Động lực cho những bức phá mới – Thời sự 5g30 10/09/2018

(VOH) - Lần đầu tiên Việt Nam được vinh danh ở hạng mục "Điểm đến hàng đầu châu Á".

Mới đây, tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã diễn ra Lễ công bố Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) - Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lần đầu tiên Việt Nam được vinh danh ở hạng mục "Điểm đến hàng đầu châu Á". Giải thưởng này là dấu ấn quan trọng, là sự khẳng định cho chất lượng, thương hiệu của du lịch Việt Nam. Đồng thời, nó cũng đặt ra những thách thức cho ngành du lịch trong việc giữ vững và phát huy các lợi thế sẵn có.

Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) là giải thưởng danh giá được tạp chí The Wall Street Journal ví như “Giải Oscar của ngành du lịch”, nhằm vinh danh những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực du lịch, bao gồm: Điểm đến nổi bật, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, các doanh nghiệp có dịch vụ tốt… Giải chia thành các khu vực Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, Trung Đông, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ... Sau đó, giải thưởng của từng khu vực sẽ được tổng hợp và tiếp tục bình chọn để tranh giải thế giới được tổ chức vào tháng 11 hàng năm. Đến nay, sau 20 năm tổ chức, giải thưởng đã được công nhận trên toàn thế giới với sự tham gia của hơn 200 quốc gia cùng một mạng lưới các đối tác truyền thông, thu hút hơn 1,7 triệu người đọc và 90 triệu người xem truyền hình hàng tháng.

Nhà sáng lập WTA, ông Graham E. Cooke (người đứng giữa) trao giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á" cho đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ảnh: worldtravelawards.com

Với danh hiệu “Điểm đến hàng đầu Châu Á” - Phải khẳng định đây là vinh dự của nước ta, là cơ hội tốt để hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế. Nó như sự ghi nhận cho những nỗ lực bền bĩ mà chúng ta đã và đang làm. Thế nhưng bên cạnh đó, giải thưởng này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành du lịch. Làm sao để không ngủ quên trên chiến thắng? Làm sao khắc phục được những hạn chế và phát huy thêm tiềm năng cho du lịch Việt? Đây là nhu cầu nhưng cũng là đòi hỏi bức thiết trong quá trình phát triển ngành “Công nghiệp không khói”.

Chúng ta đã biết, ngành du lịch đang giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP, giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt hơn 20 tỷ đô la Mỹ… Chưa kể, Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017 với rất nhiều điểm mới, càng chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của các cấp chức năng cho ngành du lịch. Rõ ràng, yêu cầu tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng là mục tiêu mà ngành cần đạt được trong thời gian tới. Mục tiêu này đòi hỏi phải có bước chuẩn bị bài bản, đồng bộ, không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô, cải tiến chất lượng mà còn thu hút được nguồn vốn đầu tư của thế giới.

Dù tăng trưởng đến 30% và đạt 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 thế nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn hạn chế. Thực tế đó đặt ra yêu cầu đổi mới về quan điểm cũng như tầm nhìn trong quy hoạch theo chiều sâu, hiệu quả và có sức cạnh tranh. Nói cách khác, ngành du lịch phải hướng đến chiến lược phát triển bền vững. Du lịch bền vững là khái niệm không mới nhưng vấn đề phải làm gì và làm như thế nào để nó phát triển đúng hướng mới là điều quan trọng? Bởi chúng ta đều hiểu, sự “ăn xổi” trong đầu tư, phát triển du lịch sẽ phải trả giá do những hệ lụy mà nó gây ra.

Như đã nói, phát triển du lịch bền vững không phải là vấn đề bây giờ mới đặt ra. Nhưng tại không ít địa phương, nó chưa được xem xét đúng mức, thậm chí bị coi nhẹ để rồi dẫn đến tình trạng phát triển du lịch theo hướng bất chấp các nguyên tắc, coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, bỏ qua cả lợi ích cộng đồng. Du lịch là ngành kinh tế có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Ðã đến lúc, ngành du lịch cần quan tâm hơn đến chất lượng của tăng trưởng.

Thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn! Phát triển du lịch không nên chỉ dựa vào điều tra, khảo sát, lập dự án, xây dựng các tiện nghi… mà cần sự kết hợp quảng bá, mời gọi của các địa phương, ban ngành và sự tham gia của cả cộng đồng.Việc tạo ra chuỗi giá trị để hình thành nên sản phẩm du lịch độc đáo là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Muốn làm được điều đó, các yếu tố như: Hệ thống pháp luật, quy hoạch tổng thể, công tác bảo tồn... phải được tiến hành đồng bộ. Chỉ khi có sự kết hợp hài hòa các yếu tố này, du lịch Việt mới có thể đứng vững và xây dựng một thương hiệu vững mạnh.

Trở lại với danh hiệu “Điểm đến hàng đầu Châu Á”, chúng ta có quyền tự hào với giải thưởng này! Nó đã góp phần định vị thương hiệu du lịch Việt với tư cách là một điểm đến có chất lượng, vượt qua cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Tin chắc rằng, đây sẽ là động lực để ngành du lịch Việt Nam có được những bức phá lớn hơn, tốt hơn trong thời gian tới. Bởi nói gì thì nói, làm cho khách du lịch hài lòng chính là cách quảng bá du lịch hữu hiệu nhất! Khi họ có ấn tượng đẹp về Việt Nam, họ sẽ lan tỏa cảm xúc tích cực của mình đến với bạn bè, người thân của họ.

Trong 8 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 10,4 triệu lượt, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2017. Con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi năm 2018 còn gần 4 tháng nữa mới qua đi. Tóm lại, động lực phát triển giờ đã có, chỉ còn chờ những bức phá của ngành du lịch. Mọi giới hạn là có thật nhưng chắc chắn nó không phải là thứ tồn tại duy nhất. Quan trọng là ngành du lịch phải phá vỡ được giới hạn đó, bứt phá cho những mục tiêu đã đặt ra trong năm nay, năm sau và những năm tiếp theo. Thậm chí là cho cả những mục đích, những sứ mệnh cao lớn hơn!

VOH

Bình luận

Đọc Báo