừa một ai, nhất là với nghề báo vốn phải làm việc trong môi trường nhiều tiếp xúc, va chạm cũng như cám dỗ. Do vậy, giữ vững ngòi bút trong cuộc chiến chống tự diễn biến, tự chuyển hóa chính là một phần cần được khắc cốt ghi tâm, trui rèn với mỗi nhà báo phóng viên hay bất cứ ai tham gia vào lĩnh vực truyền thông. Một khi trách nhiệm đặt trên vai càng lớn, tầm ảnh hưởng càng sâu rộng thì người làm báo càng phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tinh thần rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức không ngừng nghỉ để phục vụ cho nhân dân, đất nước.

VOH

Bình luận

Đọc Báo